UNESCO cho ra mắt Thư viện kỹ thuật số thế giới

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trang web World Digital Library (WDL - Thư viện kỹ thuật số thế giới), nơi người ta có thể truy cập miễn phí để xem nhiều cuốn sách quý hiếm, bản đồ, bản thảo, phim, ảnh... từ khắp toàn cầu, đã được UNESCO và 32 thư viện “đối tác” cho ra mắt hôm 21/4.
UNESCO cho ra mắt Thư viện kỹ thuật số thế giới
Ảnh minh họa

Mở rộng nội dung “không thuộc châu Âu”

Với nhiều tư liệu vô giá, từ thư họa Trung Hoa và Ba Tư cổ đại tới nghệ thuật nhiếp ảnh Mỹ Latin thời kỳ đầu, đây là thư viện kỹ thuật số lớn thứ ba thế giới, sau Google Book Search và dự án mới Europeana của Liên minh châu Âu (EU).

Thu thập tư liệu từ nhiều thư viện và trung tâm lưu trữ ở khắp thế giới, WDL được đưa vào hoạt động nhằm giảm thiểu sự phân chia “giàu nghèo” về thông tin, mở rộng nội dung “không thuộc châu Âu” trên trang web này và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các nền văn hóa.

Dự án nói trên được hình thành từ ý tưởng của James Billington - Giám đốc Thư viện Quốc hội Mỹ, thư viện lớn nhất thế giới. Tại website của WDL, người xem có thể tra cứu bằng bảy ngôn ngữ chính, gồm Arập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Nga và Tây Ban Nha cùng nhiều tư liệu phụ trợ bằng các thứ tiếng khác.

Những người thực hiện dự án hy vọng đến cuối năm nay, họ sẽ thiết lập được quan hệ với 60 nước. Hiện tại, Maroc, Uganda, Mexico và Slovakia đã ký thỏa thuận hợp tác với dự án này.

Đi đầu là Google Book Search

Đi tiên phong trong lĩnh vực thư viện kỹ thuật số là Google. Cuối năm 2004, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng này cho ra đời dự án Google Book Search và tuyên bố họ đã có 7 triệu cuốn sách được đưa lên địa chỉ books.google.com. Địa chỉ Internet này đã thiết lập sự liên kết chặt chẽ với các trường đại học ở Mỹ và nhiều nước khác.

Tháng 10 năm ngoái, Google đã giải quyết được “rào cản” lớn khi những tác giả Mỹ và các tập đoàn xuất bản chấp nhận rút đơn kiện về tiền bản quyền sau hai năm thương thảo. Thỏa thuận trị giá 125 triệu USD này đã giúp tạo được cơ cấu chia lợi nhuận trong tương lai, từ lượng sách bán ra và quảng cáo, giữa những người nắm giữ bản quyền và Google. Tại địa chỉ trực tuyến nói trên, cư dân mạng có thể tải toàn bộ dữ liệu ở phạm vi chung, còn với những tư liệu có bản quyền, người ta chỉ truy cập được 20%, nếu muốn xem đầy đủ thì phải trả phí.

Cuối năm 2006, hãng phần mềm khổng lồ Microsoft cũng lập ra thư viện online riêng nhưng chỉ sau 18 tháng thì phải chịu thua Google và ngưng hoạt động sau khi đã quét được 750.000 tác phẩm.

Được coi là đối thủ cạnh tranh với Google Book Search, thư viện kỹ thuật số của EU là Europeana đã ra mắt khá “ầm ĩ” hồi tháng 11 năm ngoái nhưng chỉ sau vài tiếng thì bị “sập” bởi lượng truy cập quá nhiều. Trở lại hoạt động từ đầu năm nay, trang europeana.eu hiện có khoảng 40.000 lượt truy cập/ngày. Kích chuột vào trang web này, chúng ta có thể truy cập miễn phí khoảng 4,6 triệu cuốn sách, phim, tranh, ảnh, băng thu âm, bản đồ, bản thảo, báo. Các nhà điều hành của thư viện Europeana đặt mục tiêu đến năm 2010 sẽ quét và đưa lên đó thêm khoảng 10 triệu tư liệu nữa.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật