Người “hiến kế” cứu giao thông Hà Nội

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mới đây khi Hà Nội tiến hành điều chỉnh tại một số tuyến đường, bước đầu mang lại hiệu quả, thì cũng bắt đầu “lình sình“ xung quanh việc ý tưởng bắt nguồn từ đâu, ai là người đưa ra giải pháp kể trên.
Người “hiến kế” cứu giao thông Hà Nội
Thời gian rảnh rỗi, anh Tiệp lại miệt mài nghiên cứu.

Anh là người hoàn toàn "ngoại đạo" đối với lĩnh vực giao thông. Thế nhưng, ít ai biết rằng chỉ với niềm đam mê và ước mong được cống hiến, anh đã âm thầm cho ra đời một công trình khoa học ứng dụng nhằm giúp giảm ùn tắc giao thông đô thị Hà Nội hiện nay, có đăng ký bản quyền hẳn hoi.
 
Mới đây khi thành phố tiến hành điều chỉnh tại một số tuyến đường và bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể, thì cũng bắt đầu "lình sình" xung quanh việc ý tưởng bắt nguồn từ đâu, ai là người đưa ra giải pháp kể trên. Tôi lập tức tìm gặp Phạm Văn Tiệp - tác giả của giải pháp "giao diện mềm"... đã gửi lên các cơ quan chức năng.

Làm kinh tế nuôi khoa học

Điều khiến tôi khá ngạc nhiên, hoá ra anh lại là một ông chủ của cửa hàng gỗ nội thất có tên Phú Gia trên phố Thái Thịnh. Tính tình cởi mở, xem ra rất dễ gần gũi.


Phạm Văn Tiệp (sinh năm 1973, quê Tiên Lãng – Hải Phòng), xuất thân trong gia đình nông dân. Ấy thế nhưng, cái chất đam mê tìm tòi, sáng tạo đã manh nha từ lúc còn là cậu bé Tiệp.

Lúc ra đồng làm cỏ cùng mẹ, cậu đã biết tìm cách cải tiến cái cào cỏ để rẫy cỏ cho dễ hơn. Những vật dụng nông nghiệp trong nhà đều qua đôi tay cải tiến của Tiệp. Từ cái quạt thóc, máy tuốt lúa, cối xay...

Cứ thế, cái sự mày mò, sáng kiến kia cũng lớn dần, cho dù môi trường không thể nói là điều kiện lý tưởng.

Đến năm 1990, chàng thanh niên vừa mới rời ghế trường THPT, đã mạnh dạn đem giải pháp mà mình đã cất công nghiên cứu cho xe ôtô chạy bằng điện ắcquy, thay cho xăng dầu. Thay trạm xăng dầu bằng trạm nạp ắcquy. Những ý tưởng mới lạ kia, đem đến các cơ quan chức năng cũng chỉ nhận được những cái cười xoà.

Giải pháp “Giao diện mềm” được đăng ký bản quyền.


“Ai cũng nói mình còn trẻ, hãy đi học đi đã. Việc đó, các bác, các chú đau đầu mà vẫn chưa làm được” - anh Tiệp nhớ lại. Thế nhưng, cái việc “học đi đã” không thể thực hiện được ngay do gia đình khó khăn, Tiệp phải tạm nghỉ nhường anh học trước. Năm 1991, anh ra Quảng Ninh làm đủ nghề để nuôi sống mình và góp chút vốn liếng dành cho việc học hành sau này. Đến năm 1994, anh về Hà Nội học ĐH Kinh tế quốc dân.

Tốt nghiệp ra trường, anh quyết định lập nghiệp ở thủ đô, làm mấy tháng trong một Cty nhà nước thấy chán, Tiệp mạnh dạn nghỉ việc bắt tay vào việc kinh doanh.

Khởi sự năm 2000, với số vốn hơn 10 triệu đồng do bạn bè, người thân giúp, cửa hàng nội thất đồ gỗ khiêm tốn bắt đầu khởi hành. Cũng không ít thử thách, bao lần sóng gió, nhưng chàng trai vốn có niềm đam mê khoa học, cũng biết cách đứng vững trên thương trường. Đến nay, anh đã tạo dựng được hai cửa hàng và cả xưởng sản xuất với 30 lao động chuyên về nội thất đồ gỗ tại Hà Nội.

Trăn trở với ùn tắc giao thông

Đã là một ông chủ, 8 giờ sáng có mặt tại cửa hàng, vừa lo vẽ các bản thiết kế, tiếp và tư vấn cho khách, vừa điều hành công việc chung, phải 8 giờ tối mới đóng cửa về nhà. Thế mà chỉ với thời gian “cóp nhặt” trong suốt 3 năm qua, Phạm Văn Tiệp đã cho ra đời một bản giải pháp “Giao diện mềm”, nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội.

Anh tâm sự: “Thực ra việc ùn tắc giao thông ở thành phố khiến tôi trăn trở từ lâu. Ngày trước khi đi trên đường gặp cảnh ùn tắc, tôi vẫn thường xuống xe giúp CSGT, tổ dân phòng giải quyết. Bạn bè đi cùng cứ tưởng mình là Đôngkisốt. Tôi cũng nhận thấy việc tổ chức giao thông ở HN có không ít bất cập. Lượng xe cộ ngày càng ra tăng, phải có giải pháp mới để thích ứng kịp”.

Mang nỗi niềm trăn trở, cùng với tính đam mê tìm tòi, nghiên cứu khoa học, anh bắt tay vào việc tìm giải pháp “cứu” giao thông HN. Vốn liếng Autocad tự học, một chút kinh nghiệm trong thiết kế nội thất gia đình, thêm chút kiến thức về đông y mà anh cho rằng để liên tưởng đến c‌ơ th‌ể tự nhiên, với “c‌ơ th‌ể” giao thông thành phố.

Ngày đi lại nhiều chịu khó quan sát, tối đóng cửa hàng trên đường về nhà lại tranh thủ “lượn” thêm một số tuyến đường để có thực tế. “Có những tuyến phố chính không biết bao nhiêu đêm tôi dành thời gian để đi lại đo đạc, so sánh. Rồi về nhà mở máy tính ra miệt mài vẽ, nghĩ...” - anh Tiệp nói.

Bao nhiêu lần lăn lộn khắp nẻo đường HN, bấy nhiêu trăn trở lại dồn về, thậm chí anh còn cất công vào cả TP.Hồ Chí Minh để mục sở thị tình trạng ùn tắc và cách thức tổ chức giao thông trong đó. Công phu lắm, giải pháp “Giao diện mềm nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị Hà Nội trong giai đoạn hiện nay” ra đời, gồm 9 sơ đồ nguyên tắc và 4 sơ đồ đặc thù. Được đăng ký bản quyền tháng 7.2008.

Sau đó, tác giả gửi văn bản giải pháp trên đến UBND thành phố, Sở GTVT, Cục Đường bộ, Công an với hy vọng các cơ quan trên sẽ xem xét, nghiên cứu và ứng dụng giải pháp mà anh cho rằng rất hữu ích.

Thế nhưng sau một thời gian gửi đi, chẳng thấy cơ quan nào có hồi âm. Tác giả lại viết bài với nội dung trên và đăng tải trên Tạp chí Giao thông Vận tải số tháng 9.2008.

Một sơ đồ tổ chức giao thông trong giao diện mềm.


Cần phải được coi trọng


“Đứa con tinh thần” được gửi đi, không có hồi âm, song tác giả thì vẫn âm thầm theo dõi, kỳ vọng sớm - muộn sẽ được thực hiện.

Tháng 3.2009, Sở GTVT Hà Nội đã có những điều chỉnh trên một số tuyến đường chính có nhiều điểm ùn tắc như: Giải Phóng, ngã ba Pháp Vân, cổng bệnh viện Bạch Mai, Hoàng Quốc Việt... Đến đầu tháng 6.2009 lại tiếp tục điều chỉnh tại các tuyến: Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Đại Cồ Việt... tuy đang làm thí điểm song hiệu quả đã khá rõ.

Đến lúc này xuất hiện thông tin phương án mà Sở GTVT đang thực hiện là “copy” ý tưởng. Ông Phạm Tuân - nguyên Tổng Giám đốc Cienco - cũng khẳng định, cách phân làn Sở GTVT đang triển khai trùng với phần đầu trong đề án “Nâng cao năng lực thoát xe, chống tắc và hạn chế tai nạn giao thông” mà ông đã gửi đến UBND TP.Hà Nội vào tháng 12.2007.

Ông Tuân cho biết, ban đầu đề án trên do một nhóm tác giả biên soạn, nhưng chỉ đề cập đến vấn đề xây dựng cầu vượt. Sau đó, ông phát triển thêm các giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông và gửi đến UBND TP.Hà Nội và UBND TPHCM vào tháng 12.2007.

Còn tác giả Phạm Văn Tiệp cũng cho rằng, qua theo dõi thấy trùng với phương án mình đưa ra đến 60%. Anh cũng cho rằng, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công khai phổ biến cho người dân về cách thức giao thông mới và áp dụng trọn vẹn giải pháp của tác giả thì kết quả còn tốt đẹp hơn rất nhiều. Việc áp dụng kiểu cắt xén đã bộc lộ một số nhược điểm căn bản, làm giảm tác dụng tích cực của 9 giao diện giao thông nguyên tắc và 4 giải pháp đặc thù trong công trình đã công bố.

Còn lãnh đạo Sở GTVT lại cho rằng, phương án họ đang tiến hành hiện nay không copy ý tưởng của ai cả. Thế nhưng lại có sự bất nhất khi trả lời trên báo chí, ông Thạch Như Sỹ - Chánh thanh tra Sở GTVT lúc thì cho rằng do các chuyên viên của sở đi nước ngoài học hỏi, lúc thì lại khẳng định là của toàn dân, của liên ngành, lấy từ sách vở!

Chúng tôi không muốn đi sâu vào vấn đề tranh cãi xem ý tưởng của ai. Đối với khoa học, khi một công trình đưa ra cần phải có những cuộc hội thảo để đánh giá. Việc làm khoa học để đạt tới một cái đích, quá trình làm có thể có những sự trùng nhau cũng là lẽ thường.

Điều đáng mừng ở đây, đối với tình trạng giao thông đô thị hiện nay “hết đường cho xe chạy”, “bế tắc giải pháp”, thì vẫn có người âm thầm tìm cách cống hiến như anh Phạm Văn Tiệp. Cho dù anh không phải người trong ngành, bớt thời gian của công việc chính, hy sinh thời gian cho gia đình để lặng lẽ đi tìm “bài giải” cho khó khăn của xã hội. Nói như anh: Người Nhật sang giúp mình làm giao thông, mình cũng có trái tim, khối óc, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, thấy tự ái lắm.

“Vì lo ngại chuyện bản quyền, nên tôi chưa công bố hết. Nếu được tôn trọng, tôi sẵn sàng hợp tác” - anh Tiệp nói. Và anh vẫn miệt mài cho những nghiên cứu mới, chỉ mong được góp phần xây dựng nhiều hơn.

Lời toà soạn: Với những thông tin trên, chúng  tôi mong rằng Sở GTVT Hà Nội và UBND TP. Hà Nội sẽ có kết luận rõ ràng về vấn đề này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật