Thành công từ sự đam mê

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khẳng định chắc nịch bằng dòng title ở trên, bởi nguyên mẫu chiếc đầu máy xe lửa hơi nước Bavarian Series S3/6 được sản xuất tại nước Đức trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Bavarian S3/6 đã “về hưu” năm 1969. Tính đến ngày hôm nay, trọn vẹn 40 năm đã qua, đây là lần đầu tiên chiếc đầu máy xe lửa hơi nước Bavarian S3/6 xuất hiện tại Việt Nam.
Đào Minh Đức- Người đam mê tàu hỏa

Tác giả của “tuyệt phẩm” độc đáo này do chính sự tài hoa của một người Việt Nam. Bằng tất cả tình yêu, niềm đam mê, sự sáng tạo, người Việt Nam ấy đã tái hiện lại một trong những cột mốc lịch sử ngành đường sắt thế giới nói chung và của nước Đức nói riêng. 

Người Việt Nam trẻ tuổi ấy tên Đào Minh Đức.

Một ngày giữa tháng 6, sự nóng nực của thời tiết đã lên đến đỉnh điểm, tôi gặp anh trong một không gian chẳng có chút dính dáng gì đến dầu mỡ, linh kiện, thiết bị... mà tôi đã mường tượng từ trước. Trước cuộc gặp gỡ này, anh Đức đã e-mail cho chúng tôi khéo léo từ chối lên báo, bởi theo anh “công trình” này đã cũ kỹ rồi! Hơn nữa, cũng có bài viết về anh và Bavarian nhưng nhiều chi tiết trong bài không đúng về thuật ngữ kỹ thuật. Vậy nên, cuộc trò chuyện giữa anh và tôi ban đầu được “lái” sang 2 khái niệm “sáng tạo” và “đam mê” chứ không phải là Bavarian... “Tôi không chắc “sáng tạo” mang đến một điều kiện vật chất tốt hơn vào ngày mai, nhưng tôi có thể khẳng định rằng, sáng tạo sẽ mang đến một sự hân hoan diệu kỳ ngay trong thời hiện tại này. Sáng tạo đôi khi chẳng xuất phát từ một mục đích cụ thể nào cả, chỉ đơn giản được sáng tạo là niềm vui.

Niềm vui từ sáng tạo, là cái mà mỗi người chúng ta đều có thể có được” - Anh Đức bộc lộ triết lý - “Đam mê, có thể đó là trong lĩnh vực khoa học, âm nhạc, hội họa, thể thao... Sức hút đầu sẽ tạo nên cảm giác “thích thích”. Những thích thích ban đầu ấy lớn dần và trở thành niềm đam mê. Đam mê đòi hỏi sự tận tụy, cống hiến và hy sinh. Khi có đam mê, thì tự nhiên sẽ nảy sinh hứng thú tìm tòi, khám phá. Đó là một chuỗi liên tục. Không phải đam mê vì ngày mai ta sẽ trở thành, không phải vì ngày mai ta dùng đam mê đấy phục vụ cho riêng mình” - Okie! Vậy những gì anh đã làm, sẽ làm trong đó có cả việc “dựng” lại nguyên mẫu chiếc đầu máy xe lửa hơi nước Bavarian được bắt nguồn từ 2 khái niệm trên (?) - “Vì yêu thích ngành đường sắt và đầu máy hơi nước, tôi chia sẻ cùng các bạn thế này -  Có lẽ tôi cũng như bao đứa trẻ Hà Nội khác, sự hiếu động của tuổi thơ được bộc lộ ở cái tính ham mày mò, thích tự học.

 Tôi nhớ đó là vào những năm giữa thập niên 80 thế kỷ trước, khi đó, đám trẻ con Hà Nội như chúng tôi chừng 9, 10 tuổi còn thịnh hành “mốt” chơi tàu thủy làm bằng sắt chạy trên nước. Đứa nào mà có được chiếc tàu thủy này là “đẳng cấp” lắm. Nhà tôi nghèo. Tôi và anh trai đã dùng ống bơ, vỏ lon bia trốn ra sau nhà “bắt chước” làm mô hình đồ chơi tàu thủy, xe jeep, máy bay trực thăng UH1C, cối xay gió... để chơi. Và có lẽ cái sự “khéo tay hay làm” đã theo tôi đến tận bây giờ. Thích nhất là cái mô hình tàu thủy, tiếng nổ “phành phạch” trên nước cộng thêm tí khói phả “phì phù” nghe - nhìn rất sướng. Những thứ đồ chơi tự tay làm ngày đó xấu lắm vì bé xíu thì làm gì biết đến mô hình, bản vẽ, tỷ lệ... Nhưng, bóng dáng của các mô hình vận hành y chang thật cứ chạy “rầm rập” trong những giấc mơ của tôi.

Mô hình đầu máy tầu hỏa

Thời gian cứ trôi, tôi bị cuốn vào guồng xoáy của công việc, gia đình nên phải gác lại những đam mê thuở bé. Để rồi, cách đây chừng hơn 1 năm, bỗng dưng anh trai tôi rủ cùng làm mô hình xe Krazz của Liên Xô (cũ) với bản thiết kế cho mô hình giấy. Lúc đó, tôi chưa thật sự thấy thích cho đến khi anh trai cho xem rất nhiều bản thiết kế cho đầu máy hơi nước. Cầm trên tay một tập hỗn độn rất nhiều những bản vẽ chi tiết, chẳng hiểu một sức hút kỳ lạ nào đó như “chạm” đúng vào mạnh ngầm đã “ngấm” trong máu của tôi từ cái thời tóc còn để chỏm, nay nó đã thực sự thức dậy.

Năm 2009, dân mê chơi mô hình và các loại động cơ tự chế tạo trên các diễn đàn “truyền tai” nhau về một sự kiện đặc biệt, đó là chiếc đầu máy xe lửa hơi nước Bavarian Series S3/6 được tái hiện lại. Đây là mô hình độc đáo đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam được làm từ những “vật liệu phế thải”, nhưng các bộ phận, chi tiết cơ bản gần như đủ và đúng vị trí tương ứng so với tàu thật và với tỷ lệ đồng dạng tuân thủ đến 99% so với nguyên bản thật. Tác giả của “công trình” trên chính là kẻ ngoại đạo về nghề cơ khí Đào Minh Đức.

...”Giờ là đến cái màn phức tạp nhất, khá lộn xộn nên tôi sẽ miêu tả một cách tuần tự cho dễ hiểu” - Anh Đức nhấn mạnh - “Bản thiết kế dành cho chất liệu giấy nên có nhiều chi tiết rất giản lược; tôi đã nghĩ nếu làm mô hình này bằng giấy sẽ thật đơn điệu, không áp dụng kỹ thuật cho vận hành được nên đã quyết định chuyển thể sang đa vật liệu khác. Hoàn thành Bavarian S3/6 đòi hỏi 3 công đoạn, bước 1: Tuân thủ kích thước các chi tiết chính trong bản thiết kế rồi đồ ra sắt tấm, mica... Bước 2: Nghiên cứu thêm các chi tiết khác ở các bức ảnh thật thu thập được trên Internet để bổ sung cho mô hình trở nên hoàn hảo hơn. Bước 3: Liên kết hợp lý các chi tiết để tạo thành một bộ máy hoàn chỉnh.

Ban đầu nhìn bản thiết kế thực sự “choáng”, bởi muốn tái hiện Bavarian mất không ít thời gian để mày mò chế tạo từng chi tiết. Tổng thể được gói gọn trong hệ thống ống dẫn hơi xung quanh thân tàu, hệ thống van hơi, đồng hồ áp suất trong cabine, hệ thống trục khuỷu, hệ thống thắng kèm các bố thắng cho cả 12 bánh, hệ thống giảm sóc đầy đủ cho 28 bánh xe (20 nhíp và 8 lò so), 8 giảm xóc ở mũi tàu, sau toa than, sau tankcar (bồn xăng) có tác dụng chống hư hỏng cho tàu khi đâm phải chướng ngại vật, 2 pitton và 2 xi-lanh ở phía đầu của tàu, nắp mở ra đóng vào để load than đá cho buồng đốt, cửa xả xỉ than ở dưới buồng đốt, 2 ghế ngồi mở ra đóng vào dễ dàng cho người lái, 8 cần điều khiển kèm 1 vô-lăng trong cabine.

Cả bộ mô hình gồm 1 đầu tàu, 1 tender (toa chứa than đá) và 1 tankcar chuyển động tiến và lùi bởi 1 động cơ điện 2 chiều sử dụng 4 pin AA, điều khiển từ xa. 3 đèn pha và 1 đèn buồng lái (đèn LED) sử dụng 8 pin AA. Hệ thống trục khuỷu trong gầm và các trục chuyền động (cánh tay đòn) cho 6 bánh chính 2 bên hoạt động theo nguyên lý thực...

Nói thì nghe đơn giản thế nhưng có nhiều chi tiết tôi phải mất hàng giờ mới nghĩ ra. Đơn cử như trong cabine, ở bản thiết kế mô hình giấy, người ta chỉ vẽ chi chít các van hơn rồi người làm cắt nguyên tấm đó dán vào cabine. Nhưng mình phải làm thủ công từng van một để thấy được không gian 3D của một cabine thật... thu nhỏ. Và để Bavarian vận hành được như nguyên bản thật thì việc nghiên cứu nguyên lý vận hành cũng ngốn không ít thời gian. Riêng bộ chuyển động tôi đã phải bỏ một nửa thời gian để thiết kế lại vì là chuyển động mà lại của tàu hơi nước nên các trục khuỷu, tay đòn, cục đối trọng, pitton,  xi-lanh... đều phải tuân theo nguyên lý. Muốn vậy, việc đọc và tham khảo tài liệu, sách vở nói về công nghệ chế tạo loại động cơ nhỏ mà hết sức tinh vi này là rất quan trọng”.

Vậy, điều gì khiến Đào Minh Đức nhiều đêm mày mò làm Bavarian cho tới khuya mới ngủ (?) Điều gì đã khiến “người trẻ” ấy không ít lần vừa đặt lưng, chợt nhớ phải bổ sung thêm một chi tiết, phụ kiện nào đó lại phải lồm cồm bò dậy làm luôn hoặc ghi ngay ra không sáng mai quên mất (?)… Phải chăng tất cả những điều đó minh chứng cho niềm đam mê sáng tạo của những người trẻ tuổi như anh! Anh Đức khẳng định ngay một triết lý, trong cuộc sống, mỗi người chúng ta phải có ít nhất một niềm đam mê.

Niềm đam mê sẽ là người bạn, đồng hành cùng đi qua những khó khăn, sẻ chia những nỗi buồn, và làm giảm đi những cảm giác cô độc. Cuộc sống luôn biến đổi, nếu sống mà thiếu đi đam mê, chẳng khác nào đứng giữa giông tố mà không có lấy một điểm tựa. Tựa vào đam mê, không phải là sự bám víu, như khi đi bằng đôi chân của chính mình. Có thể nói đang tựa vào đôi chân đó, nhưng đó chính là bản thân, bằng nỗ lực của chính mình... 

Câu chuyện giữa chúng tôi bất chợt trở về đúng điểm xuất phát. Tôi cười và nói với anh Đức rằng anh thật khéo “lái” ngược trở lại câu chuyện. Với tất cả mọi người, chúng tôi có thể khẳng định rằng nếu được một lần chiêm ngưỡng Bavarian “made in Dao Minh Duc” sẽ gọi nó là “tuyệt phẩm”.

Mô hình đầu máy xe lửa hơi nước Bavarian Series S3/6

Hơn cả, sự xuất hiện của chiếc đầu máy xe lửa hơi nước Bavarian Series S3/6 này đã làm dân chơi mô hình “ngả nghiêng”, bởi trong thế giới đam mê của họ, lâu nay người ta mới chỉ nghĩ tới việc chế tạo máy bay, ôtô, tàu thủy… chứ ít ai dám mạo hiểm chế tạo một chiếc đầu máy xe lửa hơi nước. Bởi, ngoài những đòi hỏi về sự kiên nhẫn, tài hoa và tỉ mỉ, người chế tạo phải có lòng đam mê mãnh liệt mới có thể đi hết chặng đường hoàn thiện vì có quá nhiều chi tiết rất phức tạp dễ làm nản lòng người chơi.

Vậy mà với Đào Minh Đức, Bavarian đến với anh dường như đơn giản đến lạ lỳ, nó hiển nhiên là vậy bởi trong anh đã sẵn có ngọn lửa đam mê. “Sự thành công không chỉ nhờ nỗ lực cố gắng mà nó còn phải có cả đam mê” - Anh Đức chia sẻ rằng đó là bài học anh rút ra từ những lần tự mày mò như thế - “Tôi rất quan tâm đến đầu máy hơi nước, đặc biệt chú ý đến các đầu tàu mà Việt Nam đã sử dụng. Vì chúng là “vật thật, việc thật” đã từng “làm việc” cho ngành đường sắt nước ta.

Việc bảo tồn các di sản này là điều cần thiết, trong đó xây dựng mô hình thu nhỏ cũng là một việc làm hay. Chúng ta cần gìn giữ chúng như những kỷ vật của ngành. Hy vọng có nhiều người cùng tham gia”... Anh say sưa nói về niềm đam mê của mình đến ghen tị, bởi đã có lúc chính chúng tôi cũng chưa đủ đam mê để theo đuổi đến tận cùng một công việc nào đó. Câu chuyện về Bavarian đã khép lại, còn lại đó câu chuyện của Đào Minh Đức - người khiến chúng tôi nhận ra rằng chính những lúc sống trong đam mê là những lúc cảm thấy hạnh phúc nhất.

Có thể bây giờ trong mỗi chúng ta chưa nhận ra mình vẫn còn chưa có lấy nổi một niềm đam mê. Đó không phải là vấn đề lớn, mọi thứ đều cần có một điểm bắt đầu. Một điểm bắt đầu tốt đó là hiểu ra tầm quan trọng của đam mê. Đào Minh Đức hiểu được điều đó và anh đã chọn Bavarian cho sự khởi đầu của mình. Đam mê của Đào Minh Đức là vậy, là được nhìn thấy Bavarian Series S3/6 của mình lướt trên đường ray với tiếng hú của động cơ, chen lẫn tiếng gió rít gào hòa với bản nhạc giao hưởng tiết tấu nhanh thật hùng vĩ. Và mượn câu chuyện của Đào Minh Đức, của Bavarian để mong rằng tất cả chúng ta đều có và giữ lấy ít nhất một niềm đam mê cho riêng mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật