Nhớ sao ốc treo giàn bếp

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở miền Tây Nam bộ cứ vào mùa lũ rút, nội đồng bắt đầu khô cạn, cá rút xuống ao đìa sông rạch trú ẩn, đây cũng là dịp để bà con tát đìa bắt cá. Không chỉ có cá tôm mà còn nhiều loại khác như rắn, rùa, ếch, cua, ốc...
Nhớ sao ốc treo giàn bếp
Ảnh minh họa

Nói đến ốc lúc này ai cũng chê vì mọi người cho rằng bắt ốc làm gì phải xách mỏi tay. Tuy nhiên, chỉ có dân "nghiện" hay người sành điệu, biết ăn, biết thưởng thức mới bắt ốc để dành bằng cách treo trên giàn bếp chờ những tháng khô mới dùng đến...

Mùa nào cũng vậy, sò ốc bắt được cha tôi đem về rửa sạch đựng trong giỏ đan bằng tre rồi đem treo chỗ cao trên giàn bếp. Người bảo: "Ốc treo giàn bếp rất béo mập, cha gác ốc trên giàn bếp để hàng ngày khi nấu cơm khói xông vào giỏ đựng ốc, ốc sẽ ngửi khói xông lên là đạt yêu cầu". Lúc đầu tôi nghĩ làm như vậy ốc sẽ chết do hơi nóng bốc lên, nếu không chết cũng sẽ "èo uột" khó sống vì nhịn đói, nhịn khát rồi ốc sẽ "ốm tong ốm teo" vì thiếu ăn, thiếu nước. Nhưng không ngờ ốc lại mập ra mình đầy những mỡ và thời điểm này ốc trở thành món đặc sản vô cùng khoái khẩu của mọi người ở quê tôi.

Vào khoảng tháng ngày khô hạn, khi nhà có khách cha tôi lấy giỏ ốc từ trên bàn bếp xuống, con nào cũng mím miệng cạy không muốn ra, mình ốc có một màu xám như đang thiếu nước trầm trọng. Cha tôi cho ốc vào một cái thau rửa ốc sạch cho hết bụi bặm. Tiếp theo người sắp ốc vào một cái "nấp khạp" trong đó có chứa sẵn nước quậy trứng gà cho ốc uống. Tôi nhìn thấy những con ốc cục cựa, há miệng, quơ râu bắt đầu uống nước... Khoảng 20 phút khi ốc đã uống hết nước có trứng gà trong "nấp khạp", cha tôi bắt từng con vạt đuôi rồi cho vào nồi và trong nồi đã có sẵn một lớp sả, bên trên cho thêm mớ sả nữa, cho chút muối măn mặn và đổ thêm tí nước dưới đáy nồi. Cha đặt nồi ốc trên bếp chụm lửa đô chừng mười phút thì nồi ốc sôi và lúc ấy các con ốc đã há miệng, cha tôi bưng nồi ốc đảo đi đảo lại một vài lần cho đều rồi đặt lại lên bếp vài phút nữa. Khi ốc chín cha nhấc xuống cho vào rổ để nguội rồi sắp ốc ra đĩa, dọn ra bàn.

Nhìn những con ốc trốc mài, "mề" của ốc có một màu vàng thật "bắt mắt" đang chào mời. Tôi lẹ tay "chóp" lấy một con ốc, trút nước vào chén, dùng cây ghim tre để kéo mình ốc ra khỏi vỏ, một nùi từ đầu đến đuôi để vào gần đầy nửa chén nhỏ. Mê ốc vàng, mình ốc trắng tươi như bông bưởi không chê vào đâu được. Nêm tí nước mắm sả ớt, nặn thêm một miếng chanh, rồi nhanh tay bưng húp nhẹ miếng nước ốc, ngọt vô cùng. Vậy mà có người bảo "lạt như nước ốc". Thật oan uổng cho loài ốc làm sao? Có lẽ người ta chưa một lần thưởng thức nên nói vậy, chứ thử rồi sẽ nhớ đời món ốc treo giàn bếp mãi mãi về sau.

Nãy giờ mới chỉ nói đến nước ốc. Cái mình ốc mềm mụp, trắng phau, nõn nà đang chờ đợi tôi. Tôi lấy miếng chanh nặn vào mình ốc, dùng muỗng múc miếng nước mắm sả ớt rưới vào ốc. Lúc này đôi đũa sẵn cầm trên tay tôi đưa nhanh vào miệng, từ từ nhai và bắt đầu thưởng thức. Lúc này nếu có ai hỏi điều gì tôi hoàn toàn lắc đầu vì tôi còn đang thưởng thức... Thịt ốc mềm, mập ú ăn vừa ngọt, vừa cay (mùi vị ớt), thơm nồng (mùi sả). Nếu ai bảo hãy quên đi món ăn này, tôi xin thưa: "làm sao quên được!".

Ốc là món ăn có mặt khắp mọi nơi, mọi miền, ngon hay dở tùy theo cách chế biến của người sành điệu. Món ốc treo giàn bếp được cha tôi thực hiện ăn với nước mắm sả, ớt kèm thêm vài món rau thơm, cộng thêm vài ba chung rượu nồng thật khó tả.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật