Thực hư những vũ khí của IS có khả năng bắn hạ máy bay liên quân

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố vào sáng ngày 24/12 đã bắn rơi chiến đấu cơ F-16 và phi công đã bị bắt giữ. Phía IS tuyên bố, tổ chức này đã bắn hạ máy bay bằng một tên lửa tầm nhiệt. Tuy nhiên, Mỹ quả quyết “bằng chứng rất rõ cho thấy“ thông điệp của IS không đúng.
Thực hư những vũ khí của IS có khả năng bắn hạ máy bay liên quân
IS nói họ sở hữu những tên lửa phòng không vác vai do Nga sản xuất. Ảnh: Daily Mail

Chiếc F-16 của nước này là máy bay đầu tiên của liên quân rơi xuống vùng lãnh thổ do IS kiểm soát, kể từ khi chiến dịch không kích bắt đầu vào tháng 9.

Cuối tháng 12/2014, các tay súng IS đã bắt sống phi công người Jordan, Moaz al-Kasassbeh, sau khi máy bay F-16 của anh rơi gần thành phố Raqqa, Syria trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ không kích tiêu diệt IS. Kasassbeh là binh sĩ nước ngoài đầu tiên rơi vào tay IS sau khi Mỹ khởi xướng chiến dịch không kích quốc tế tiêu diệt tổ chức Hồi giáo cực đoan này.

Bộ trưởng Thông tin Jordan, ông Mohammad Momani, nói với AP rằng khả năng IS bắn rơi máy bay là điều có thể xảy ra "vì chúng tôi đã thấy lửa bốc cháy dữ dội dưới mặt đất. Tuy nhiên, việc xác nhận gặp khó khăn vì chúng tôi không có nhiều thông tin".

Theo AP, phiến quân IS tuyên bố họ sở hữu những tên lửa phòng không vác vai Igla do Nga sản xuất. Quân đội Iraq và Syria cũng từng sử dụng loại tên lửa vác vai này. Binh sĩ Iraq đã bắn tên lửa Igla để hạ gục một máy bay Tornado của Anh trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

Các chiến binh IS tuyên bố bắn hạ máy bay chiến đấu của Jordan và bắt phi công làm con tin. Ảnh: IBTimes

 

Báo Washington Post cho biết, cuối tháng 10/2014, Mỹ thông báo triển khai trực thăng AH-64 Apache để tiêu diệt các mục tiêu IS ở Iraq. Vài ngày sau, IS ban hành bộ chỉ dẫn bắn hạ máy bay này trên mạng. Tài liệu đề cập đến việc sử dụng những tên lửa đất đối không vác vai do Nga sản xuất như SA-16 và SA-18 (cách NATO định danh những biến thể của tên lửa Igla), hoặc FIM-92 Stinger, để hạ gục trực thăng tấn công.

Giới quan sát cho rằng IS cũng có thể gia tăng khả năng phòng không bằng việc chiếm đoạt những tên lửa tầm trung từ những nhóm quân đội chính phủ Syria. Ngoài ra, IS cũng từng công bố một tấm hình vào tháng 9/2014 để khẳng định phiến quân đã bắn rơi một trực thăng Mi-35 của quân đội Iraq bằng tên lửa vác vai FN-6 của Trung Quốc.

Máy bay Mi-35 do Nga chế tạo có nhiều điểm tương đồng với trực thăng Apache ở chức năng phát hiện và đáp trả tên lửa kẻ thù. Khả năng bắn trúng mục tiêu của tên lửa SA-18 là các máy bay ở độ cao 18.000 feet (khoảng 5,4 km).

Phiến quân IS trưng bày công khai những phần trong xác máy bay của Jordan mà họ tuyên bố bắn rơi. Ảnh: Daily Mail

Do vậy, về lý thuyết, khi trực thăng Apache hoặc những máy bay hoạt động tầm thấp khác (như máy bay vận tải C-130 dùng để tiếp tế cho quân đội người Kurd và quân đội Iraq trong khu vực) đã rơi vào vùng tấn công của tên lửa. Trên thực tế, cả máy bay C-130 và Apache đều trang bị hệ thống phản kích bằng tên lửa tầm nhiệt để hạ gục tên lửa đối thủ.

Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận, cũng không phủ nhận, việc IS đang sở hữu những tên lửa vác vai có thể bắn rơi máy bay, chỉ cho biết chính phủ "đang xác minh những tuyên bố này".

Trong vụ phi công Jordan bị bắt làm con tin, quân đội Mỹ khẳng định máy bay của anh rơi không phải do IS bắn hạ mà là do trục trặc kỹ thuật. "Những bằng chứng của chúng tôi thu thập cho thấy IS không bắn rơi máy bay như tổ chức này tuyên bố", Bộ chỉ huy trung ương Mỹ cho biết.

Giới quan sát cũng hoài nghi việc IS có thể bắn rơi một chiếc F-16. Họ cho rằng nếu thực sự IS đạt được khả năng này thì phiến quân đã đăng hình ảnh, video rầm rộ để khoe khoang về chiến tích như những lần trước đây, chứ không chỉ là những hình ảnh bắt phi công làm con tin và nhặt xác máy bay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật