Vì sao Mỹ vẫn hụt hơi trong cuộc truy đuổi IS

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhóm khủ‌ng b‌ố Nhà nước Hồi giáo vẫn cho thấy một khả năng bành trướng nhanh chóng bất chấp các đòn không kích dồn dập của lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu.
Vì sao Mỹ vẫn hụt hơi trong cuộc truy đuổi IS
Số thành viên của IS trong năm ngoái đã tăng gấp ba lần. Ảnh minh họa: PA

Hành động thiêu sống dã man viên phi công Jordan Moaz al-Kaseasbeh của Nhà nước Hồi giáo (IS) một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh báo về tốc độ phát triển nhanh chóng và sự tồn tại lâu dài của nhóm khủ‌ng b‌ố này. Nó đồng thời đặt ra nghi vấn quanh tính hiệu quả của những chiến dịch toàn cầu nhằm tiêu diệt bè lũ phiến quân.

Aaron David Miller, cây bút từ Foreign Policy, từng viết quá trình đấu tranh với IS nói riêng và các phần tử Hồi giáo cực đoan nói chung là "một cuộc chiến dai dẳng" bên trong một nền văn minh ngoài phương Tây nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp tới chính phương Tây.

Vụ hành quyết phi công xảy ra một năm sau khi IS xóa bỏ biên giới giữa Syria và Iraq bằng cách chiếm đóng một vùng lãnh thổ rộng lớn ở cả hai quốc gia này hay chặt đầu, tr‌a tấ‌n hàng trăm tù nhân nhằm phục vụ cho mục tiêu thành lập nhà nước Hồi giáo của chúng.

"Dù IS hiện không bành trướng mạnh mẽ như trước nhưng rõ ràng chúng vẫn tồn tại", Ayman al-Tamimi, chuyên gia từ Diễn đàn Trung Đông tại Philadelphia, nhận xét. IS "không có đối thủ tại những thành trì" ở Iraq và Syria vì thế nhiều khả năng chúng vẫn sẽ vững vàng trong ít nhất vài năm nữa.

Sức hút vẫn lớn

Tamimi và một số học giả khác cũng đồng tình cho rằng sự bền bỉ và sức hút của IS đối với các tân binh ở Trung Đông và phương Tây là điều đáng báo động.

Reuven Paz, chuyên gia về Hồi giáo, giảng viên tại Trung tâm đa ngành Herzilya của Israel, lại lo lắng về việc IS đang "cực đoan hóa nhanh chóng" một bộ phận cư dân trên khắp thế giới, "đặc biệt là cộng đồng Hồi giáo ở phương Tây và Arab". "Nhiều người trẻ chỉ ở độ tuổi 16, 17 dám bỏ nhà tới Iraq hay Syria để đầu quân cho chúng", ông cho biết thêm.

Năm ngoái, chính quyền Mỹ kịp thời ngăn chặn ba thiếu niên ở Colorado cùng hai anh em người Chicago đang trên đường tới Syria để gia nhập IS. Một phụ nữ ở Colorado tháng trước cũng bị tống giam với cáo buộc hỗ trợ khủ‌ng b‌ố khi gia nhập hàng ngũ của chúng.

Bất chấp sự tàn bạo được thể hiện trong những video hành quyết mà IS công bố, "một số người thậm chí vẫn có lối suy nghĩ ngây thơ rằng IS có giải pháp cho mọi vấn đề của họ", Paz bàn về làn sóng thanh thiếu niên gia nhập IS.

Nguy hiểm không kém các chiêu bài tuyển mộ thành viên là "khả năng mở rộng"  của IS, theo Tamimi. Nhóm phiến quân này hiện vẫn kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng tương đương nước Bỉ, bất chấp thất bại gần đây ở thị trấn biên giới chiến lược Kobani.

Các chi nhánh có mối quan hệ hoặc mong muốn liên kết với IS nhanh chóng được thành lập ở nhiều quốc gia, điển hình  như nhóm Ansar Beit al Maqdis tại vùng Sinai, Ai Cập, hay phe nổi dậy đứng sau cuộc nội chiến ở Libya. Những tổ chức mới này có thể chưa gây ảnh hưởng bằng IS nhưng khao khát được đứng dưới là cớ đen của chúng cho thấy rõ ràng thứ ý niệm về việc thành lập ’một nhà nước Hồi giáo thuần khiết" mà IS gieo rắc đang sinh sôi, theo Foreign Policy.

Bên cạnh đó, làn sóng chiến binh nước ngoài đổ tới Iraq và Syria để gia nhập IS cũng chưa có chiều hướng ngừng lại. Tamimi dự đoán nó có thể "kéo dài cả thập kỷ".

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ước tính mùa xuân năm ngoái, nhóm có khoảng 20.000 đến 30.000 thành viên, tăng gấp ba lần so với năm trước đó. vũ khí cũng như chiến lược khủ‌ng b‌ố của chúng cũng tinh vi hơn. Hệ tư tưởng cực đoan của IS, dù bị nhiều lãnh đạo Hồi giáo khước từ và lên án kịch liệt, vẫn tiếp tục thu hút vô số người trẻ đi theo. Họ còn tự nhận mình là tầng lớp tiên phong đại diện cho một nhà nước Hồi giáo mới.

"Bên ngoài biên giới của ta, IS đang cố gắng truyền những cảm hứng về Hồi giáo cực đoan nhằm dụ dỗ các tay súng tới chiến đấu cho chúng hay làm theo những chỉ dẫn khủ‌ng b‌ố của nhóm này", Fred Fleitz, thành viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách An ninh, cựu chuyên gia phân tích CIA, đánh giá. "Xét về khả năng tồn tại lâu dài, IS dường như vẫn thể hiện một sức mạnh áp đảo", Fleitz nói. "IS sẽ tiếp tục hiện diện như một mối đe dọa chỉ đến khi nào lực lượng bộ binh được gửi tới để trấn áp chúng", ông cho hay.

Không kích là chưa đủ

Chiến đấu cơ của Jordan hôm 4/2 chuẩn bị cất cánh từ một căn cứ quân sự ở Azraq để tiến hành không kích IS. Ảnh:  AP

Sự tàn bạo đáng sợ của IS khi thiêu sống viên phi công Jordan khiến nước này phải đẩy mạnh các chiến dịch oanh tạc để đối phó với chúng. Theo Reuters, quân đội Jordan trong ba ngày đã tiến hành 56 lượt không kích dữ dội vào các căn cứ và kho vũ khí của IS ở Syria. hành vi dã man của chúng cũng gây nên một làn sóng biểu tình giận dữ ở Amman, thủ đô Jordan, cũng như các quốc gia Trung Đông khác.

Mỹ trong những tháng tới sẽ gửi 400 lính đến  khu vực để huấn luyện phe phiến quân theo đường lối ôn hòa ở Syria chống IS. Tuy nhiên, dường như tất cả vẫn là chưa đủ trước sức mạnh ngày càng tăng tiến của tổ chức khủ‌ng b‌ố này. Nhiều học giả phương Tây từng lên tiếng cảnh báo cách duy nhất để đánh bại IS là gửi bộ binh tới chiến đấu ở Iraq và Syria.

"Thực tế, điều tốt nhất có thể làm đó là can thiệp quân sự, không chỉ với các cuộc không kích mà còn bằng lực lượng quân đội trên bộ", Daily Express dẫn lời ông Giorgio Bertolin từ Khoa Nghiên cứu Quốc phòng tại Đại học Hoàng gia London nhận định. "Tuy nhiên, sau những gì diễn ra ở Iraq và Afghanistan, khả năng điều đó xảy ra là cực kỳ hiếm. Tiến hành oanh tạc là một lựa chọn khả dĩ bởi như thế sẽ không có người lính nào phải hy sinh trên chiến trường", ông nói thêm.

"Khuyến khích các quốc gia khác trong khu vực điều động bộ binh sau đó phương Tây hỗ trợ bằng các chiến dịch không kích cũng là một phương án có thể tính đến", Bertolin đề xuất. Tuy nhiên, theo ông, bản thân cách này cũng có vấn đề bởi bạn khó lòng thuyết phục một nước nào đó chấp nhận điều quân, hy sinh trên chiến trường trong khi mình chỉ giúp đỡ từ xa.

Ông Bertolin nhấn mạnh, nếu không thể điều quân, IS vẫn sẽ tiếp tục củng cố ảnh hưởng và gia tăng sức mạnh ở Trung Đông. Trong trường hợp này, hậu quả sẽ "vô cùng thảm khốc", ông nói và thêm rằng không sớm thì muộn phương Tây vẫn phải gửi bộ binh, khi đó, tình cảnh sẽ tồi tệ hơn gấp nhiều lần.

Ông Lord Dannatt, cựu chỉ huy quân đội Anh, cũng đồng tình với suy nghĩ của Bertolin. Ông cho rằng các lãnh đạo phương Tây cần "tính đến cả những điều không tưởng" và nên gửi quân đội tới chiến đấu chống IS bởi các chiến dịch dội bom thật sự không đủ mạnh.

Có lẽ dân chúng và giới chính trị gia sẽ không đồng tình với ý tưởng này nhưng ta phải luôn để ngỏ mọi phương án nếu thật sự nghiêm túc với mục tiêu diệt trừ hoàn toàn IS, ông Dannatt nói. Tamimi có lẽ cũng chia sẻ tầm nhìn này khi tuyên bố ông "không lạc quan về khả năng tự giải quyết khủng hoảng của các quốc gia Trung Đông".

Bản đồ khu vực Trung Đông. Đồ hoạ: New York Times



Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật