Có ai hỏng mắt sau sự kiện Nhật thực toàn phần?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 đã thu hút sự chú ý của hàng trăm nghìn người dân Hà Nội. Nhưng sự háo hức đã khiến nhiều người “quên” bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” trước tác hại của tia cực tím.
Có ai hỏng mắt sau sự kiện Nhật thực toàn phần?
Cảnh nhật thực toàn phần được chụp trên đường Giảng Võ (Hà Nội) sáng 22/7/2009 (Ảnh: VTC News)

Từ tờ mờ sáng ngày 22/7, nhiều người dân phần lớn là các bạn trẻ đổ về phía trường ĐHSP để xem Nhật thực toàn phần. Không khí náo nhiệt như đi xem hội. Máy ảnh thi nhau chụp những khoảnh khắc hiếm hoi và kì thú của tự nhiên. Thế nhưng mải xem hiện tượng lạ, hàng trăm người đã hướng mắt lên trời mà không trang bị kính hay bất cứ một vật che chắn nào nhằm đảm bảo an toàn cho đôi mắt.

Trăm nghìn cách xem "Trăng gặm Trời" đáng ngại

Có mặt tại nhiều điểm cao của Hà Nội vào sáng qua, nhóm phóng viên đã không khỏi giật mình bởi sự háo hức đến “chểnh mảng” của không ít người khi chiêm ngưỡng nhật thực. Tại bệnh viện Bạch Mai, ông Mai vừa khum tay vòng quanh mắt, vừa trầm trồ khi chứng kiến sự kiện thiên nhiên kỳ thú. Khi được hỏi tại sao không dùng biện pháp chuyên dụng, ông Mai hồn nhiên: “Tôi không biết, thấy mọi người nhìn lên trời thì tôi cũng nhìn theo”.

Điều này quả không sai, rất nhiều người đứng xung quanh ông Mai cũng thản nhiên nhìn lên trời với đôi mắt “trần”.

Tại công viên Thủ Lệ, một nhóm sinh viên với khệ nệ chậu nước trên tay để xem "Trăng gặm Trời". Dẫu vậy, thi thoảng vẫn có người mải mê ngước lên bầu trời vì “chậu nhỏ quá, màu sắc lại không thật, xem không đã”, một nam sinh viên cho biết.

Khoa Vật lí trường ĐHSP Hà Nội đã trang bị thêm các loại kính chuyên dụng để sinh viên có thể nhìn nét và sắc hơn về hiện tượng này. Nhưng với số lượng hạn chế, nhiều bạn sinh viên vẫn hồn nhiên ngắm hiện tượng kỳ thú này bằng... những tấm phim ảnh cũ kỹ.

Chưa phát hiện trường hợp bị tổn thương mắt vì xem Nhật thực
 
Một bác sĩ tại bệnh viện Mắt Hà Nội khẳng định: "Đã từ lâu, ngành y tế nhấn mạnh tới việc tuyệt đối không được quan sát trực tiếp nhật thực bằng mắt thường hoặc thông qua các thiết bị quan sát như kính thiên văn, kính mắt thông thường hoặc ống ngắm máy ảnh. Cho dù chỉ quan sát trong vài giây thôi nhưng người dân cũng có thể sẽ phải đối mặt với việc hỏng mắt, thậm chí là mù vĩnh viễn".
 
Giải thích cho điều này, một lãnh đạo viện Mắt Hà Nội cho biết: "Ánh sáng mặt trời có cường độ lớn, tập trung rất nhiều yếu tố nguy hại mà mắt thường không thể quan sát được như tia hồng ngoại và tử ngoại. Những yếu tố này có thể phá hỏng võng mạc của người quan sát.

Thông tin từ viện mắt Trung ương cũng cho biết, hiện chưa phát hiện trường hợp tổn thương mắt liên quan đến sự kiện nhật thực xảy ra vào sáng 22/7. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, tác hại có thể một vài ngày sau mới có thể nhận biết.

“Bình thường võng mạc con người không có khả năng cảm nhận đau đớn nên hầu như chúng ta sẽ không thể cảm nhận ngay lập tức tác hại của việc quan sát trực tiếp Nhật thực. Thường phải vài giờ sau đó những tác hại mới hiển hiện” - Ông Trần An - Phó Giám đốc viện Mắt Trung ương - cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật