Bác sĩ gia đình chưa được tin cậy

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) hướng tới mục tiêu quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân, giảm tải bệnh viện. Tuy nhiên, hoạt động của các phòng khám BSGĐ chưa được như mong đợi.
Bác sĩ gia đình chưa được tin cậy
Người dân chờ khám tại Phòng khám bác sĩ gia đình Xuân Giang (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: D.L

Người dân thiếu thông tin

Con gái 2 tuổi hay ốm đau, chị Trần Thị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên phải gọi bác sĩ về nhà khám ngoài giờ. Chị cho biết, trời nắng nóng, con lại ho sốt nên chị không muốn đưa con đến bệnh viện, đông đúc, chật chội, có thể còn nhiễm chéo các bệnh khác. Chị cũng nghe tin ở quận Cầu Giấy có phòng khám BSGĐ nhưng chưa rõ cách đăng ký thế nào. “Nhà tôi cũng có 4 người già cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, nhưng nếu mời bác sĩ đến nhà thì tốn kém không ít. Vì thế, nếu có BSGĐ với một mức phí hợp lý, chúng tôi sẽ đăng ký. Mô hình này cần được tuyên truyền, vận động tới từng người dân” – chị Hoa nói.

Người dân chưa mặn mà nên sau hơn 1 năm triển khai mô hình BSGĐ, Phòng khám Đa khoa Yên Hòa (thuộc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy, Hà Nội) mới chỉ quản lý hơn 100 bệnh nhân là những người mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Trong khi đó, phòng khám có 3 bác sĩ và 3 điều dưỡng, “tiềm lực” còn lớn hơn nhiều.

Còn Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng có 7 bác sĩ chuyên khoa I y học gia đình và 16 bác sĩ được đào tạo ngắn hạn về BSGĐ. Tuy nhiên, sau 2 năm, phòng khám BSGĐ tại huyện cũng chỉ quản lý được 1.400 bệnh nhân theo bệnh án y học gia đình. Bác sĩ Phạm Quang Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cho biết, mô hình chưa thu hút được bệnh nhân là vì còn thiếu kinh phí để tuyên truyền đến người dân. Thậm chí, chế độ cho BSGĐ vẫn chưa thỏa đáng trong khi ngoài khám bệnh, BSGĐ còn phải quản lý sổ sách, ghi chép, theo dõi về bệnh nhân.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện Hà Nội có 76 phòng khám BSGĐ, trong đó có 67 phòng khám tại các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực của 30 trung tâm y tế; 6 phòng khám tại 6 bệnh viện, gồm: Phú Xuyên, Đan Phượng, Ba Vì, Mê Linh, Đông Anh, Xanh Pôn, và 3 phòng khám ngoài công lập. Các phòng khám đã phục vụ cho hàng trăm nghìn lượt khám chữa bệnh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, các phòng khám BSGĐ ở Hà Nội đã thực hiện khám bệnh cho gần 35.000 lượt người, chuyển tuyến kịp thời cho gần 1.700 trường hợp, tiến hành xét nghiệm hơn 200 ca, tư vấn cho gần 2.000 trường hợp, lập hồ sơ quản lý gần 4.400 người.

Phòng khám tư chưa mặn mà

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2013 đến nay đã có 6 tỉnh triển khai thí điểm Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ (TP.HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Cần Thơ) với 240 phòng khám BSGĐ được thành lập. Nhiều phòng khám BSGĐ đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, tổ chức hội chẩn trực tuyến. Điều này giúp cho việc quản lý hồ sơ của bệnh nhân được tốt hơn, hướng tới mỗi bệnh nhân có 1 mã vạch, chỉ cần đánh số là tìm được tiểu sử của bệnh nhân, dù khám ở bất cứ bệnh viện nào.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, kinh nghiệm của các nước cho thấy, BSGĐ là mô hình hoạt động hiệu quả tại cộng đồng, không chỉ giúp người dân thuận tiện hơn trong khám chữa bệnh, được dõi sức khỏe sát sao hơn ở cộng đồng, đồng thời giảm tải bệnh viện một cách mạnh mẽ. “BSGĐ gần với dân nên có thể hiểu rõ tiền sử bệnh tật của cả bệnh nhân và gia đình họ, hiểu rõ lối sống, hoàn cảnh nên việc quản lý sức khỏe cũng sẽ tốt hơn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

TS Khuê nhận định, hiện nay nhiều người dân vẫn hiểu sai rằng BSGĐ là phải đến tận nhà khám bệnh nên chỉ người giàu mới đăng ký khám BSGĐ. Trong khi đó, nhiệm vụ của BSGĐ là khám sức khỏe ban đầu, chăm sóc toàn diện, liên tục, quản lý hồ sơ bệnh lý một cách có hệ thống, nếu người dân bị ốm nặng sẽ tư vấn cho họ đi khám ở đâu... Nhờ đó, sức khỏe của người dân được đảm bảo hơn. “Tâm lý đa số của người dân hiện nay vẫn chưa tin tưởng tay nghề của bác sĩ ở trạm y tế hay phòng khám nên đã đi khám là vượt tuyến lên bệnh viện tỉnh, T.Ư. Thời gian tới, Bộ Y tế cần tiếp tục tuyên truyền để người dân có cái nhìn đúng hơn về BSGĐ” - ông Khuê cho biết.

Cũng theo ông Khuê, mô hình BSGĐ thích hợp với các phòng khám tư nhưng họ lại chưa mặn mà. Nguyên nhân là do phòng khám tư thu 100.000 - 200.000 đồng/lần khám, còn bảo hiểm y tế chỉ thanh toán 20.000 đồng/lần khám. “Hiện cả nước mới đào tạo được 700 BSGĐ, còn quá thiếu so với nhu cầu thực tế” – ông Khuê cho biết.

Theo đề án, Bộ Y tế dự định trong giai đoạn 2013-2015 tại mỗi tỉnh thực hiện thí điểm sẽ thành lập được ít nhất 80 phòng khám BSGĐ. Dự tính từ 2016-2020 sẽ nhân rộng mô hình trên toàn quốc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật