Thế giới bất lực trước nạn cướp biển?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chặn đứng nạn cướp biển đang hoành hành dữ dội ở ngoài khơi biển Somali bằng tàu chiến hoặc sức mạnh quân sự dường như là một nhiệm vụ bất khả thi. Gốc rễ của vấn đề này nằm chính ở trên đất liền, trong đống tro tàn của nhà nước đã rệu rã của Somali.
Thế giới bất lực trước nạn cướp biển?
Những tên cướp biển Somali.

Giải quyết triệt để nạn cướp biển có thể sẽ phải mất hàng thập kỷ. Trên thực tế, Mỹ đã từng can thiệp vào vấn đề này cách đây 17 năm dưới danh nghĩa thực hiện nhiệm vụ nhân đạo nhưng sự can thiệp đó đã hoàn toàn thất bại khi các máy bay của Mỹ bị bắn rơi và xác lính Mỹ bị kéo lê trên khắp các đường phố đầy cát ở thủ đô Mogadishu.

"Thật là dễ hiểu khi thấy mọi người gào thét trên truyền hình rằng: 'Hãy bắn hết chúng đi hoặc ngăn chúng lại,'" Graeme Gibbon-Brooks, Giám đốc điều hành Cơ quan Tình báo hàng hải Dryad của Anh, nói về bọn hải tặc. "Các cường quốc có sức mạnh hải quân to lớn, vậy tại sao lại không thể chặn đứng tình trạng này được?"

Ông Brooks thừa nhận việc phái thêm tàu chiến đến để chống cướp biển chỉ giống như việc “dán một miếng băng vào một vết thương do đạn bắn." "Thực tế là những gì đang diễn ra trên biển chỉ là biểu hiện của những vấn đề ở trên đất liền Somali."

Đất nước Hồi giáo 8 triệu dân này đã bị tan rã năm 1991 khi các chủ đất lật đổ tổng thống. Kể từ đó, Somali bị cai quản bới những phe phái đối địch nhau và được trang bị vũ khí hạng nặng. Kết quả là đất nước này chìm trong nạn đói, những vụ bắn giết tràn lan trên đường phố. Hiện giờ Somali đã biến thành khu vực nguy hiểm nhất thế giới đối với người nước ngoài.

Năm 1992, Mỹ đã phái binh lính của mình đến Somali tham gia một chiến dịch nhân đạo của Liên Hợp Quốc nhằm giúp đỡ những người dân đang đói ăn ở đất nước này. Tuy nhiên, Mỹ ngay lập tức đã bị mắc kẹt vào cuộc nội chiến ở đó. Hai chiếc trực thăng của Mỹ bị bắn rơi và 18 binh lính Mỹ bị bắn chết trong một cuộc chiến đã được kể lại trong sách và được quay thành bộ phim "Black Hawk Down."

Hình ảnh những tay súng Somali kéo lê th‌i th‌ể những binh lính Mỹ trên khắp các đường phố ở thủ đô Mogadishu đã trở thành một biểu tượng cho những người chống đối sự can thiệp của Mỹ ở nước ngoài. Sau đó Tổng thống Bill Clinton đã phải ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi Somali và cam kết sẽ không triển khai binh lính tại đó trừ khi các quyền lợi của Mỹ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, tình trạng vô chính phủ và hỗn loạn ở Somali đã quay trở lại ám ảnh thế giới. Và đó chính là nạn cướp biển. Sự táo tợn, liều lĩnh và nguy hiểm của bọn hải tặc Somali đã khiến lãnh đạo nhiều nước đau đầu và Mỹ đã không thể đứng ngoài cuộc chiến này.

Sau khi một loạt tàu Mỹ bị tấn công gần đây Tổng thống Barack Obama đã thề rằng Washington sẽ tích cực tham gia vào cuộc chiến nhằm chặn đứng nạn cướp biển. Thậm chí, mới đây Mỹ còn đưa ra hẳn một kế hoạch nhằm đối phó với hải tặc Somali, trong đó có việc Mỹ sẽ cùng với cộng đồng quốc tế tìm kiếm và phong toả các tài sản của cướp biển, trừng phạt các công ty làm ăn với hải tặc…

Trước đó, trong tháng 12, Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết mở đường cho việc dùng các chiến dịch quân sự để tiêu diệt những tên cướp biển. Sau đó, một loạt các cường quốc trong đó có Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc,  Nhật Bản…. đã đưa tàu chiến đến khu vực ngoài khơi Somali để làm nhiệm vụ chống hải tặc.

Bất chấp những nỗ lực trên, những tên cướp biển vẫn tăng cường tấn công và bắt giữ các tàu thuyền.

Những tên cướp biển hoạt động công khai ở nhiều thành phố dọc bờ biển nhưng tấn công vào những khu vực đó là cả một vấn đề bởi thông tin tình báo thì mòng và đó không phải là những mục tiêu dễ dàng. Các tay súng và vũ khí có thể được thấy ở khắp nơi trên đất nước Somali và những tên cướp biển giống như các chiến binh thì dễ dàng trà trộn vào dân thường.

"Bạn khó mà có thể phân biệt được giữa người tốt và người xấu vì họ trông đều giống nhau," Gibbon-Brooks nói.

Thực tế cũng xảy ra tương tự ở trên biển.

Những tên cướp biển bắt đầu bắt giữ các con tàu lớn để sử dụng làm “tàu mẹ” nhằm giúp những con thuyền bé của chúng dễ dàng hoạt động ở cách bờ biển hàng trăm km. Nhưng trong khi các quan chức Quốc phòng Mỹ cho biết họ muốn tập trung vào việc phá huỷ những con tàu mẹ nhưng sẽ vô cùng khó khăn để phân biệt đâu là tàu của hải tặc vì chúng thường hoá trang giống như tàu đánh cá.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế ngày càng trở nên tuyệt vọng vì không thể giải cứu những con tàu bị cướp đang nằm trong tay hải tặc nếu không trả tiền chuộc. Nhưng tấn công những con tàu này thì sẽ gây nguy hiểm cho hàng trăm người vô tội trên đó. Đây thực chất là những tấm lá chắn sống bảo vệ bọn cướp biển.

Trên mỗi con tàu bị bắt giữ có trung bình khoảng từ 25-30 tên cướp biển.

Hầu hết các nước và những người chủ tàu đều không muốn sử dụng các biện pháp quân sự bởi vì họ sợ gây thương vong cho các dân thường và gây tổn hại cho hàng hoá trên tàu. Hơn nữa, những tên cướp biển hiếm khi làm hại con tin.

Trong khi Mỹ mới đây đã thực hiện thành công một kế hoạch giải cứu con tin thì kế hoạch giải cứu của Pháp đã khiến một công dân thiệt mạng. Và trong tháng 11 năm ngoái, Hải quân Ấn Độ đã làm chìm một con tàu đánh cá của Thái Lan sau khi nã súng vào tàu này, làm 15 trong số 16 thuỷ thủ thiệt mạng.

Nhưng có lẽ trở ngại lớn nhất đối với Mỹ và các đồng minh chính là sự rộng lớn của vùng biển xung quanh Vịnh Aden và đường bờ biển dài hơn 3.000km của Somali - đường bờ biển dài nhất Châu Phi. Sẽ là không thể để triển khai tàu chiến ở khắp mọi nơi trên khu vực này. Thực tế là các tàu chiến chỉ có thể bảo vệ một phần nhỏ trong hàng ngàn con tàu đi qua vùng lãnh hải này hàng năm.

Hồi tháng 10, NATO đã phái 7 tàu chiến tới vùng Vịnh Aden và EU cũng cử hạm đội hải quân của riêng liên minh này.

Hoạt động của các liên minh trên đã thu được một số thành công nhất định: hai máy bay quân sự đã đuổi được bọn cướp biển ra khỏi một tàu hàng của Trung Quốc trong khi các thuỷ thủ này đang trốn trong cabin. Thuỷ thủ Ấn Độ đã bắt giữ được 23 tên cướp biển và trao chúng cho Yemen để truy tố.

Tuy vậy, hải tặc Somali đã chống lại bằng cách tăng cường hoạt động ở bên ngoài Vịnh Aden.

"Họ đang mở rộng hoạt động," ông Noel Choong, người đứng đầu trung tâm đưa tin về cướp biển của Cục Hàng hải Quốc tế ở Kuala Lumpur cho biết. Chúng đang ngày càng trở nên “táo tợn hơn và liều lĩnh hơn trong việc bắt giữ tàu thuyền."

Hôm 14/4, hải tặc Somali đã tấn công một chiếc tàu chở hàng của Mỹ bằng súng phóng lựu và súng máy. Trước đó cùng ngày, hải tặc đã chiếm tàu hàng MV Irene E.M. của Hy Lạp với 35.000 tấn hàng và 22 thuỷ thủ người Philippines. Nạn nhân tiếp theo ngay sau đó là tàu hàng MV Sea Horse của Li-băng đã bị bọn hải tặc bắt giữ bên ngoài khu vực Sừng Châu Phi. Riêng trong hai ngày 12 và 13/4, hải tặc đã chiếm giữ thêm hai tàu cá của Ai Cập.

Một loạt vụ trên đã nâng tổng số vụ tấn công tàu thuyền của cướp biển trong năm nay lên con số ít nhất là 78 vụ. Những tên cướp biển hiện đang giữ ít nhất 17 tàu thuyền và 300 thuỷ thủ.

Trong khi người ta đang kêu gọi các công ty trạng bị vũ khí và lính bảo vệ cho những con tàu của họ thì hầu hết các chuyên gia cho rằng điều đó chỉ làm leo thang các vụ B.L và bắn giết lẫn nhau. Thực tế hiện nay những tên cướp biển chỉ bắn hăm doạ để buộc tàu dừng lại chứ chưa hề cố tình bắn vào các thuỷ thủ.

"Nhiều người cảm thấy khó hiểu khi bọn cướp biển dường như dễ dàng được tha thứ. Nhưng rõ ràng tất cả các con tin đều thường không bị cướp biển làm hại. Vấn đề chính là ở chỗ cuộc sống là quý giá mà bọn cướp biển lại không hề có ý định gây hại cho cuộc sống của bất kỳ ai," ông Gibbon-Brooks nhận xét.

Các nhà phân tích cho rằng lựa chọn tốt nhất cho các thuỷ thủ là tập các cách để trốn cướp biển, cảnh giác với các con thuyền nhỏ và bắn cảnh cáo để chúng không thể tiến lại gần.

Tiêu diệt cướp biển - Nhiệm vụ bất khả thi

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật