Tỉnh khẳng định tiếp tục thực hiện dự án lấn sông Đồng Nai

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiều 24/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã có thông cáo số 2071 về các vấn đề xung quanh dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” tại phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, khẳng định, trước khi dự án này triển khai, tỉnh đã thực hiện đúng theo các trình tự thủ tục.
Tỉnh khẳng định tiếp tục thực hiện dự án lấn sông Đồng Nai
Sơ đồ khu vực dự án lấn sông Đồng Nai của Công ty Toàn Thịnh Phát Đồ họa: N.Khanh

Theo thông cáo do ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký, dự án lấn sông Đồng Nai thuộc khu vực P.Quyết Thắng TP Biên Hòa do Công ty cổ phần - đầu tư - kiến trúc Toàn Thịnh Phát (gọi tắt là Công ty TTP) làm chủ đầu tư.

Thông cáo khẳng định, trước khi dự án này triển khai, tỉnh đã thực hiện đúng theo các trình tự thủ tục, khảo sát và lấy ý kiến của các cơ quan chức năng. Trước khi triển khai thực hiện dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hợp đồng với viện khoa học thủy lợi Miền Nam đánh giá tác động của dòng chảy theo mục tiêu kè lấn sông.

Việc UBND tỉnh Đồng Nai thỏa thuận cho Công ty TTP thực hiện dự án là đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền theo quy định.

“Không có nhà đầu tư, tỉnh vẫn bỏ tiền ra làm”

Theo hồ sơ, trước khi cho làm dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, từ năm 2009 UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động dòng chảy đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh (khu vực đang làm dự án) do viện thủy lợi và môi trường (Trường ĐH Thủy lợi) tư vấn, thẩm tra.

Kết quả nghiên cứu đánh giá việc “lấn sông 50m, 75m, 100m không làm thay đổi đáng kể thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không gây ảnh hưởng xấu...”.

Từ kết quả nghiên cứu dòng chảy, năm 2011 Công ty TTP đề nghị tỉnh Đồng Nai cho phép đầu tư dự án 8,4ha ven sông Đồng Nai.

Tháng 5-2014, sau khi Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai thẩm tra báo cáo đánh giá tác động môi trường, tỉnh Đồng Nai phê duyệt và có quyết định cho công ty này thực hiện dự án.

Trước băn khoăn của dư luận về dự án lấn sông sẽ làm thay đổi dòng chảy, trao đổi với Báo ngày 24-3, ông Trần Đình Minh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai - nói: “Dòng chảy chính lâu nay nằm ở bên ngoài. Nơi làm dự án lấn ra xa nhất gần 100m hoàn toàn không ảnh hưởng đến dòng chảy. Nếu ở độ cao chụp xuống toàn cảnh dòng sông sẽ thấy khu vực chấp thuận cho lấn sông hiện hữu là khu vực bờ sông cũ, không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Đồng Nai”.

Theo ông Minh, dòng chảy sông Đồng Nai được đánh giá vào năm 2009 với vận tốc nước mạnh hơn bây giờ rất nhiều nhưng để chặt chẽ, sở đã mời đơn vị chuyên ngành là viện thủy lợi và môi trường (Trường ĐH Thủy lợi) tiếp tục thẩm tra, thấy có cơ sở pháp lý vững chắc sở mới đồng ý cho làm dự án. “Nếu không có nhà đầu tư thì tỉnh Đồng Nai vẫn bỏ tiền ra làm” - ông Minh cho hay.

Không dừng dự án!

Trước ý kiến của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đề nghị phải dừng dự án, ông Trần Đình Minh nói: “Mỗi nhà khoa học đều có ý kiến khác nhau nhưng chúng tôi thấy vụ này không có gì ghê gớm. Vị trí dự án đang lấn ra sông Đồng Nai không làm thay đổi dòng chảy. Không chỉ dự án này, tỉnh Đồng Nai còn một số dự án chỉnh trị sông Đồng Nai cần phải kè lại nữa”.

Ông Lê Viết Hưng, giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cũng giải thích: “Không có cơ sở gì bảo chúng tôi dừng dự án này. Việc thẩm định có nhiều sở ngành với trình tự thủ tục chặt chẽ. Quy mô dự án 8,4ha thuộc thẩm quyền của tỉnh và cũng không có quy định nào trong trường hợp này phải báo cáo Bộ TN-MT”.

Trả lời việc này, ngày 24-3 ông Nguyễn Thành Trí - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - khẳng định: “UBND tỉnh cấp phép và thấy chủ trương này vẫn đúng đắn. Với quy mô dự án như vậy, chúng tôi khẳng định không có vấn đề gì. Sở dĩ người dân băn khoăn là vì người ta ngộ nhận dự án này là lấp sông Đồng Nai mà thôi...”.

Công trường thi công lấn sông Đồng Nai - Ảnh: Sơn Định

Dân còn băn khoăn

Tại nơi thi công, công nhân vẫn tiếp tục cẩu các khối đá, cho phun nước các dải đất đã lấn ra sông và lấp đất trên các đoạn cống mới thoát nước.

Nói về dự án này, ông Ngô Phước Sáng (chủ quán cà phê Cây Bàng) cho biết: “Nhiều tháng qua, dự án triển khai rầm rộ nhưng tôi chưa có thông tin rõ ràng về dự án. Chỉ biết đất đá đổ xuống và họ lấn ra sông hàng chục mét. TP Biên Hòa đâu thiếu đất nhưng sao người ta cho lấn sông để làm trung tâm thương mại?”.

Anh Dũng, một người sống nhiều năm ở đây đang ngồi uống cà phê ở gần nơi thi công, cũng nói: “Tôi nghe hàng xóm nói sau khi dự án lấn sông sẽ có nhà cao tầng, bộ mặt TP Biên Hòa sẽ đẹp hơn thì mừng. Việc lấn sông có gây tai họa như dư luận đang ồn ào không?”.

Trong khi đó, một cán bộ hưu trí ở P.Quyết Thắng cho hay: “Qua nghe tâm tư của dân, tôi biết dự án lấn sông chưa được chính quyền cơ sở thông tin đầy đủ cho người dân ở khu vực dự án và còn nhiều ý kiến khác nhau”.

Vì sao dân vẫn còn thắc mắc? Ông Huỳnh Phú Kiệt, chủ tịch HĐQT Công ty TTP, giải thích: “Chúng tôi đã đến UBND P.Quyết Thắng công bố công khai quy hoạch được duyệt, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư, có các cơ quan đoàn thể tham gia. Địa phương cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ và quan tâm đến hộ dân có đất bị quy hoạch”.

Tuy nhiên, ông Kiệt nói: “Trước ý kiến băn khoăn của dân, chúng tôi nhìn nhận lại và thấy rằng cách phối hợp với chính quyền cơ sở để thông tin cho dân biết công khai về dự án còn hình thức. Nói dân có nhiều người không biết đầy đủ về dự án này là chính xác. Vì vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ cùng chính quyền gặp gỡ dân để giải thích, nói rõ cho dân về dự án này”.

Theo ông Kiệt, trước khi thi công, công ty có mời các chuyên gia đầu ngành cùng viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, viện Kỹ thuật nhiệt đới bảo vệ môi trường, Hội Kiến trúc sư TP.HCM... để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện.

“Chúng tôi đã làm trình tự thủ tục dự án theo quy định và được các cơ quan chức năng cho phép mới thực hiện. Nếu các cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng dự án chúng tôi tuyệt đối tuân thủ” - ông Kiệt nói.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật