Kiên quyết xử lý lâm tặc chống người thi hành công vụ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày này, dư luận đang lo lắng trước những hành động hung hãn của lâm tặc ở nhiều địa phương tiến công lực lượng kiểm lâm đang thi hành công vụ.
Ðiển hình như các vụ xảy ra ở Rừng Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước); Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) và mới đây là ở huyện Hoài Ân (Bình Ðịnh)... Vào lúc 3 giờ ngày 13-4,  nhận được tin một số đối tượng vận chuyển gỗ trái phép từ Hoài Ân xuống Hoài Nhơn tiêu thụ, lực lượng kiểm lâm Hạt Hoài Ân triển khai ngăn chặn. Ðến khu vực giáp ranh giữa thôn Du Tự (Hoài Ân) và thôn Lại Khánh Tây (Hoài Nhơn) thì bị khoảng 25 tên lâm tặc mai phục và tiến công bằng gậy, đá làm bị thương một số kiểm lâm viên (KLV), trong đó có hai KLV là Trần Ngọc Hưng và Phan Văn Thành bị đánh trọng thương. Trên đường đưa hai người vào bệnh viện cấp cứu, đám lâm tặc trên vẫn tiếp tục chặn đánh. Trước tình hình nguy cấp, KLV Huỳnh Ngọc Huy đã bắn 3 phát súng chỉ thiên, nhưng chúng vẫn không ngừng tiến công, buộc anh Huy bắn tiếp 2 phát súng xuống đất, lúc đó chúng mới bỏ đi... Theo các đồng chí lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Hoài Ân, trong số lâm tặc trên, phần lớn là những đối tượng đã có nhiều tiền sự về hành vi vận chuyển gỗ trái phép và chống người thi hành công vụ... Qua sự việc trên cho thấy, đây là vụ chống người thi hành công vụ có tổ chức mang tính chất nghiêm trọng, cần sớm làm rõ và xử lý nghiêm theo pháp luật...
Chuyện lâm tặc chống trả lực lượng kiểm lâm (LLKL) đang thi hành công vụ mới xảy ra mà đã có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Vậy đâu là nguyên nhân? Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Ðịnh, ngoài những yếu tố như LLKL mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ quản lý địa bàn rộng; một bộ phận dân nghèo ở ven rừng bị kẻ xấu lợi dụng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; sự tiếp tay cho lâm tặc của một số cán bộ kiểm lâm biến chất; khung hình phạt các hành vi vi phạm Luật Quản lý, Bảo vệ và phát triển rừng (QLBVVPTR) còn nhẹ, v.v. thì một yếu tố hạn chế trực tiếp đến hiệu quả của LLKL trong việc ngăn chặn hành vi khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản là những vướng mắc trong sử dụng các công cụ hỗ trợ hoạt động của LLKL (roi điện, bình hơi ngạt, gậy cao-su, đặc biệt là với súng quân dụng...) khi thực thi công vụ. Trong các vụ bị lâm tặc tiến công đe dọa tính mạng,  các KLV rất ít khi sử dụng súng để chống lại bởi lo gây thương tích, hoặc chết người. Nhiều KLV lúc được hỏi đều cho rằng họ rất phân vân khi buộc phải sử dụng súng; bởi lỡ bắn bị thương, nhất là chết người thì lôi thôi. Vì thực tế đã có những vụ án xét xử lâm tặc chống người thi hành công vụ, KLV ra tòa bị cho là phòng vệ chính đáng quá mức  khi dùng súng bắn chết lâm tặc.  Biết điểm yếu này nên lâm tặc ngày một tỏ ra "nhờn mặt" và thách thức. Một điểm nữa đáng nói là trong số đối tượng bị xếp vào diện "lâm tặc" trên địa bàn, phần lớn là những tên đã có tiền án về vi phạm khai thác rừng trái phép và chống người thi hành công vụ (mà các Hạt kiểm lâm địa phương nắm rất rõ) nhưng trước đó bị xử lý chưa đủ độ răn đe nên chúng vẫn tiếp tục vi phạm nghiêm trọng hơn... Với chức năng của mình, những năm qua lực lượng kiểm lâm đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), không ít KLV đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Nhưng thật xót xa, máu vẫn đổ mà tài nguyên rừng vẫn bị tàn phá.
Ðể góp phần lập lại trật tự trong lĩnh vực QLBVR, trước hết các địa phương  vẫn phải luôn đề cao và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng pháp luật bảo vệ rừng trong các tầng lớp dân cư, nhất là với người dân sống ở ven rừng. Ðồng thời  lực lượng liên quan cần có sự phối hợp đồng bộ hơn,  phải vào cuộc quyết liệt mỗi khi trên địa bàn xảy ra sự việc lâm tặc chống người thi hành công vụ. Cùng với việc tiếp tục làm trong sạch nội bộ, cần thiết phải xử lý nghiêm khắc hơn đối với tất cả những hành vi khai thác trái phép rừng và chống người thi hành công vụ của lâm tặc. Mặt khác những hạn chế trong khung hình phạt của Luật QLBVVPTR cũng như  những bất cập trong vấn đề sử dụng súng và công cụ hỗ trợ hoạt động của LLKL cần sớm được ngành chức năng và cấp có thẩm quyền nghiên cứu để có hướng chỉnh lý phù hợp với điều kiện thực tế.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật