Cuối năm đi mua ‘đồ cổ’

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đi sắm Tết đón xuân người ta thường mong muốn “rinh“ về những món đồ đẹp, mới, tuy vậy không ít người hoài cổ, nhất là các bạn trẻ Đà Nẵng khi thấy hàng trăm món đồ xưa cũ được bày bán tràn ra vỉa hè chợ xuân đã háo hức như “bắt được vàng“.
Cuối năm đi mua ‘đồ cổ’
Khách xúm quanh chọn những món đồ xưa cũ.

Gặp lại ký ức

Mấy ngày qua, Chợ hoa Tết khu vực tượng đài 2-9 Đà Nẵng rực rỡ muôn sắc nhưng người tới mua còn thưa thớt lắm. Trong khi đó, những tấm bạt trải trên vỉa hè bày bán hàng trăm món đồ xưa cũ từ thượng vàng hạ cám thì chen chúc người xem. Trong số ấy, có những người đứng tuổi muốn tìm lại ký ức cũ của một thời, lại thấy có rất nhiều bạn trẻ. Nguyễn Thanh Hiếu (24 tuổi) nhanh tay "tậu" cho mình một chiếc bi-đông đựng nước thập niên 60 của thế kỷ trước với giá chỉ 300 ngàn đồng, hồ hởi cho biết: "Chiếc bi-đông này lớn tuổi hơn cả em, giờ chẳng ai còn dùng nữa nhưng trông nó độc đáo quá. Em xem phim thời chiến tranh thấy người ta hay dùng, thích lắm, tìm mua 3 năm nay không ra, vậy mà nay may mắn "chộp" được nó ở vỉa hè, đúng là quá hên".

Bên cạnh đó, anh Nguyễn Đức Triều (42 tuổi) thì "chộp" ngay được cái bàn ủi con gà với giá 800 ngàn đồng. Anh Triều kể, mấy chục năm trước có cái bàn ủi con gà đốt bằng than này là mơ ước của nhiều gia đình. Gia đình anh thì nghèo không có điều kiện mua, bây giờ có đủ kiểu bàn ủi điện, nhưng mà hình ảnh, ký ức về cái bàn ủi con gà này nó cứ in đậm trong đầu. Vô tình nhìn thấy nó, ký ức xưa ùa về, thế là anh nhanh chóng "chộp" lấy, chỉ sợ nó vụt qua tay người khác.

Bên cạnh những vật dụng nay chỉ để trang trí còn có những món đồ của hơn 50 năm trước vẫn sử dụng  được. Đó là chiếc máy đánh chữ từ năm 1960 giá chỉ 1 triệu đồng tuy đánh chữ được chữ mất. Đó là chiếc máy phát nhạc bằng dây cót từ 60 năm trước. Khi được biết chiếc máy này vẫn có thể phát nhạc rất nhiều người xúm lại lắng tai nghe những âm thanh thánh thót phát ra giữa vỉa hè phố thị ồn ã xe cộ. Ngạc nhiên thay, tuổi của chiếc máy nghe nhạc còn nhiều hơn hầu hết những người đang có mặt ở đây nhưng vẫn chạy ngon trớn, khiến ai cũng thích thú.

Anh Nguyễn Văn Hải (1966, trú 72/2- Lê Cơ, Đà Nẵng) chủ nhân của máy nghe nhạc kể, năm 2002 anh phải lặn lội vào tận Cần Thơ để mua lại của một bác nông dân. Thời điểm đó, chiếc máy được rao bán giá 8 triệu đồng, anh chỉ có 4 triệu đồng nhưng vẫn quyết định bắt xe đò vào Cần Thơ đặt tiền trước vì sợ người khác mua mất. Anh Hải phải ở lại đất Tây đô gần 1 tuần chờ vợ ở nhà xoay đủ 4 triệu đồng còn lại gửi vào anh mới rinh chiếc máy về được. Anh Hải bảo rất quý cái máy này nhưng phải bán thôi để kiếm tiền mua những món đồ khác. Vì đam mê đồ cũ nên 16 năm nay anh Hải phiêu bạt khắp nơi, nghe ngóng ở đâu có đồ cũ bán thấy ưng ý là tìm tới. Có những món đồ "kết" quá mà không đủ tiền anh phải nhịn ăn uống, thậm chí bán luôn chiếc xe máy đang đi để "ôm" về. "Tất cả cũng vì đam mê muốn sưu tầm chứ lời lãi gì những món đồ này mà mua đi bán lại"-anh Hải tâm sự.

Anh Hải đang khởi động chiếc máy nghe nhạc phục vụ khách.

Phải có duyên

Anh Ngô Viết Tiến (40 tuổi, trú kiệt 194 Điện Biên Phủ) cũng là người bày bán đồ xưa cũ tại vỉa hè khu vực chợ hoa bảo: "Dính vào mấy món này đừng có tính lời lãi, cơ bản là có duyên hay không". Anh Tiến kể, có lần bà bán đồng nát bảo trên Đại Lộc có chiếc đèn gió dù tuổi thọ hơn 50 năm nhưng được chủ lưu giữ y như mới. Nghe vậy anh Tiến liền "ba chân bốn cẳng" chạy lên, mầy mò dò đường mãi mới tìm được đến nhà thì chủ bảo vừa bán tức thời cho người khác. Còn bộ chóe 5 chiếc anh Tiến bảo mình phải lặn lội mãi lên Đức Cơ-Gia Lai, giáp biên giới Campuchia mới mua được của vị phó già làng. Bộ chóe này được người bản địa đựng rượu cần, đi liền cả bộ 5 chiếc gắn với thuyết ngũ hành, trên bình in hình 2 con rồng đuổi nhau, hình hạc rập (hai con hạc múa với nhau), mai bi (hoa mai vẽ trên nền chấm bi)...

Theo anh Tiến, sau gần 20 năm sưu tầm đồ cũ giờ đây anh đã sở hữu gần 500 món đồ thuộc "hàng độc". Xét về tiền bạc thì giá trị các món đồ này không lớn, chỉ từ vài trăm ngàn tới vài triệu đồng/món, tuy nhiên giá trị tinh thần của nó rất lớn. Vì máu sưu tầm đồ cổ, để có tiền mua những món mình chưa có, nhiều lần anh Tiến buộc phải bán đi những món đã kém hấp dẫn để được sở hữu món khác "độc" hơn. Lần đầu tiên đưa ra vỉa hè bán lại đúng dịp cận Tết, khi người ta háo hức mua sắm đồ mới, chính anh Tiến cũng thấy bất ngờ vì khách lại đông thế.

Với rất nhiều người đang chen lấn để chọn cho mình một món đồ cũ kỹ, bụi bặm, bạc màu thậm chí hoen ố mà về chức năng giờ nó dường như "vô dụng", nhưng về tinh thần thì có ý nghĩa lớn. Một cây  bút, chiếc điện thoại quay số, bật lửa, máy đánh chữ, ống nhòm, đèn măng sông... từng hiện diện trong đời sống của họ với bao kỷ niệm. Tìm đến những món đồ cũ này cũng là tìm về một góc của ký ức. Cái ký ức của một thời khi cuộc sống còn khó khăn, khi cái ăn còn chưa đủ. Bây giờ cuộc sống đã khá giả hơn, hàng ngàn món đồ hiện đại, tiện ích được thay thế, những món đồ ấy trở thành quá vãng, xa lạ. Và việc con người tìm về với nó cũng là một cách để không quên đi quá khứ, dù quá khứ ấy thật nhiều gian khó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật