Tiêu diệt cướp biển - Nhiệm vụ bất khả thi

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trấn áp hoạt động của cướp biển Somalia bằng cách sử dụng các tàu chiến Mỹ hoặc lực lượng quân sự sẽ gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Các chuyên gia hàng hải cho rằng, vấn đề thực sự nằm trên đất liền Somalia và giải quyết các vấn đề này có thể mất hàng thập kỷ.
Tiêu diệt cướp biển - Nhiệm vụ bất khả thi
Trực thăng Mỹ tiến gần tới những chiếc thuyền của hải tặc ở vịnh Aden. (Ảnh: AP)

Mỹ đã tìm cách can thiệp cách đây 17 năm, trong một chiến dịch nhân đạo trên đất liền Somalia. Chiến dịch này đã thất bại khi một số trực thăng Mỹ bị bắn hạ và xác các lính Mỹ bị kéo khắp các khu phố đầy cát tại Thủ đô Mogadishu.

"Hoàn toàn có thể hiểu được việc mọi người la hét trước vô tuyến rằng hãy bắn hết hoặc ngăn chặn bọn hải tặc. Các anh có sức mạnh của hải quân quốc tế mà không thể ngăn chặn được bọn chúng hay sao?", Graeme Gibbon-Brooks, Giám đốc điều hành Cơ quan tình báo hàng hải Dryad ở Anh, nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng cử thêm tàu chiến giống như "dán băng gạc vào một vết thương do đạn gây ra. Sự thực là những gì chúng ta thấy trên biển là những biểu hiện của các vấn đề trên đất liền Somalia". 

Quốc gia Hồi giáo 8 triệu dân này tan rã vào năm 1991 khi các tư lệnh lật đổ tổng thống. Kể từ đó tới nay, quốc gia này nằm dưới sự điều hành của các bè đảng đối địch, có vũ trang. Chưa hết, nạn đói và các cuộc xung đột xảy ra như cơm bữa trên đường phố đã biến Somalia thành một quốc gia nguy hiểm nhất đối với người nước ngoài.

Mỹ đưa quân tới Somalia trong năm 1992 theo ủy nhiệm của LHQ nhằm cứu trợ người dân bị đói. Tuy nhiên, Mỹ đã mắc kẹt trong cuộc nội chiến tại đó. Vài tháng sau, lực lượng dân quân Somalia đã bắn hạ hai trực thăng và giết 18 lính Mỹ.

Hình ảnh các tay súng kéo lê xác lính Mỹ khắp đường phố Mogadishu đã trở thành một biểu tượng cho những người phản đối sự can thiệp quân sự của Mỹ tại nước ngoài. Tổng thống Bill Clinton lúc đó đã ra lệnh rút quân và hứa sẽ không triển khai quân đội tại Somalia trừ khi quyền lợi quốc gia của Mỹ tại đó bị ảnh hưởng.

Mặc dù vậy, tình trạng vô chính phủ tại Somalia đã quay trở lại ám ảnh Mỹ. Các quan chức tin rằng al-Qaeda hoạt động tại đó và Mỹ đã tấn công ít nhất một căn cứ khủ‌ng b‌ố ở nước này trong năm 2007.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates nói hôm 14/4 rằng, ông thấy chưa cần huy động quân đội để tấn công cướp biển. Tuy nhiên, Tổng thống Obama thề rằng, Washington sẽ ngăn chặn "sự trỗi dậy của cướp biển" mặc dù không nói Mỹ sẽ làm điều đó bằng cách nào.

Chống cướp biển là một trận chiến mà Mỹ sẵn sàng tham gia.

Tháng 12/2008, Mỹ đã thuyết phục Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết dọn đường cho các lực lượng quốc tế tiến hành các chiến dịch quân sự chống cướp biển trên đất liền Somalia. Lúc đó, Ngoại trưởng Condoleezza Rice nói rằng, Washington muốn chắc rằng quân đội có thể truy quét hải tặc trên đất liền nếu cần.

Các chiến dịch quân sự vẫn chưa xảy ra.

Cướp biển hoạt động công khai tại nhiều thành phố dọc bờ biển Somalia. Tuy nhiên, tấn công những nơi này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bởi vì hoạt động tình báo quá mỏng và gần như không có các mục tiêu dễ dàng. Các tay súng và vũ khí tràn lan ở Somalia. Giống như mọi phần tử nổi dậy, cướp biển dễ dàng trà trộn với dân cư.

"Bạn phải phân biệt được những người xấu và người tốt. Ở Somalia, tất cả họ trông rất giống nhau", Gibbon-Brooks nói.

Điều tương tự cũng xảy ra trên biển.

Hải tặc đã bắt đầu bắt giữ những con tàu lớn hơn để sử dụng làm "tàu mẹ". Những tàu mẹ này giúp thuyền nhỏ của chúng hoạt động cách bờ biển hàng trăm kilômét. Mặc dù các quan chức quân sự Mỹ nói rằng, họ muốn tập trung vào việc tiêu diệt những "con tàu mẹ" này, song rất khó để phân biệt chúng với tàu đánh cá vì cướp biển hay ngụy trang làm ngư dân.

Cộng đồng quốc tế tuyệt vọng vì không thể giải cứu hàng chục tàu bị cướp nếu không trả tiền chuộc. Những con tàu này đang được neo đậu dọc bờ biển Somalia. Tuy nhiên, tấn công những con tàu đó sẽ gây nguy hiểm cho hàng trăm người vô tội trên tàu bởi hải tặc sử dụng họ làm lá chắn sống. Gibbon-Brooks nói rằng, mỗi tàu có trung bình 25 thủy thủ bị bắt cóc và có lẽ là 30 hải tặc.

Hầu hết các quốc gia và các chủ tàu không muốn sử dụng vũ lực bởi họ lo ngại về thương vong cũng như thiệt hại đối với hàng hóa quý giá trên tàu. Ngoài ra, hải tặc hiếm khi làm hại các con tin.

Mặc dù hoạt động giải cứu thuyền trưởng Phillips của Hải quân Mỹ đã diễn ra tốt đẹp hôm 12/4, song một chiến dịch tương tự của Hải quân Pháp đã khiến một công dân Pháp thiệt mạng. Hồi tháng 11/2008, Hải quân Ấn Độ đã bắn chìm một tàu đánh cá của Thái Lan sau khi bị tấn công, khiến 15 trong số 16 thủy thủ trên tàu thiệt mạng.

Có lẽ, trở ngại lớn nhất mà Mỹ và các đồng minh đối mặt là sự rộng lớn của vùng biển quanh vịnh Aden và đường bờ biển dài 3.000km của Somalia - đường bờ biển dài nhất ở châu Phi. Các tàu chiến tuần tra không thể xuất hiện ở mọi nơi mọi lúc và họ chỉ có thể bảo vệ một phần nhỏ trong số hàng chục nghìn tàu bè đi lại ở vùng này mỗi năm.

Tháng 10/2008, NATO đã cử 7 tàu chiến tới vịnh Aden và EU cũng gửi lực lượng hải quân tới đó. Liên minh này đã gặt hái được một số thành công: hai trực thăng quân sự đã đuổi những tên hải tặc khỏi một tàu chở hàng của Trung Quốc khi thủy thủ đoàn trốn trong các cabin. Thủy thủ Ấn Độ đã bắt giữ 23 hải tặc, những kẻ đã đe dọa một tàu hàng và trao chúng cho nhà chức trách Yemen để truy tố.

Tuy nhiên, cướp biển đã chống lại bằng cách gia tăng các hoạt động bên ngoài vịnh Aden. "Chúng đang mở rộng hoạt động. Chúng trở nên táo bạo hơn và liều lĩnh hơn trong việc cướp tàu", Noel Choong, Giám đốc Trung tâm thông báo cướp biển thuộc Cục Hàng hải quốc tế tại Kuala Lumpur, cho biết.

Hôm 14/4, hải tặc đã bắt giữ một tàu của Hy Lạp với 22 thủy thủ Philippines trên đó tại vịnh Aden. Một nhóm hải tặc khác đã dùng thuyền cao tốc để bắn một tàu chở hàng của Lebanon ngoài khơi bờ biển phía đông Somalia. Nếu tính hai vụ trên, tổng số vụ cướp biển trong năm 2009 đã lên tới ít nhất 78 vụ. Hải tặc hiện giữ ít nhất 17 tàu và 300 thủy thủ.

Mặc dù người ta kêu gọi các công ty triển khai các lính gác có vũ trang trên tàu của họ, song hầu hết các chuyên gia tin rằng hành động đó sẽ chỉ làm leo thang xung đột. Gibbon-Brooks nói rằng, cướp biển chỉ bắn hăm dọa nhằm dừng tàu và cho tới nay, chúng vẫn chưa chủ ý nhằm bắn các thủy thủ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật