Ảo mộng triệu phú

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tháng 2/2009, bộ phim “Slumdog Millionaire” (Triệu phú ổ chuột) bước lên đỉnh vinh quang với 8 giải Oscar. Tuy nhiên, ánh hào quang của nghệ thuật không thể che đậy một thực tế, ước mơ triệu phú sẽ mãi chỉ là một giấc mơ xa vời đối với các gia đình đang sống trong những khu ổ chuột tại Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới.
Ảo mộng triệu phú
Một góc khu ổ chuột Dharavi được coi là lớn nhất Châu Á.

Tận cùng của sự thật

Đạo diễn Danny Boyle chọn Mumbai, thủ đô kinh tế của Ấn Độ làm bối cảnh cho “Slumdog Millionaire”. Thành công lớn nhất của đoàn làm phim được ghi nhận bằng giải Oscar cho “Hình ảnh đẹp nhất”, khi những khung cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu của các khu ổ chuột được tô vẽ lung linh hơn nhiều lần so với hiện thực. Điều này có thể khiến các nhà điện ảnh hài lòng, nhưng với các nhà hoạt động xã hội thì không. Vẻ đẹp choáng ngợp ấy đã làm lu mờ đi một thực tại khốn khó của những khu ổ chuột, nơi nhiều gia đình đang vật lộn từng ngày vì miếng cơm manh áo.
Trên tạp chí Newsweek (Mỹ) số ra tháng 3 vừa qua, phóng viên Sudip Mazumdar viết: “Người ta ca ngợi bộ phim đã lột tả chân thực cuộc sống khu ổ chuột ở Ấn Độ, nhưng thực tế không phải như vậy. Khu ổ chuột là một cái cũi. Nó đánh cắp sự tự tin của bạn khi giáp mặt với những người giàu trong xã hội. Cuộc sống ấy đánh cắp sự tự hào, làm chết tham vọng, hạn chế óc tưởng tượng và làm tê liệt bước chân bạn mỗi khi bạn bước vào thế giới phù hoa. Tôi đã là một đứa trẻ đường phố và tôi biết chắc, những người sống tại khu ổ chuột chưa bao giờ từng mơ đến một cái kết kiểu cổ tích như vậy”.

25 năm kể từ khi rời khu ổ chuột tìm đến nước Mỹ, Sudip Mazumdar vẫn không thôi ám ảnh về những ngách nước đen ngòm, những đứa trẻ trầ‌ּn tru‌ּồng đi vệ sinh ngay ở lối đi, hàng dài phụ nữ đứng xếp hàng bên một vòi nước với những can nhựa cáu bẩn. Từ những năm 1960 cho đến nay, điều khác biệt duy nhất ở đây là sự xuất hiện của những chiếc tivi màu cũ kĩ.

Nigel Richardson, phóng viên ảnh của tờ Telegraph (Anh), đã quyết định tìm đến Mumbai sau khi xem xong bộ phim. Những bức ảnh ghi lại cuộc sống ngày thường của các gia đình ở khu ổ chuột Dharavi đã khiến ông sửng sốt: “Có hai Mumbai cùng tồn tại trong thành phố này. Một Mumbai của ngân hàng, nền công nghiệp truyền hình và các ngôi sao Bollywood. Ngay bên cạnh, là Mumbai nhếch nhác và nghèo đói của hàng triệu gia đình trong các khu ổ chuột”.
Sinh hoạt của người dân Ấn Độ trong các khu ổ chuột. (Ảnh: Telegraph)

Những bức ảnh của Richardson đặc tả các khu nhà mái lợp bằng bao tải, những rãnh nước lộ thiên. Người ta ném lên mái nhà hàng đống phế thải để tiết kiệm diện tích nhà ở và lấy lối đi lại. Trẻ con ngồi cả ngày trong những ngôi nhà nóng như lò nung, bên cạnh khung thêu chỉ để kiếm khoản thù lao bằng một cốc bia nơi thành thị. Nhiều phụ nữ và trẻ em lầm lũi đi dưới ánh nắng chói chang với những đống bỏng ngô hi vọng kiếm được 20 xu một ngày. Sự thật này đã dấy lên một làn sóng phản đối mãnh liệt của những người dân nghèo ở Ấn Độ. Họ cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương khi cuộc sống của mình dường như đã bị đoàn làm phim biến thành một sự chế nhạo.

Giấc mơ triệu phú?

Trong bài báo “Người Ấn Độ phẫn nộ về Slumdog Millionaire” đăng trên tờ Thời báo Los Angeles ra ngày 24/1, Mark Magnier cho rằng, sự phát triển nhanh chóng cả về kinh tế lẫn dân số của Ấn Độ đang đặt ra những câu hỏi lớn về cái giá mà những người bị bỏ lại đằng sau phải trả. Salman Ali (12 tuổi) là một trong hàng triệu nạn nhân đó. Ngày qua ngày, trong trang phục rách rưới, cậu bé ngủ dưới đường ống Mahim của thành phố Mumbai, kiếm vài USD mỗi tuần từ nhặt rác và ăn xin. Nhưng rất có thể, những đồng tiền xương máu ấy của em sẽ bị hội lưu manh cướp đi.
Cậu bé Salman Ali và cuộc sống thường ngày trong khu ổ chuột.

“Không thể phủ nhận một sự thật xấu xí là các khu ổ chuột vẫn tồn tại, khổ cực và nhơ bẩn. Người dân ở đó đang phải vật lộn với từng bữa ăn và chẳng hơi đâu nằm mơ một giấc mơ triệu phú”, phóng viên Mazumdar phân tích trên tờ Newsweek.

Người dân các khu ổ chuột ở Mumbai đều biết rất rõ rằng, thành công của “Slumdog Millionaire” sẽ sớm “bốc hơi” và người ta sẽ sớm quay lưng lại với những số phận nghèo khổ ở đây. Bộ phim không đủ sức thuyết phục để khiến họ tin vào những điều kì diệu. Họ sẽ tiếp tục đối diện với cuộc sống, như chị Lakshmi Nagaraj Iyer (26 tuổi), sống tại khu ổ chuột Dharavi nói: “Giàu có một cách bất ngờ và nhanh chóng là một con đường đi sai lầm. Câu trả lời đúng nhất phải là những cơ hội học tập và sự cần cù, chứ không phải một sự may mắn.”

Theo bản báo cáo “Nghèo đói và những khu ổ chuột ở Ấn Độ” ngày 17/4/2006 của tổ chức South Asia Analysis Group, trong khoảng 25 năm tới, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng gấp 3 lần các khu ổ chuột hiện nay. Nhà ở tại các trung tâm kinh tế lớn vẫn là bài toán khó giải nhất, bởi người dân tại các khu ổ chuột sẽ chỉ mơ về những ngôi nhà khang trang hơn nếu họ không phải vật lộn mưu sinh từng ngày trong các túp lều.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật