Có nên dỡ bỏ trần lãi suất?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại càng tăng cao, càng xuất hiện ý kiến cho rằng NHNN cần dỡ bỏ trần lãi suất cho vay và để cho các ngân hàng thương mại được tự ấn định lãi suất kinh doanh.
Có nên dỡ bỏ trần lãi suất?
Ảnh minh họa

NH Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) phát hành vốn dài hạn với lãi suất (LS) cho 5 năm đầu tiên là 10,5%/năm (bằng trần LS cho vay).

NHTM nâng mức LS huy động tới gần mức cho vay

Hai tuần gần đây, thị trường lại chứng kiến đợt tăng khá mạnh LS huy động VND của các NHTM ở tất cả các kỳ hạn, LS trả cho tiền gửi trên 12 tháng đã ở mức trên 9%/năm đến 10,5%/tháng (kỳ hạn 5 năm). LS trên thị trường liên NH cũng có dấu hiệu tăng khá mạnh trong mấy ngày đầu tháng 9 này.

Nguyên nhân được cho là sự mất cân đối giữa các kỳ hạn vốn huy động và cho vay. Trong cơ cấu nguồn vốn huy động của các NH có đến 80% kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống, nhưng nhu cầu vốn trung và dài hạn (từ 1 năm trở lên) cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển lại rất lớn.

Theo ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT của BIDV - thì, khi NHNN đã giảm lãi suất cơ bản (LSCB) xuống mức 7%/năm, LS huy động và cho vay của các NHTM đã phải giảm xuống mức thấp hơn cả mức trước khi thực hiện chính sách tiền tệ (CSTT) thắt chặt và cũng thấp nhất trong hàng thập kỷ qua.

LS thấp cũng gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn của các NH, nhất là đối với các NH nhỏ, NH mới thành lập và nhiều trường hợp còn rơi vào tình trạng ứ đọng vốn do việc quản lý cơ cấu kỳ hạn và tài sản chưa tốt của NH từ việc huy động vốn với LS cao trong thời gian trước đó mà không tìm được các DN và dự án khả thi.

Việc duy trì LSCB ở mức 7% khiến LS cho vay của các NH bị giới hạn trần ở mức là 10,5%. Những tháng gần đây, nhiều NH đã nâng mức LS huy động tới gần mức cho vay ở những kỳ hạn dài. Điều đó cho thấy áp lực huy động vốn của các NH nhằm đáp ứng nhu cầu giải ngân là khá lớn (tuy chưa đến mức đáng lo ngại như cùng kỳ năm trước).

Có nên dỡ bỏ trần lãi suất?


Theo ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch HĐQT Vietcombank, thời gian tới ngoại trừ điều kiện bất khả kháng, nên tiếp tục duy trì LSCB vì LSCB đã thành công cụ quan trọng trong điều hành CSTT, chỉ báo nhạy bén của thị trường tiền tệ. Mỗi thay đổi của công cụ này đã gần như ngay lập tức có tác động điều tiết rõ rệt đối với thị trường.

Tính đến thời điểm hiện nay đã là hơn 6 tháng NHNN giữ LSCB ở mức 7%/năm. Điều này một mặt cho thấy sự ổn định của thị trường tiền tệ. Mặt khác, mức LS thấp có tác dụng tích cực trong kích thích đầu tư, giảm khó khăn cho các DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô - yếu tố rất cần thiết trong giai đoạn "hậu suy thoái". Vì vậy, LSCB nên tiếp tục giữ ổn định ở mức như hiện nay.
 
Ông Nguyễn Đức Hưởng - TGĐ NHTMCP Liên Việt - cũng nói: "Tiếp tục thực hiện chính sách LSCB, coi đây là mức LS tham chiếu tin cậy cho thị trường. Muốn vậy, LSCB phải đóng vai trò kiên trì thực hiện định hướng điều hành kinh tế vĩ mô và bám sát diễn biến thị trường, phản ánh được cung - cầu vốn thực tế".

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), thời gian tới (giai đoạn hậu suy giảm kinh tế), việc tiếp tục áp dụng cơ chế điều hành LSCB là một giải pháp thích hợp, phù hợp với các mục tiêu kinh tế vĩ mô, cung - cầu vốn thị trường.

Việc điều tiết LS thị trường theo hướng ổn định được thực hiện kết hợp giữa điều tiết khối lượng tiền thông qua các công cụ gián tiếp, điều hành linh hoạt các mức LS chủ đạo và làm tốt công tác truyền thông. Sự thay đổi cơ chế điều hành LS theo hướng tự do hoá phải trên cơ sở đánh giá một cách khoa học và thực tiễn các điều kiện kinh tế, thị trường tài chính - tiền tệ ở trong và ngoài nước, cũng như các rủi ro có thể xảy ra và các biện pháp xử lý.

Để ổn định mặt bằng LS kinh doanh của các NHTM hiện nay, ông Nguyễn Hoà Bình cho rằng, các NHTM cần phối hợp chặt chẽ và tăng cường đồng thuận. Tuy mỗi NHTM có một mục tiêu, chiến lược hoạt động riêng, là đối thủ cạnh tranh của nhau, nhưng cũng đồng thời là đồng minh trong trận tuyến chống lạm phát, chống suy giảm kinh tế...

Sự tương hỗ, phối hợp hành động giữa các NHTM với nhau trong những giai đoạn khó khăn chung là hết sức cần thiết và quan trọng. Vai trò của Hiệp hội NH trong việc tăng cường sự phối hợp và đồng thuận của các NHTM cần được đẩy mạnh hơn nữa. Việc đồng thuận trong huy động vốn, đặc biệt là ngoại tệ sẽ tạo thuận lợi cho cả nền kinh tế và phù hợp với mặt bằng thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật