Nhà thầu chây ì, đổ tại trời mưa

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông Trần Hồng Nam, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP HCM cho biết: Lý do các đơn vị, nhà thầu thi công đưa ra để biện minh cho sự chậm trễ là do… trời mưa, việc tái lập mặt đường không thể tiến hành. Lý do này đã không hợp lý bởi việc tái lập mặt đường sau khi đào từ trước tới nay chủ yếu được đơn vị thi công thực hiện vào ban đêm; những ngày gần đây đều không có mưa về đêm…
Nhà thầu chây ì, đổ tại trời mưa
thanh tra GTVT kiểm tra tại một rào chắn.

Mặc dù ngày 26/8, Sở GTVT TP HCM đã có thông báo yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công đào đường phải khẩn trương thu dọn rào chắn, tái lập mặt đường và dọn dẹp vệ sinh công trường để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp lễ 2/9.

Song hiện tại, trên địa bàn vẫn còn đến 26 vị trí đơn vị thi công đã tháo dỡ rào chắn mà chưa tái lập mặt đường.

Ông Trần Hồng Nam, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT cho biết: Lý do các đơn vị, nhà thầu thi công đưa ra để biện minh cho sự chậm trễ là do… trời mưa, việc tái lập mặt đường không thể tiến hành. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do này đã không hợp lý bởi việc tái lập mặt đường sau khi đào từ trước tới nay chủ yếu được đơn vị thi công thực hiện vào ban đêm; những ngày gần đây đều không có mưa về đêm và đây chỉ là cái cớ để che đậy cho hành vi cố tình chây ì; xem thường sự an toàn của người đi đường và không chấp hành việc đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị.

Mặc dù đã bị lực lượng thanh tra GTVT kiểm tra nhắc nhở, xử phạt nhiều lần, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi "lô cốt" thuộc các gói thầu của Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè được dời đi, tại các tuyến đường như Trường Chinh, Lý Thường Kiệt, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Kiệm, Xô Viết Nghệ Tĩnh… việc tái lập mặt đường vẫn chưa được nhà thầu thực hiện.

Tại nhiều vị trí trên các tuyến đường khác như Võ Thị Sáu, Trương Quốc Dung, Lê Văn Sỹ… nhà thầu chỉ tái lập một lớp nhựa thô thấp hơn mặt đường hiện hữu từ 4 - 7cm gây nguy hiểm cho người đi đường, nhất là những khi trời mưa, đường ngập.

Theo nhận xét của một cán bộ thanh tra GTVT, số lượng "lô cốt" đã giảm xuống còn 220 vị trí, song lại đồng loạt xuất hiện tại các giao lộ để thực hiện việc đấu nối các tuyến cống thoát nước. Vì vậy, sau mưa nước thoát chậm; tình trạng kẹt xe, ngập nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo kết quả kiểm tra mới đây của lực lượng thanh tra GTVT đã tiếp tục cho thấy: Nhiều đơn vị thi công vẫn không chấp hành đúng theo phương án phân luồng giao thông đã được Sở GTVT phê duyệt như không đặt biển báo phân luồng từ xa; không bố trí người hướng dẫn giao thông chỗ đường hẹp; không cải tạo, hạ gờ bó vỉa hè cho xe 2 bánh lưu thông… tình trạng vi phạm không chỉ xảy ra với các đơn vị thi công dự án thoát nước, mà ngay cả với một doanh nghiệp Nhà nước chuyên ngành là Công ty Quản lý công trình giao thông Sài Gòn khi thi công nâng hầm bưu điện cho Công ty Điện thoại Đông thành phố cũng để lại hậu quả...

Thực hiện Tháng an toàn giao thông tại TP HCM, theo kế hoạch, lực lượng thanh tra GTVT ngoài việc xử phạt hành chính sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như buộc chấm dứt ngay vi phạm; khắc phục, sửa chữa ngay những hậu quả do hành vi vi phạm của đơn vị thi công gây ra…

Để làm được điều này, theo ông Trần Hồng Nam, thanh tra GTVT sẽ "đeo bám", giám sát chặt chẽ cho đến khi chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công khắc phục xong hậu quả. Những đơn vị vi phạm từ 2 lần trở lên hoặc những đơn vị mới vi phạm nhưng chây ì, không chịu khắc phục hậu quả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự ATGT, vệ sinh môi trường và an toàn lao động sẽ bị đình chỉ thi công.

Biện pháp kiểm tra giám sát, xử phạt quyết liệt là vậy, nhưng "lô cốt" nhiều, trải khắp địa bàn lại chủ yếu được thi công về đêm trong khi lực lượng thanh tra GTVT chỉ có một vài tổ đi kiểm tra đã dẫn tới thực trạng là thanh tra không thể có mặt thường xuyên để giám sát tại các công trường trong thời gian nhà thầu thi công.

Mặt khác, mức xử phạt hiện thanh tra GTVT được áp dụng còn khá thấp, không đủ sức răn đe. Để khắc phục tình trạng hiện nay, ngành GTVT thành phố đã tính đến phương án khắc phục bằng cách đầu tư trải thảm nhựa lại toàn bộ mặt đường.

Trước mắt, kiên quyết buộc các nhà thầu, đơn vị thi công phải tái lập đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Nhưng để làm được như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là chính quyền thành phố cần phải huy động cả lực lượng CSTT, thanh tra xây dựng vào việc kiểm tra xử phạt vi phạm của nhà thầu trong quá trình rào chắn đào đường, tái lập mặt đường

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật