FRONTEX - Kế hoạch chống người “nhập lậu“ vào EU

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo các thỏa thuận được ký kết giữa các quốc gia Bắc Phi có tham gia kế hoạch FRONTEX thì EU có nhiệm vụ cung cấp các phương tiện hoạt động như máy bay tuần tra, tàu tuần tra cho lực lượng biên phòng các quốc gia Bắc Phi để phối hợp ngăn chặn các hoạt động đưa người nhập cư lậu với lực lượng biên phòng các quốc gia EU.
FRONTEX - Kế hoạch chống người “nhập lậu“ vào EU
Kiểm tra tọa độ của một chiếc tàu nghi vấn trong một chuyến tuần tra phối hợp trên không

Thiếu tá Carlos Alonso thuộc Lực lượng Cảnh sát Biên phòng Tây Ban Nha đã thi hành nhiệm vụ trong kế hoạch phòng chống người nhập cư lậu từ trên không và trên biển của Liên minh châu Âu (EU) có tên gọi FRONTEX đã được 3 năm.

Cứ cách nhau 12 tiếng đồng hồ, Alonso cùng một đồng đội tên James Pareira và Đại úy cảnh sát biên phòng người Sénégal Moussa Badgi lại thực hiện một chuyến tuần tra kết hợp trên không trên một chiếc trực thăng Bot-05 từ vùng biển thuộc quần đảo Canaries của Tây Ban Nha đến thành phố cảng Saint-Louis của Sénégal.

Được trang bị các phương tiện dò tìm  thiết kế cảm ứng nhiệt, có thể ghi hình cả ban ngày và ban đêm bằng tia hồng ngoại, các chuyến bay tuần tra trên các trực thăng Bot-05 của Lực lượng Cảnh sát Biên phòng Tây Ban Nha hay máy bay hai cánh quạt ATR-42 của Lực lượng Biên phòng Italia hoạt động suốt 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhằm phát hiện các hoạt động đưa người nhập cư lậu rồi phối hợp với các tàu tuần tra biển của hải quân biên phòng các quốc gia Italia, Tây Ban Nha, Pháp và các quốc gia Bắc Phi như Morocco, Sénégal, Tunisie chặn bắt giữ khi vừa rời điểm xuất phát.

Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2007,  FRONTEX đã ngăn chặn được 57 chuyến tàu đưa người vượt biên và làm thủ tục hồi hương cho 6.016 người nhập cư lậu gồm người Morocco, Sénégal, Mali, Gambie và Guinée khiến cho cơn sốt đưa người nhập cư lậu vào EU qua ngả Tây Ban Nha và Italia giảm đáng kể so với năm 2006.

Đứng trước nguy cơ bất ổn bởi làn sóng người nhập cư lậu từ các quốc gia Bắc Phi liên tục đổ đến các quốc gia EU bằng đường biển. Ngày 26/10/2004, Hội đồng EU quyết định thành lập Cơ quan Hợp tác Hành động chống người nhập cư lậu bên ngoài lãnh thổ các quốc gia thành viên EU, có trụ sở đặt thủ đô Varsovie của Ba Lan.

Chính từ Varsovie đã ra đời một kế hoạch phòng chống người nhập cư lậu cả từ trên không và trên biển có tên gọi tắt là FRONTEX. Chính thức được triển khai hoạt động vào năm 2006, FRONTEX tập hợp 730 chuyên gia an ninh đến từ 27 quốc gia thành viên EU có nhiệm vụ phối hợp các hoạt động tuần tra từ trên không và trên biển nhằm ngăn chặn các hoạt động đưa người nhập cư lậu, nhất là tại các vùng biển ngăn cách Italia và Tây Ban Nha với các quốc gia Bắc Phi.

Một số các quốc gia Bắc Phi như Morocco, Sénégal, Tunisie, Algérie và một số quốc gia Trung Phi như Angola, Mali được xác định là thành viên phối hợp với FRONTEX.

Theo các thỏa thuận được ký kết giữa các quốc gia Bắc Phi có tham gia kế hoạch FRONTEX thì EU có nhiệm vụ cung cấp các phương tiện hoạt động như máy bay tuần tra, tàu tuần tra cho lực lượng biên phòng các quốc gia Bắc Phi để phối hợp ngăn chặn các hoạt động đưa người nhập cư lậu với lực lượng biên phòng các quốc gia EU. Tại các điểm nóng, việc tuần tra được thực hiện 24/24 tiếng đồng hồ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các chuyến đưa người nhập cư lậu, đồng thời cứu những người gặp nạn trên biển.  

Xuất phát từ thành phố Tenerife của Tây Ban Nha, chuyến bay tuần tra của Thiếu tá Alonso sẽ quan sát động tĩnh của từng chiếc tàu một, nhất là các tàu đánh cá mang cờ Morocco hay Sénégal, thường được ngụy trang thành tàu đưa người nhập cư lậu từ các vùng biển quanh thành phố Saint Louis của Sénégal đến quần đảo Canaries. Các camera được thiết kế cảm ứng nhiệt thực hiện công việc ghi hình từ trên máy bay sẽ giúp phát hiện có sự hiện diện của người nhập cư lậu nấp trong khoang tàu hay không.

Nếu nghi vấn, Thiếu tá Alonso sẽ phát kênh báo động. Nếu chiếc tàu nghi vấn còn nằm trong vùng biển Sénégal thì Đại úy Moussa Badgi thuộc Lực lượng Biên phòng Sénégal sẽ cấp báo cho các tàu tuần tra biên phòng Sénégal, do EU viện trợ, có tốc độ phóng nhanh trên mặt biển đến 80km/giờ, để có mặt kịp thời kiểm tra chiếc tàu nghi vấn. Nếu đúng là có người nhập cư lậu, chiếc tàu bị buộc phải quay về lại nơi xuất phát. Chủ tàu và kẻ tổ chức chuyến đi sẽ bị bắt giữ và chuyển giao cho nhà chức trách để có hình thức nghiêm phạt.

Còn nếu chiếc tàu nghi vấn đang đi trong hải phận quốc tế hay đã vào lãnh hải Tây Ban Nha và Italia thì Thiếu tá Alonso sẽ phát lệnh báo động trên toàn khu vực, sau khi đã báo cho Sở chỉ huy tại thành phố Tenerife về tọa độ của chiếc tàu nghi vấn. Chỉ một thời gian ngắn sau, tàu tuần duyên Rio Ara, 1 trong 4 chiếc tàu tuần duyên của Hải quân Biên phòng Tây Ban Nha sẽ áp mạn để kiểm tra chiếc tàu nghi vấn.

Nếu tìm thấy người nhập cư lậu, chiếc Rio Ara sẽ cung cấp nước sạch, thực phẩm, thuốc men rồi tiến hành áp giải hay kéo tàu quay về lại nơi xuất phát. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2007, đã phát hiện 57 chuyến tàu đưa người nhập cư lậu với số lượng 5.730 người. Mới nhất là vụ một chiếc tàu chở 237 người nhập cư lậu, xuất phát từ thành phố Saint Louis của Sénégal, bị phát hiện khi còn cách quần đảo Canaries 55km.

Nhằm nâng cao hiệu quả của kế hoạch FRONTEX, theo kiến nghị của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), tháng 4/2007, EU quyết định viện trợ 12 triệu euro cho Sénégal và Marocco vào mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, công trình công cộng để tạo công ăn việc làm cho lao động trẻ, đối tượng luôn tìm cách nhập cư lậu vào EU. Ngoài ra, EU còn cấp 5.000 giấy phép nhập cư có thời hạn cho cư dân các quốc gia Bắc Phi đến lao động có thời hạn tại EU.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật