Dự án KCN Tân Phú Trung: Doanh nghiệp chật vật vì đền bù dang dở

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau 5 năm triển khai dự án Khu công nghiệp Tân Phú Trung, do vướng đất đền bù nên hạ tầng xây dựng dở dang, người dân bức xúc vì ô nhiễm. Còn doanh nghiệp gây ô nhiễm chỉ trích gay gắt quy hoạch bất cập chương trình di dời của thành phố đã giới thiệu họ đến đây xây nhà máy rồi nay phải di dời một lần nữa. Câu chuyện thương lượng, đền bù vẫn còn bế tắc, chưa tìm được tiếng nói chung.
Dự án KCN Tân Phú Trung: Doanh nghiệp chật vật vì đền bù dang dở
Dự án Khu CN Tân Phú Trung sau 5 năm.

Tiến độ ì ạch, lỗi do ai?

Khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Trung (542ha) thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi nằm trong Khu đô thị phát triển Tây Bắc Sài Gòn (6.000ha). Đến nay, đã đền bù hơn 428ha, san lấp 237ha, xây dựng đường nội bộ, trạm cấp nước sạch, xử lý nước thải… Sau 5 năm triển khai xây dựng và đầu tư vốn khá nhiều, nhưng đến thời điểm này KCN Tân Phú Trung vẫn ngổn ngang, hoang tàn. Bởi lẽ, việc xây dựng hạ tầng manh mún, đứt đoạn do đền bù bị vướng 94 hộ dân và 48 DN, thậm chí đường D4 huyết mạch của toàn KCN còn vướng mảnh ruộng của 3 hộ dân ngay "giữa tim" nên chưa thể thông xe. Chuyện đền bù ách tắc một phần do thiếu vốn, chậm chi trả. Ban đầu, dự án được giao cho Công ty CP Song Tân làm chủ đầu tư, nhưng vốn của Song Tân chỉ có vỏn vẹn 50 tỷ đồng trong khi chi phí đền bù cần vài trăm tỷ. Sau khi chuyển giao dự án cho chủ đầu tư mới là Công ty CP Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc (SCD) thì thị trường nhà đất sốt ảo, đẩy giá tăng vọt và những hộ còn lại không chấp nhận mức giá đền bù 90.000 đồng/m2, trong đó nhiều hộ từ nội thành ra đã trót mua đến 200.000 đồng/m2. Một số hộ dân đã khiếu nại cho rằng: UBND TP Hồ Chí Minh đã vội vã duyệt phương án đền bù trước khi phê duyệt chính thức dự án và chỉ trước vài ngày thời điểm Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành nhằm áp giá đền bù thấp, gây thiệt hại cho người bị thu hồi đất.

Khó giải quyết hơn là những trường hợp doanh nghiệp tại chỗ đang gây ô nhiễm. Trước khi KCN thành lập, khu vực này đã có 48 doanh nghiệp tự mua đất xây dựng nhà xưởng. Trong đó, một số là doanh nghiệp sản xuất (thuộc da, nhuộm…) gây ô nhiễm nặng trong nội thành đã di dời đến theo chương trình của thành phố, nay lại nằm trong diện phải tiếp tục di dời nên đã phản ứng gay gắt, khiếu kiện tập thể. Lý do họ đưa ra quy buộc "lỗi" trách nhiệm quy hoạch của cơ quan chức năng. Vào thời điểm đó vùng đất này còn hoang vắng, thưa thớt dân cư và chính thành phố đã giới thiệu họ di dời đến đây. Việc xây dựng nhà máy, ổn định sản xuất chưa được bao lâu, nay theo quy hoạch lại phải ra đi sẽ gây tổn thất lớn.

Đúng "lý" nhưng khó hợp "tình"!

Ngày 23-5-2008, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo: Bảo đảm hoạt động ổn định của những DN hiện hữu trong KCN. Riêng những DN có ngành nghề không phù hợp (17 DN gây ô nhiễm) phải di dời, hoặc chuyển đổi ngành nghề. Các DN đã chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà xưởng phải đóng góp chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho chủ đầu tư, đóng phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, xử lý nước thải… Thu hồi phần diện tích đất nông nghiệp trong khuôn viên của DN, nếu công ty có nhu cầu sử dụng phải thuê lại của chủ đầu tư.

Chủ trương hoàn toàn "đúng lý" nhằm mục đích bảo đảm môi trường và quyền lợi của chủ đầu tư vốn đã xây dựng hạ tầng KCN nhưng khó "hợp tình". Bởi lẽ, nhiều DN hiện hữu đã chuyển nhượng đất của người dân với giá thương lượng và được cấp sổ đỏ nhưng chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng nay phải chịu thu hồi với giá đền bù 90.000 đồng/m2 rồi thuê lại chính mảnh đất ấy với giá hơn 10 lần (70 USD/m2). Những DN được công nhận quyền sử dụng khuôn viên cũng than trời vì cho rằng mức góp phí xây dựng hạ tầng quá cao. 

Việc chậm tiến độ đền bù, không thể kết nối hạ tầng xử lý nguồn xả thải khiến KCN Tân Phú Trung trở thành "điểm nóng" ô nhiễm gây bức xúc cho cư dân địa phương. Hàng trăm héc-ta đất bị bỏ hoang, còn chủ đầu tư bị chôn vốn, thiệt hại lãi vay… Thực tế, đại cổ đông góp vốn thành lập SCD là Quỹ Đầu tư phát triển đô thị thành phố và một số công ty có vốn của Nhà nước nên đây cũng chính là tổn thất cho ngân sách cần phải chấn chỉnh khắc phục để bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật