Gánh nặng vì lệ phí thấp

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngay từ đầu năm 2009, đa số ý kiến các trường ĐH cả nước đều đề xuất cùng một vấn đề, đó là tăng lệ phí trong kỳ tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, với khó khăn kinh tế chung cùng lời giải trình có thể là lần thi ĐH cuối cùng nên Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính vẫn quyết định giữ nguyên mức thu, mặc dù lý do này cũng đã được đưa ra từ năm 2008. Điều này đã trở thành “gánh nặng” với những trường có số lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng cao.

Năm nào cũng bù lỗ 30% hồ sơ “ảo”

“Không trường nào ở cụm thi Vinh được 70% thí sinh dự thi, có phòng thi chỉ có 3 em nhưng vẫn có 2 giám thị phòng và 1 giám thị hành lang. Lấy đâu kinh phí để lo việc này? Chẳng có lý gì chúng tôi phải chuẩn bị những chỗ ngồi ảo. Đề nghị Bộ có biện pháp mạnh nhắc nhở thí sinh nộp luôn 2 loại lệ phí”, TS Nguyễn Ngọc Hợi, Hiệu trưởng ĐH Vinh bức xúc về vấn đề hồ sơ ảo.

Khó khăn về khoản chi phí thuê người mẫu vẽ quá cao trong khi lệ phí thu của thí sinh ở môn năng khiếu này vẫn thấp, PGS Nguyễn Khắc Sinh - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kiến trúc Hà Nội kiến nghị Bộ cần cho các trường có môn thi năng khiếu được tăng lệ phí tuyển sinh. Gần đây, khối V, M của trường luôn có trên 80% thí sinh đăng ký tới dự thi, còn khối A là 60%. Tuy nhiên, những đề xuất này đã không được thực hiện trong năm nay.

Các trường ĐH bắt đầu triển khai các hoạt động hỗ trợ thí sinh về dự thi ĐH.

Theo ông Nguyễn Thanh Chương - Trưởng phòng Công tác chính trị - Quản lý sinh viên, ĐH Giao thông Vận tải cho biết, với mức trượt giá hiện nay, lệ phí tuyển sinh vẫn giữ như cũ thì sẽ gây khó khăn không ít cho các trường.

 Con số ông Chương đưa ra là tiền thuê chấm một bài thi là 7.000 đồng, mỗi thí sinh thi 3 môn phải mất 21.000 đồng trong khi lệ phí dự thi các trường chỉ được thu 20.000 đồng. Đây là chưa kể giá giấy tăng, tiền thuê in sao đề thi tăng, trong khi lượng thí sinh đăng ký dự thi năm nay vào trường tăng tới hơn 7.000 hồ sơ.

ĐH Xây dựng cũng thắc mắc về vấn đề tăng giá in sao đề từ 10.000 đồng lên 12.000 đồng/thí sinh. Trường chỉ được thu của mỗi thí sinh gần 50.000 đồng trong khi tiền mua đề thi là 12.000 đồng, công chấm thi 3 môn 21.000 đồng, vị chi còn 17.000 đồng lo cho cả chục hoạt động khác.

Chuẩn bị xong phương án điểm thi

Đến thời điểm này, các trường đều đã phải hoàn thành xong phương án bố trí các điểm thi khớp với lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường. Mặc dù việc thuê địa điểm để tổ chức thi năm nào cũng có khó khăn do lượng thí sinh thay đổi và do các cơ sở đề nghị tăng mức phí thuê địa điểm nhưng các trường đều phải khắc phục để đảm bảo đủ chỗ cho thí sinh dự thi.

Kỳ thi năm nay, ông Nguyễn Thanh Chương cho biết, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường ĐH Giao thông Vận tải tăng tương đối cao so với năm trước với tổng số 21.232 hồ sơ, tăng hơn 7.000 hồ sơ năm 2008, trong đó riêng thí sinh đăng ký dự thi tại cụm thi Hà Nội đã là 19.202 thí sinh. 

Để chuẩn bị cho kỳ thi này, ông Chương cho biết, trường đã thuê 777 phòng thi tại 4 cụm thi là Hà Nội, Vinh, Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh. TS.

Nguyễn Thị Tĩnh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Với 2 đợt thi, đợt 1 có 6 điểm thi và 144 phòng thi, đợt 2 gồm 20 điểm thi với 465 phòng, trường đã ký được hợp đồng từ sớm với các trường trung học xung quanh mà không phải thuê các trường tiểu học nên tránh được bất tiện cho TS phải ngồi bàn ghế quá nhỏ”.

Trong khi rất nhiều trường than rằng giá thuê địa điểm tăng chóng mặt thì trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết giá mà trường ký hợp đồng đã tăng lên từ năm ngoái và năm nay nhà trường vẫn duy trì được mức giá không chênh lệch nhiều.

Về phía giám thị coi thi, theo ông Nguyễn Thanh Chương, ngoài 2 cụm thi Vinh và Quy Nhơn, trường chỉ cử giám thị giám sát còn với 2 cụm đông thí sinh dự thi nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì toàn bộ giám thị coi thi là giảng viên và sinh viên của trường phụ trách. “Chúng tôi chỉ thuê những cơ sở làm địa điểm thi nếu đảm bảo yêu cầu của chúng tôi về điều kiện cơ sở vật chất. Mặc dù, nhiều cơ sở rất muốn trường thuê giám thị là cán bộ cơ sở nhưng nguyên tắc của chúng tôi là phải đảm bảo tính nghiêm túc về nhân sự trong việc coi thi nên chỉ sử dụng giám thị là cán bộ, sinh viên của trường”.

Để đáp ứng 600 phòng thi cho cả 2 đợt, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã phải chuẩn bị hơn 1.200 giám thị. Vì có sử dụng sinh viên tham gia coi thi, TS Nguyễn Thị Tĩnh cho biết, tất cả các sinh viên đều được tập huấn để bảo đảm thực hiện tốt vai trò trong kỳ thi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật