Chuyện người mềm như bún, người cứng như đá

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hai thanh niên thân hình như hai que củi nằm rúm ró ở góc giường. Ba người con gái ngớ ngẩn, mất trí nhớ, hoàn toàn mất khả năng lao động. Một cặp vợ chồng 10 lần có thai, 6 lần đẻ thì 4 đứa con dị dạng, chết yểu sau lúc chào đời, 2 đứa còn lại sống cảnh thực vật... Thái Bình nhưng chẳng “thái bình” bởi đa phần, họ là những nạn nhân thời hậu chiến của thứ chất độc da cam/dioxin chết người.
Chuyện người mềm như bún, người cứng như đá
Cuộc sống của Mạnh và Đô gắn liền với chiếc giường

Nhà có 2 cậu... khờ

Bất cứ ai đến nhà ông Lại Văn Biên (xã Tân Hoà, Vũ Thư, Thái Bình) đều bắt gặp cảnh hai thanh niên nằm rúm ró ở một góc giường. Lại Văn Mạnh năm nay 28 tuổi, đôi chân bên ngắn bên dài, teo tóp, cong vẹo như bị vặn ngược, cánh tay lòng khòng, nhỏ xíu. Người em Lại Văn Đô, 26 tuổi, hai chân vắt chéo vào nhau và cứng lại. Buồn hơn, cả Mạnh và Đô đều mất trí nhớ, lưỡi cứng đờ nên chỉ âm ê như đứa trẻ đang tập nói và cũng chưa bao giờ biết ngồi, biết đi. Tất cả mọi sinh hoạt, ăn uống đều do bố mẹ phục vụ. Mạnh và Đô cứ nằm như thế, thân hình giống như những ống xương nối vào nhau với cái đầu nhọn hoắt, hàm răng vàng khè, nước dãi ròng ròng. Trên mặt, đầy những vết bầm tím do phải nằm quanh năm suốt tháng. Một người mềm như bún, còn một người cứng như đá. “Bế con đi tắm hay vệ sinh cũng phải nhẹ nhàng, nâng như nâng trứng. Chân tay các cháu giờ như gỗ mục, dễ gãy lắm. Mấy lần chúng tôi quặn đau vì vô tình làm chân con gãy rời” - lời ông Biên nghe cứ khào khào, đùng đục.

Đi viện với Mạnh và Đô là chuyện thường như cơm bữa. Năm 1999, Đô bị ốm một trận thập tử nhất sinh, lên cơn co giật mạnh, tràn dịch phổi cộng với nghẹn do ăn... bánh mì. Hôm đó, nghe tiếng kêu ú ớ của con, từ dưới bếp chạy lên nhà, ông Biên thấy mắt  Đô trắng dã, lờ đờ, người tím tái trong trạng thái chết lâm sàng nhưng mồm vẫn ngậm chiếc bánh mì. Ông vuốt ngực, hô hấp nhân tạo khoảng 20 phút Đô mới thở được. Đưa con đi cấp cứu nhưng cái lắc đầu “chưa chắc cháu sống được” của bác sĩ bệnh viện Việt – Bun (nay là bệnh viện đa khoa Thái Bình) làm ông bà khóc hết nước mắt. Mấy ngày liền, Đô thở thoi thóp bằng bình ôxy, vợ chồng ông Biên ngày đêm bên con với tia hy vọng mong manh con sẽ sống lại.

Ngày Đô ra viện, ông bà mừng khôn xiết. Song câu chuyện của các bác sĩ ở bệnh viện đã làm ông Biên bừng tỉnh nghĩ đến những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh. Khi đó, núi Bà Đen là trọng điểm Mỹ rải chất độc da cam do tranh giành quyền đặt đài quan sát thu phát sóng thông tin với quân đội ta.

Khi biết rõ các con bị ảnh hưởng chất độc da cam, ông càng thương và đau lòng cho người con cả đang lang thang ở miền Nam. Anh là Lại Văn Chuyên, năm nay đã 30 tuổi. Lúc sinh ra, Chuyên vẫn khoẻ mạnh bình thường nhưng chỉ sau một tháng, mắt có long đao, hấp háy và mờ đục. Chuyên không nhớ được bất cứ điều gì, thậm chí lên 10 tuổi, đi chơi trong làng cũng không nhớ đường về nhà. Gần 20 năm nay, Chuyên đi mãi không về. Đã mấy lần, ông Biên phải khăn gói “Nam tiến” để giải quyết hậu quả do cậu con cả gây ra. Khi thì tai nạn xe máy, lúc bị lừa hoặc nghiện ngập... nhưng rồi đâu lại hoàn đấy.

Mang 10, đẻ 6, nuôi 3...   tật nguyền!

Đến thôn Hưng Nhượng, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư hỏi vợ chồng anh Bính, chị Liên thì ai cũng biết. Nhưng để gặp được đầy đủ gia đình, phải chọn buổi tối vì đó là thời gian duy nhất cả nhà anh sum họp.

Ban ngày, anh Bính vừa đạp xích lô, vừa bốc vác thuê. Chị Liên thì đi hết huyện nọ đến huyện kia thu mua đồng nát. Bữa trưa của chị là chai nước lọc đem theo từ nhà và vài mẩu bánh mỳ khô quắt vì nắng, gió. Bắt đầu lúc 6 giờ sáng, về nhà lúc 7h tối, đạp xe vài chục kilômet nhưng có ngày chỉ được 3.000 – 5.000 đồng, nhiều ngày chẳng được đồng nào. “Lắm lúc cũng nản nhưng không thể ở nhà khi nghĩ đến ngày mai con không có thuốc. Đi mấy ngày cũng chỉ đủ tiền mua một vỉ thuốc giảm đau cho con”, chị Liên nghẹn ngào.

Ba người con tật nguyền của anh Bính, chị Liên

Có thời gian chị chuyển sang bán bánh mỳ ở cổng bệnh viện nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Chị lại gắn mình với cái xe đạp và chai nước lọc, ngày ngày thu mua ve chai, đồng nát. “Nhà có 6 miệng ăn nhưng chỉ 2 người làm. Ông ấy giờ bệnh tật nhiều lắm, ngày cũng chỉ được một, hai chuyến xích lô. Tôi phải vay từng đồng để mua thuốc, khám bệnh cho con. Đến cái nhà cũng không làm nổi, họ hàng thương tình vay mượn, gom góp xây dùm vì mình là “trưởng chi”, cần có nơi đàng hoàng thờ tổ tiên”. Nói đoạn chị thở dài, “làm nhà hết bao nhiêu tiền tôi cũng không rõ, chỉ biết bây giờ phải cố làm để trả nốt mấy triệu họ vay hộ. Chưa biết xoay sở ra sao...”.

Anh Bính kể rằng, trước anh là bộ đội chiến đầu ở những chiến trường ác liệt như Khe Sanh, Lao Bảo (Quảng Trị), Quảng Nam, Savanakhet (Nam Lào). Sau 8 năm, anh trở về sum họp với gia đình. Vợ anh 10 lần sinh nở nhưng 6 lần chị đẻ những đứa trẻ dị dạng. Bốn người con còn sống khi sinh ra đều khỏe mạnh, nặng gần 4kg. Nhưng thật oái oăm, sau khi ra đời 2 - 3 ngày, da các cháu vàng rộm như nghệ, cử động khó khăn, càng lớn trí nhớ càng kém và ngớ ngẩn dần, da dẻ sần sùi, mụn nhọt nổi khắp người. Cháu Thọ, con trai duy nhất của anh đến 10 tuổi vẫn không biết ngồi. Cháu nằm liệt giường từ lúc sinh ra. Đêm nào anh chị cũng phải thay nhau bế con. Anh Bính nghẹn ngào: “Con đại tiện, tiểu tiện ngay... trên bụng mình nhưng không dám thở mạnh vì sợ con tỉnh giấc. Nhiều đêm, Thọ mất ngủ vì cơn đau hành hạ, cháu khóc thảm thiết, kêu gào không ai ngủ được”. Giằng co mãi đến tháng 9/2008 thì Thọ mất. Vai trò và nghĩa vụ “trưởng chi” cần đứa con trai để duy trì dòng họ của anh Bính càng nặng hơn. Chị Liên vuốt nhẹ đôi má con trai qua tấm ảnh cũ còn sót lại, nét mặt không giấu nổi sự thất vọng, buồn chán. Đêm đêm, vợ chồng anh chị thao thức nghĩ về tương lai 3 đứa con còn lại cũng trong tình trạng khổ đau vì chất độc da cam.

“Nước mắt không còn mà khóc nữa. Bây giờ mình còn làm được nuôi các con, sau này già yếu, rồi khi khuất núi, ai lo cho các cháu?”. Những tâm sự rất thật của anh Bính cũng chính là nỗi trăn trở của hàng chục gia đình có con nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Thái Bình. “Cây già bật gốc, lá xanh khó giữ được trên cành” - Nỗi đau này chắc là bất cứ ai nhìn vào cũng thấm thía, xót xa!

Theo Danong

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật