“Nỗi sợ“ những món khoái khẩu

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nào là chân gà ngâm phoóc môn chống thối, mực tẩy trắng bằng hoá chất, nộ‌i tạn‌g lợn tẩm ướp chất bảo quản không có trong danh mục... Chẳng nhẽ, đã đến lúc dân nhậu tẩy chay mấy món khoái khẩu xuất thân bình dân rồi hay sao nhỉ?
“Nỗi sợ“ những món khoái khẩu
Đã đến lúc dân nhậu tẩy chay mấy món khoái khẩu xuất thân bình dân?

Những ngày này, ai là tín đồ của các món ăn chế biến từ gân bò, ngẩu pín, đuôi bò... hẳn đều thấy gai người sau khi tận mắt thấy những giòi bọ nhung nhúc trong lô hàng mà Đội Quản lý thị trường số 15 và Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội vừa phát hiện ngày 2/7.

Điểm lại, nào là chân gà ngâm phoóc môn chống thối, mực tẩy trắng bằng hoá chất, nộ‌i tạn‌g lợn tẩm ướp chất bảo quản không có trong danh mục... Chẳng nhẽ, đã đến lúc dân nhậu tẩy chay mấy món khoái khẩu xuất thân bình dân rồi hay sao nhỉ?

1. Tôi và cả nhóm bạn cùng độ tuổi "đầu bảy đít chơi vơi" (sinh ra trong thập niên 70 của thế kỷ XX) từng là môn đệ của món chân gà nướng. Lần đầu tiên bập răng vào cái chân gà nướng thơm lừng với đủ vị mặn, ngọt, cay, tôi từng thầm cảm ơn cái người đã khai sinh ra món ăn này. Chẳng phải cao sang gì, chỉ là mấy cái cẳng gà thôi, thế mà qua tẩm ướp, nướng đã trở thành món ngon thứ thiệt. Nó khiến người ta phải tìm đến lần thứ hai, thứ ba...

Với trường hợp của riêng tôi thì đã tập hợp được hẳn một "câu lạc bộ" gồm những đứa bạn thích ăn chân gà nướng. Có lần, cô bạn trong nhóm giới thiệu bạn trai vừa ở thành phố Hồ Chí Minh ra bằng "tiệc" chân gà nướng tại địa điểm thơ mộng bậc nhất Hà thành - ven đường Thanh Niên.

Kể ra bạn tôi cũng cầu kỳ, nó giao cho chúng tôi đi chọn địa điểm trước, còn mình phóng xe xuống phố Trịnh Hoài Đức mua chân gà nướng. Đúng là chẳng đâu như ở ta, vỉa hè là nơi công cộng mà cũng bị người ta xí chỗ và bắt phải "mua" mới được ngồi. Sau một hồi nói qua, nói lại, chúng tôi buộc phải thu dọn đống giấy báo đã trải ra để người ta thay chiếu vào.

Đương nhiên, chúng tôi sẽ được ngồi nhưng phải uống nước trà đá với giá cao bất thường. Nhưng thôi, khi cô bạn chạy xe về đến nơi, chúng tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ tìm được chỗ ngồi thoáng đãng.

Anh bạn người TP HCM vừa chấm tương ớt, vừa tấm tắc khen ngon. Cô bạn tôi thì phổng mũi bảo: "Đúng là danh bất hư truyền". Còn tôi khi chứng kiến cảnh này cũng chỉ biết thêm mắm, thêm muối vào để thổi phồng cái bình dị của chân gà nhưng lại thứ sản vật khiến người ta ăn một lại muốn ăn hai.

Do nhiều người "hâm mộ" nên có thời điểm, nên có thời kỳ, phố Phạm Ngọc Thạch, Trịnh Hoài Đức được biết đến như "thánh địa" chân gà nướng. Món ăn này chỉ bị "kiềm chế" phát triển khi cơ quan chức năng phanh phui và phơi bày nguồn gốc của thứ chân gà trước khi chế biến.

Còn chúng tôi thì không thể hình dung nổi, người ta đã dùng phoóc môn để bảo quản, dùng chất tẩy để tẩy trắng và dùng "công nghệ" chế biến để thay màu, đổi mùi cả cái thứ chân gà đã... bốc mùi thành món ăn mà mình là một tín đồ.

Và chúng tôi không ai bảo ai đều thất vọng, lo lắng. Chúng tôi đâu có thể biết, những cái chân gà nướng mà mình từng "chén", có bao nhiêu cái có nguồn gốc và chế biến đảm bảo an toàn. Cũng chẳng cần nhiều lời, chúng tôi đồng loạt tẩy chay.

Quan sát từ thực tế, chúng tôi cũng thấy người thiên hạ giờ cũng ít mặn mà với món ăn này. Bằng chứng là các quán ăn có bán mặt hàng này bây giờ không còn bành trướng như trước và thực khách cũng khắt khe hơn khi chọn những địa điểm bán hàng an toàn.

2. Món ăn bình dân vốn là khoái khẩu của nhiều người phải kể đến thứ hai là "lôlôtica" (lòng lợn tiết canh). Một trong điểm nhấn trên mâm "lôlôtica" là lòng xe điếu, tràng. Cái thứ nộ‌i tạn‌g này lại không có trong... bụng mọi con lợn. Nó chỉ có ở những con lợn cái vẫn còn cơ quan sinh sản. Thế nó mới hiếm. Mà vừa hiếm, lại vừa ngon và nhiều người thích ăn nên giá cao là đương nhiên.

Nhớ cái thời thịnh vượng, thịt nạc thăn chỉ 30.000đ/kg, mà tràng những 80.000đ/kg. Hiện nay, tỷ lệ chênh lệch không còn nhiều như trước nhưng đây vẫn là món ăn đắt đỏ. Dù không rẻ rúng gì nhưng những "tín đồ" đã thích thì quyết ăn cho bằng được.

Và để đáp ứng nhu cầu, người ta phải thu gom, phải nhập từ nước ngoài về. Quá trình vận chuyển, lưu thông lại mất thời gian dài dài nên phải bảo quản. Để tiết kiệm tối đa chi phí và đỡ phải qua các khâu kiểm tra thú y, vệ sinh thực phẩm nên người ta vận chuyển nó bằng đường lậu.

Chỉ đến khi cơ quan chức năng phát hiện, dân nhậu mới tá hoả tam tinh, món nhậu ưa thích của mình là thứ không rõ nguồn gốc, đã bốc mùi trước khi chế biến. Mà nào chỉ có món lòng, các loại nộ‌i tạn‌g khác như tim, cật cũng chung số phận như thế. Chỉ riêng Đội Quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong 3 tháng gần đây đã thu giữ hơn 1 tấn nộ‌i tạn‌g động vật không rõ nguồn gốc các loại.

Rõ ràng, cơ quan chức năng đã rất nỗ lực ngăn chặn các vụ vận chuyển, tiêu thụ nộ‌i tạn‌g động vật không rõ nguồn gốc nhưng chắc chắn không thể tuyệt đối. Và đương nhiên, những số hàng trót lọt sẽ len lỏi đến các quán nhậu, chợ cóc. Và những ai vẫn là tín đồ của những món nhậu này rất có thể sẽ ăn phải thứ chẳng ra gì.

Tôi đã từng chứng kiến, có vị thực khách nọ chuẩn bị gắp miếng tràng lợn nhưng chẳng biết nghĩ ngợi gì lại gọi nhân viên phục vụ ra hỏi nguồn gốc. Cậu nhân viên sống chết cam đoan đấy là hàng tươi sống chứ không phải ướp lạnh.

Vốn là môn đệ của món "lôlôtica" như ông mà lúc này cũng phải lấn cấn khi gắp đúng là chuyện lạ. Hoá ra, tối qua mới xem ti vi, thấy Công an, Quản lý thị trường thu giữ cả tạ những tim, cật, tràng, đuôi bò... đang trong thời kỳ phân huỷ.

Cũng theo cái "ông ti vi" thì số hàng này nếu lọt lưới sẽ phân bố ra các quán nhậu để rồi qua đôi tay "tài hoa" của bác đầu bếp, nó sẽ thơm phưng phức nên ông phải cảnh giác. Tôi thì cho rằng, để làm người tiêu dùng thông minh, dân nhậu cần phải chấp nhận mất thời gian.

Đó là phải ra tận chợ, đến từng bà bán thịt lợn để mua từng quả tim, quả cật, bị tràng thì may ra mới đúng là hàng tươi sống. Còn nếu cứ vì chữ tiện mà đến những quán nhậu, nơi mà món gì cũng có thì cần cẩn trọng bởi chẳng ai giám sát chặt chẽ được từ nguồn gốc, sơ chế và cả chế biến. Trong tình hình nhuộm nhoạm hiện nay, nếu ai đó kinh doanh chân chính, coi trọng cái "miệng" và cái "bụng" của thực khách như của mình, nơi ấy hẳn sẽ rất đông người tìm đến.

3.Vụ làm trắng bằng công nghệ tẩy trắng bằng hoá chất vừa phát hiện ở chợ Long Biên cũng khiến các bà nội trợ, cánh thanh niên hay chọn điểm tụ tập ở các quán lẩu trên phố Phùng Hưng, ngõ Trạm, dốc Hàng Than... thấy ngán. Đây vốn là chợ đầu mối, cung cấp cho cả thành phố thì hà cớ gì mà để lọt những địa chỉ từ lâu đã hình thành những "phố lẩu" nổi tiếng khắp Hà thành.

Hãy xem một nồi lẩu hải sản nhé, sẽ có mực, tôm, sò. Những miếng mực trắng phau, thả vào nồi nước lẩu đang sôi một lát sẽ trở thành miếng mồi nhậu tuyệt vời, vừa giòn, vừa ngọt. Những lúc như thế, chẳng thực khách nào có thể nghĩ, để những con mực (trong số này có cả những con bị nhuộm đen từ mực của mình do ươn) lại được người ta làm trắng bằng thuốc tẩy cả.

Nghĩ lại cách làm trắng mực thông thường mới thấy khác xa với "công nghệ" trên. Cũng là làm trắng nhưng phải tỉ mẩn lột lớp "da" mỏng bên ngoài, cẩn trọng bóc bọc mực phần đầu con mực... Để làm trắng được mươi con, mất có đến nửa giờ. Thế nên để làm trắng số mực lớn, người ta sẵn sàng bỏ qua yếu tố an toàn để "tiết kiệm" chi phí, thời gian.

4. Hãy làm người tiêu dùng thông thái, tại sao không? Tôi biết, có bà vợ vì sở thích của chồng mà đặt cô bán thịt bê cái đuôi bê trước cả tháng. Nguyên là, cái chợ cóc trên phố Thụy Khuê mỗi ngày chỉ tiêu thụ hết thịt một con bê nên người ta cũng chỉ giết mổ một con vì vậy cũng chỉ có một cái đuôi.

Trong khi đó, đây là khu dân cư đông đúc và bà vợ nào cũng muốn cho chồng ăn cái thứ được đồn thổi là bổ béo này. Thế nên, muốn đến lượt phải đặt trước cả tháng. Nhìn chồng nhâm nhi chén rượu với món đuôi bê hầm, sự kỳ vọng của bà vợ này xem như đã được đền đáp.

Kể lại câu chuyện này, hẳn những quý ông khác sẽ khen ông chồng kia tốt số, lấy được vợ hiền. Nhưng thực ra, đằng sau cái sự nhẫn nại xếp hàng này là ý thức của cặp vợ chồng trên. Họ muốn được ăn thứ thực phẩm đảm bảo.

Tôi tin chắc rằng, không phải tất cả mọi cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn đều bỏ qua quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng, qua một số vụ các cơ quan chức năng, trong đó có Cảnh sát Môi trường, Quản lý thị trường, Công an các quận, huyện phát hiện và tịch thu những sản phẩm động vật tươi sống nhưng không có nguồn gốc rõ ràng là lời cảnh báo cho người tiêu dùng.

Nếu chúng ta không cẩn trọng sẽ vô tình tiếp tay cho những kẻ làm ăn không chân chính. Và chúng ta lại bị ám ảnh bởi "nỗi sợ" những món ăn khoái khẩu, một trong những nhu cầu chính đáng của tự thân mỗi cá nhân

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật