Quách Thu Phương thích “vai“ chiều chồng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm năm không gặp, cuộc sống riêng của Quách Thu Phương có nhiều biến động. Đã là mẹ của hai con nhưng dường như nhan sắc của chị không bị tác động nhiều.
Quách Thu Phương thích “vai“ chiều chồng
Ảnh minh họa

Nói điều này với Phương, chị cười: Già rồi. Con gái đã dậy thì, nhìn nó là biết mình già. Phương đang ốm, vẫn phải gượng dậy đi tập “Kiều Loan” để tham dự hội diễn. Thế mà bước lên sân khấu là quên hết…

Vẫn phải sống nhờ chồng

Xem chị diễn, thấy những đam mê và run rẩy hình như không bị kinh nghiệm làm chai đi, hay là tại chị ít xuất hiện?

Tôi nhận vai nhiều chứ, nhưng không hiểu sao, đã mười mấy năm đứng trên sân khấu mà lần nào bước ra từ cánh gà cũng run, cũng phải mất hàng phút mới trấn tĩnh được.

Lần nào diễn vở mới thì hồi hộp suốt cả tối hôm trước, đến đồng nghiệp cũng phải công nhận Phương “bất bình thường”.

Gần đây không thấy chị xuất hiện trên truyền hình, có vẻ Quách Thu Phương đang đi ngược lại xu hướng chung của các diễn viên sân khấu?

Lý do chính là tôi muốn dành nhiều thời gian cho gia đình, tôi cảm giác có giai đoạn mình đã không dành đủ thời gian cho những người thân.

Và thứ nữa tôi nghĩ mình nên tập trung vào sân khấu hơn, để làm được một cái gì đó. Trước đây mình cứ mải mê chạy theo những cám dỗ của điện ảnh mà bỏ qua mất nhiều cơ hội của sân khấu.

Chị nói “những cám dỗ của điện ảnh”?

Điện ảnh, truyền hình cám dỗ chứ. Cát-sê so với sân khấu là cao hơn, lại nổi tiếng nhanh. Truyền hình rất dễ đến với khán giả và khán giả cũng dễ chấp nhận diễn viên hơn.

Như thế tức là khi Quách Thu Phương không nhận đóng phim truyền hình, một phần vì cô ấy không còn bị câu thúc về tiền bạc nữa?

Không biết các nghệ sĩ khác thế nào, chứ với tôi hiện nay, thu nhập từ nghề diễn không đủ sống, Quách Thu Phương vẫn phải nhờ chồng về tài chính để nuôi dưỡng tình yêu với sân khấu.

Nếu không bị câu thúc vì cơm áo, thì cũng có nghĩa người diễn viên có quyền lựa chọn vai diễn cho mình?

Tôi chưa phải là diễn viên hạng nhất nên vẫn chưa có quyền ấy. Vả lại, tần suất các vở mới không nhiều, cơ hội được góp mặt đã khó, cho nên có những lúc vẫn phải nhận những vai mà mình không thích.

Trong thời điểm này, thấy chị hay vào những vai phụ nữ đã trưởng thành, có gia đình, chị thích loại vai ấy chứ?

Nhiều lúc nhìn lại tôi hơi giật mình vì như thế có nghĩa là mình già thật rồi (cười). Nhưng mà nếu bây giờ được giao những vai trẻ quá, mình cứ phải “cưa sừng” thì cũng mệt.

Những vai giống với mình, đúng với mình sẽ khiến diễn viên dễ tung hứng hơn. Chính diện rồi, cá tính rồi, giờ tôi thích những vai đa chiều, đa sắc thái.

Chị có thực sự tự tin với những vai mạnh mẽ và hơi “thép” không, khán giả nhìn chị ngoài đời họ sẽ nghĩ chị không liên quan đến những cá tính ấy?

Bình thường tôi khá yếu đuối, dễ khóc. Nhưng cuộc sống của tôi cũng thăng trầm đủ cả rồi, tôi nghĩ nếu tôi bị đẩy đến cùng tôi sẽ rất mạnh mẽ. Nếu không, làm sao vượt qua tất cả để được như bây giờ.

Sau khi ly hôn, các chuyên gia tâm lý tổng kết rằng phụ nữ dễ đứng lên và thiết lập cuộc sống mới nhanh hơn đàn ông, nhưng tôi nhớ, khi tôi gặp chị lúc đó, chị rất yếu?

Yếu đến mức tôi cảm giác như hơi thở của mình chỉ còn thoi thóp thôi. Nhưng cũng vào cái lúc tôi tưởng mình sẽ quỵ ấy có một tiếng nói ở bên trong bảo tôi rằng, nếu tôi ngã lúc này là tôi thua. Tôi phải đứng lên, tôi nhìn vào con để đứng lên.

Nghĩ đơn giản lắm: Nếu mình ốm, nếu mình làm sao thì con mình khổ trước tiên. Mình không thể mất tất cả cùng một lúc được. Tôi lấy công việc, lấy con để làm trụ đỡ mà đứng dậy.

Hôn nhân bây giờ của chị cũng là với một người đàn ông không làm nghệ thuật, chị có “rút kinh nghiệm” không?

Tôi nghĩ vợ chồng là duyên số. Tôi cũng không thích tính toán quá. Người tính không bằng trời tính. Chuyện gì đến thì cứ để nó đến tự nhiên, miễn là mình đừng bị động quá.

Giới nghệ sĩ truyền tin rằng Quách Thu Phương là người chiều chồng nổi tiếng. Đến nhà cô ấy có thể thấy ông chồng thảnh thơi ngồi chơi với con trong khi cô vợ đẹp tất bật cơm nước, chợ búa, và… lau nhà?

Tôi thích làm việc nhà. Tôi nghĩ rằng vợ chiều chồng là đương nhiên. Ở nhà tôi có sự phân công nhiệm vụ khá rõ ràng: đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.

Chị có cảm thấy thiệt thòi khi chồng không chia sẻ những việc tưởng như lặt vặt nhưng lại khá quan trọng với phụ nữ, chẳng hạn: giặt giũ, cho con ăn…?

Tất nhiên, là phụ nữ ai cũng thích được người đàn ông của mình chia sẻ mọi chuyện. Nhưng với tôi, khi người ấy không thích tôi cũng không ép. Tất cả phải là tự nguyện. Nếu mình nhờ mà họ miễn cưỡng thì thà không nhờ còn hơn.

Giáo dục giới tính cho con từ bậc tiểu học

Một mình chăm sóc hai con nhỏ, lại còn công việc ở Nhà hát, chị thu xếp thời gian như thế nào?

Từ khi có bé thứ hai, lịch làm việc của tôi gần như kín mít, chủ yếu là việc nhà. Sáng dậy sớm đưa con đi học, về chợ búa, chuẩn bị bữa trưa, rồi lại đi đón con. Chiều tiếp tục lịch trình ấy, cộng thêm tất cả việc nhà: giặt giũ, lau dọn… Tối đi làm ở Nhà hát Tuổi trẻ.

Không có một tí thời gian nào dành cho bản thân?

Một chút thời gian buổi chiều, tôi dành để lên mạng đọc tin tức.

Tìm một người giúp việc để chia sẻ việc nhà, chị không nghĩ đó là một giải pháp sao?

Ai cũng khuyên tôi như thế. Nhưng tính tôi rất kỹ, ai làm cũng thấy không ưng ý. Cơ bản là tôi vui khi làm việc nhà, chỉ những khi nào ốm thì mới thấy hơi mệt.

Con gái lớn của chị đã có thể giúp mẹ chăm em?

Cháu đang vào tuổi dậy thì, dở dở ương ương, “chiến tranh” với em suốt ngày. Em hiếu động, chị hay bắt nạt, mẹ toàn phải đứng giữa giải quyết.

Thỉnh thoảng lắm, vào ngày sinh nhật của em chẳng hạn, chị tuyên bố: hôm nay cho một ngày hòa bình nhé, thế là cả nhà mới được yên ổn.

Nhiều bà mẹ có con gái bước vào tuổi dậy thì đều đối mặt với vô vàn nỗi lo và sự căng thẳng vì không tìm được tiếng nói chung với con, chị có rơi vào tình trạng ấy không?

Có chứ. Thậm chí nhiều lúc tôi bất lực vì không hiểu nổi cháu. Để đối thoại với con là cả một vấn đề, vì cháu đang ở tuổi thích khẳng định mình, thích làm ngược lại những mong muốn của bố mẹ.

Tính tôi khá “rắn” trong việc chiều con nhưng đôi khi vẫn phải nhượng bộ những đòi hỏi của cháu để sau đó tìm cách hòa giải và tìm hiểu.

Tình trạng yêu sớm của các cô cậu tuổi teen bây giờ có làm chị lo lắng?

Rất lo. Tôi đưa con trai đến trường mẫu giáo, các cô giáo kể bọn trẻ 4 tuổi đã yêu, còn ghen tuông ầm ĩ. Biết sao được, cuộc sống có quá nhiều thông tin, tất cả mọi thứ đều cởi mở, mình cũng không thể cấm con không được thế này, không được thế kia.

Và chị làm cách nào để bảo vệ con?

Tôi giáo dục giới tính cho con từ năm cấp I. Tôi nghĩ nên cho cháu biết trước tất cả những kiến thức mà ngày xưa mình không được biết.

Không biết có phải tôi quá cả nghĩ nhưng luôn có cảm giác con bước chân ra khỏi cửa là có thể xảy ra rất nhiều chuyện. Tôi muốn trang bị cho cháu một chút kiến thức để cháu biết tự bảo vệ mình.

Để sau này tôi không phải tặc lưỡi: giá như mình nói với con sớm hơn! Tôi không thích từ “giá như”.

Khi bắt đầu bài học về giới tính với con gái, chị cảm giác như thế nào?

Khó khăn. Không biết phải bắt đầu từ đâu. Chọn từ ngữ như thế nào cho cháu dễ hiểu và để mình dễ nói.

Rồi chị làm cách nào để vượt qua sự khởi đầu trúc trắc ấy?

Tôi mua những cuốn sách về giáo dục giới tính về và bảo với con: Mẹ mua cho con đọc. Khi vào mạng, tôi hay vào những trang web dành cho tuổi teen để tìm hiểu tâm sinh lý của lứa tuổi này.

Có những bài viết mang tính cảnh báo về việc yêu sớm, quan hệ tình dục sớm và hậu quả của nó tôi cũng in ra cho con đọc. Cháu đọc xong thì tôi nói chuyện với con, như thế, con đã có một chút khái niệm về giới tính rồi, tôi giảng giải cũng dễ dàng hơn.

Bây giờ, chị yên tâm về những “vũ khí tự vệ” mà chị trang bị cho con rồi chứ?

Chẳng thể nói mạnh được điều gì, thế mới là cuộc sống. Nhưng hiện tại, có vẻ như mọi chuyện vẫn đang trong tầm kiểm soát của tôi.

Cảm ơn chị!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật