Việt Nam – “con hổ” mới tại Châu Á

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để có thể đánh giá đầy đủ về con đường mà Việt Nam đã đi qua từ những khó khăn, chông gai ban đầu cho tới ngày hôm nay, với tư cách một nền kinh tế mạnh mẽ, tất cả mọi người đều cần nhìn lại những thành tựu mà quốc gia này đạt được dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Việt Nam – “con hổ” mới tại Châu Á
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới Tháng 2/2007

Nhiều người cho rằng Việt Nam là một con hổ mới của Châu Á, một quyền lực mới nổi của nền thương mại quốc tế với mức tăng trưởng trong những năm qua nhanh, đều cho dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hơn hai thập kỷ đã qua kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới kinh tế (vào giữa thập niên 80 thế kỷ trước), một giai đoạn kinh tế với nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn ấp ủ tham vọng đạt được những thành tựu kinh tế nhiều hơn thế.

Việt Nam "vươn mình đứng dậy"

Là một quốc gia có mức độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Tăng trưởng GDP trung bình hàng năm ở mức 7-8%. Tỷ lệ đói nghèo đã được giảm thiểu đáng kể, kể từ năm 1991 - tỷ lệ người Việt Nam sống dưới mức nghèo, theo đánh giá toàn cầu, với thu nhập 1 USD/ngày đã giảm từ 51% xuống còn 8%. Và gần đây nhất là sự kiện Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới sau một quá trình đàm phán lâu dài.

Đầu tư nước ngoài đã tăng cao, các thủ tục cho sự hình thành một thị trường chứng khoán đã hoàn tất vào tháng 7/2000 đã tạo nên "hành lang" quan trọng để Việt Nam mở rộng hơn thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, sự ổn định chính trị, các quy định hiện hành, cũng như mức sống của người dân tăng lên đã khiến Việt Nam trở thành một "câu chuyện đầu tư" đầy ngoạn mục.

Những con số đầy ấn tượng sau đây đã thể hiện điều đó: xuất khẩu sản phẩm giày dép tăng 19,3% hàng năm, len sợi tăng 38%, hải sản tăng 25%. Cà phê, gạo và quần áo đã đạt mức tiêu thụ cao, cùng lúc việc mở rộng các đường bay trực tiếp quốc tế đã gia tăng lượng khách du lịch từ các nước tới Việt Nam, trong đó có các chuyến bay từ Ôxtrâylia. Gần đây, Cơ quan phát triển và Thương mại Hoa Kỳ đã coi Việt Nam là "quốc gia của năm" (2006)...Rõ ràng, trong quan điểm của nhiều người, Việt Nam đã trở thành một con hổ kinh tế mới của Châu Á sau hơn 3 thập niên "danh hiệu" này thuộc về Hồng Công, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan - và gần đây là Thái Lan, Malaysia đã gia nhập thêm vào nhóm các nước này.

Việt Nam - "con hổ Châu Á"

Nhiều phương tiện truyền thông trên thế giới, khi nó tới Việt Nam, đều cho rằng đây là một con hổ mới tại khu vực. Trên thực tế, Việt Nam còn rất nhiều điều cần phải làm để đảm bảo sự ổn tính và tính bền vững của nền kinh tế. Tuy nhiên, trước hết, Việt Nam được biết đến với tư cách "một quốc gia ổn định nhất tại khu vực và là địa chỉ tin cậy của giới kinh doanh".

Theo Cơ quan Thương mại Mỹ, kể từ khi Việt Nam mở cửa đầu tư nước ngoài vào năm 1988 cho tới cuối năm 2009, quốc gia này đã thu hút gần 90 tỷ USD nguồn vốn đầu tư với khoảng gần 9000 dự án.

Một cuộc điều tra gần đây do Hội đồng Kinh doanh Châu Á cho thấy Việt Nam được xếp thứ 3 trong số các nước thu hút vốn đầu tư hiệu quả nhất tại Châu Á từ 2007-2009, đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong đó, hấp dẫn các nhà đầu tư nhất là giá lao động tại Việt Nam thấp hơn các quốc gia khác với lực lượng lao động trẻ và các chính sách ưu đãi thuế. Tất cả tạo nên sức hút "đầy hấp dẫn" đối với các nhà đầu tư khi quyết định tới Việt Nam.

Thành tựu kinh tế gắn liền quá khứ hào hùng dân tộc

Dân tộc Việt Nam luôn tự hào với 4000 năm lịch sử, trải qua nhiều cuộc chiến tranh với sự xâm chiếm của Trung Quốc, thực dân Pháp, đế quốc Nhật, Mỹ. Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ đã diễn ra với việc chia đôi đất nước thành hai phần Bắc và Nam. Cho tới đầu thập niên 60 thế kỷ trước, chế độ miền Nam Việt Nam với sự hậu thuẫn kinh tế và quân sự của Mỹ đã đẩy đất nước vào cuộc chiến tranh và tới 1973 khi hiệp định ngừng bắn được thực thi, Mỹ đã rút toàn bộ quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Hai năm sau đó, miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Mỹ đã duy trì lệnh cấm vận đối với miền Bắc Việt Nam từ năm 1964 và cho tới sau 1975, lệnh cấm vận trên đã được áp đặt trên toàn bộ đất nước.

Chỉ sau chiến thắng vẻ vang năm 1975, Việt Nam mới hoàn toàn nắm giữ vận mệnh quốc gia của mình. Tuy nhiên, đất nước bước vào một thời kỳ vô cùng khó khăn, nền kinh tế giai đoạn 1975-1985 hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của thế giới.

Với sự cố gắng vượt bậc, sự quyết tâm lớn lao, Việt Nam đã có một bước tiến dài từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách thể chế nhằm tăng mở cửa đối với thương mại và đầu tư nước ngoài. Và với những thành công ban đầu, Việt Nam đã có được "niềm tin" của các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Sự chuyển biến rõ nét, đáng ghi nhận nhất kể từ khi đất nước thực hiện quyết tâm "đổi mới" vào năm 1986 và thành công của tiến trình này là đưa đất nước lên một tầm cao quốc tế mới. Minh chứng đó được thể hiện qua hàng loạt các thành tựu nối tiếp trong nhiều năm qua.

Năm 1994, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam và một năm sau đó (1995), hai nước đã bình thường hoá quan hệ ngoại giao. Cũng trong năm này, Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế tại khu vực.

Năm 2001, Việt Na, và Mỹ đã ký hiệp định thương mại song phương và cho tới 2007, Việt Nam trở thành thành viên WTO. Mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới cũng không ngừng được cải thiện và tăng cường. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 172 nước trên thế giới.

Tháng 1/2008, Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhiệm kỳ 2008-2009.

Mối quan hệ Việt Nam - Ôxtrâylia

Tăng cường quan hệ với Ôxtrâylia là một trong những ưu tiên của Việt Nam và vì "lợi ích chung của hai nước". Một quan chức ngoại giao Việt Nam tại Canbơrơ cho biết quan hệ đối tác giữa hai nước đang hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn.

Ông cho biết thêm hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa trong hàng loạt các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, giáo dục...

Việt Nam mong muốn chứng kiến mối quan hệ hai nước sẽ được nâng lên một tầm cao mới và ngày càng có nhiều doanh nghiệp, các trường học của Ôxtrâylia tới Việt Nam với lời chào mời "Hãy tới Việt Nam, bạn sẽ luôn được tiếp đón thịnh tình"
Bản tiếng Anh (English version): http://docs.google.com/View?id=ddpsvstr_3r79fp29j

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật