Nghề bán báo cho Tây

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Hello! Newspaper?”- bằng giọng tiếng Anh bồi, anh Nguyễn Văn Tốt (ngụ Q.4) dõng dạc cất tiếng rao với đoàn khách Tây trên đường Đồng Khởi, Q.1. Lật đống báo bày bên vệ đường, anh nhanh tay bốc tờ Time đưa cho một khách đang kéo vali qua.
Nghề bán báo cho Tây
Anh Tốt chờ khách đến mua báo

Lúc gặp chúng tôi, anh Tốt đang như con thoi bán báo cho khách. Hai thập kỉ qua, những tờ báo ngoại văn đủ sắc màu anh bán đã níu chân bao khách nước ngoài. Tận dụng không gian thụt vào lề đường là góc tường giao nhau giữa hai cửa hiệu, anh Tốt bày báo bán trực tiếp trên nền đường tại góc ngã ba Nguyễn Thiệp- Đồng Khởi (Q.1,TP.HCM). Khách ngang qua “quầy báo” chỉ cần xem rồi chỉ cho anh lấy tờ họ muốn mua.

Thương hiệu báo “mang đi”

Cạnh bên “quầy báo” anh Tốt là “quầy báo” vệ đường của anh Cường. Hỏi bán ở đây từ bao giờ, anh Cường bảo mình có thâm niên hơn đồng nghiệp khi đã bán được gần 25 năm.

Nhìn cách họ sắp báo để bán mới thấy sự tỉ mẩn, chuyên nghiệp không kém bất kì sạp báo lớn nào ở Sài Gòn. Từng tờ báo được hai anh bọc bao ni-lông trong suốt giúp khách hàng có thể nhìn rõ trang bìa sặc sỡ và măng-sét của các ấn phẩm. Việc bọc bao nhựa bên ngoài cũng giúp tờ báo chống bụi và nước thấm vào.

Có thể tìm thấy ở những quầy báo d‌ã chi‌ến dọc đường Đồng Khởi này các tờ báo ngoại văn nổi tiếng. Từ tuần báo Time (Mỹ) với ảnh bìa được in trên nền trắng, viền đỏ, măng- sét màu đen đến tờ tạp chí danh tiếng National Geographic nổi bật với hình bìa là ảnh động vật nằm trong khung viền vàng, măng-sét trắng. Mỗi tờ báo mang đến một chủ đề nổi bật trong dòng chảy thông tin diễn ra hàng ngày, hàng tuần.

Cuộc trò truyện của chúng tôi với anh Cường, anh Tốt bị ngắt quãng liên hồi mỗi, khi khách tấp vào mua. Có những khách hàng cao lớn, tóc vàng mắt xanh lịch sự trong bộ đồ vest thắt cà-vạt,  dừng bước lấy  tờ Time cắp nách, một tay cầm di động nghe, một tay xách cặp táp nặng trĩu. Có những chị em chân dài, xinh đẹp, trẻ trung từ tốn ngồi xuống để xem qua các ấn phẩm bày bán trước khi chọn cho mình những tờ tạp chí yêu thích từ Cosmopolitan đến Vogue số mới nhất.

Trò chuyện với Sarah- quốc tịch Mỹ khi cô ngồi xuống mua  tờ National Geographic ở quầy anhTốt, cô cho biết mua tờ này vì những hình chụp động vật rất đẹp. Mấy tờ khác như Wall Street Journal đã được phát trong khách sạn và lúc trên máy bay. “Giờ nhiều người đăng kí trả phí trên iPad là đọc được, nên ít người mua báo in”- Sarah nói.

Âu đó cũng là xu thế hiện nay, tuy nhiên quầy báo ngoại văn của anh Tốt vẫn luôn đắt khách do đường Đồng Khởi (Q.1) là trục giao thông tập trung đông người nước ngoài đi bộ. Anh Tốt cho biết ở Sài Gòn  còn khu đường Phạm Ngũ Lão cũng bán báo ngoại văn rất nhiều.

 

Quầy báo ngoại văn d‌ã chi‌ến trên đường Đồng Khởi

Ngồi ở góc phố này chúng tôi cảm nhận rõ dòng người vồn vã di chuyển giữa trung tâm Sài Gòn năng động. Giao tiếp giữa bên bán và mua trở nên kiệm lời và đơn giản đến mức tối giản. Câu thường xuyên vẫn là “How much?” (Bao nhiêu?) rồi hoặc là khách không mua hoặc họ trả tiền và cầm vội tờ báo bước đi. Thương hiệu báo “mang đi” góc đường Đồng Khởi ra đời đồng hành với đất nước thời mở cửa, hội nhập.

Gian truân với nghề

Để cập nhật dòng tin quốc tế, người bán báo ngoại văn phải túc trực ở quầy báo gần như cả ngày. Anh Tốt cho biết mỗi ngày anh nhận báo từ những người giao, chở bằng xe máy đến vào 3 cữ: sáng- trưa- chiều.

Nguồn báo ngoại văn phong phú nhờ Sài Gòn ngày nay tập trung lượng lớn người nước ngoài sinh sống, làm việc. Nguồn báo chính là của người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam mua qua kênh đặt báo dài hạn của các tòa báo và tạp chí. Họ lấy báo và cung cấp cho cấp trung gian là người  phân phối. Những người này sau đó sẽ chở báo đến những người bán như anh Tốt và anh Cường.

 

Anh Cường tỉ mẩn bọc báo trong túi ni- lông trong để dễ bảo quản

Nhờ khâu phát hành này, báo ngoại văn được cập nhật liên tục số mới với những sự kiện quốc tế nóng hổi xảy ra giúp độc giả tại Việt Nam tiếp cận kịp thời. Tuy nhiên những tờ báo phát hành hàng ngày (daily) như New York Times hay Wall Street Journal do không in ở Việt Nam nên phải trễ một ngày mới đến tay bạn đọc. Còn những tờ báo ra hàng tuần (weekly) như Time hay The Economist luôn có mặt kịp thời gần như cùng lúc với các nước trong khu vực.

Anh Tốt cho biết, bán báo lề đường rất cực. Túc trực ở nơi bán đồng nghĩa việc họ không có chỗ nghỉ ngơi, phải đứng ngồi liên tục để chào mời khách mua báo. Bữa ăn trưa của anh gần hai chục năm qua chỉ là cơm hộp, ăn qua loa để kịp bán tiếp.

Khi vãn khách, anh Tốt kéo chúng tôi ngồi xuống một góc bên đường để chia sẻ thăng trầm đời anh. Anh kể nhà mình ở Q.4, trước đạp xích lô trên đường Đồng Khởi. Sau thấy mình ngày càng lớn tuổi không còn sức đạp pê-đan, sẵn vốn tiếng Anh khá, anh chuyển sang nghề “tri thức” hơn là bán báo ngoại văn. Anh tự hào rằng chính quầy báo d‌ã chi‌ến của mình đã giúp gia đình trang trải suốt mười mấy năm qua.

Hỏi về kỉ niệm với nghề, anh Cường và anh Tốt đều cho biết bán báo khiến mình bị đẩy theo dòng chảy thông tin. Các anh kể nhớ nhất là lần Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York-Mỹ bị bọn  khủ‌ng b‌ố tấn công vào ngày 11-9-2001. Hôm sau đó mấy tờ như Le Monde (Pháp), New York Times, Wall Street Journal (Mỹ) bán đắt như tôm tươi. “Tôi không còn báo bán- phải nhờ người ta giao thêm. Đó là lần chúng tôi bán được nhiều tờ nhất trong ngày”, anh Tốt chia sẻ.

 

Anh Cường giới thiệu các ấn phẩm báo cho khách

“Ấn tượng nhất là trang bìa tờ New York Times khi đó với ảnh  tòa tháp bốc khói. Nhìn rất ám ảnh . Hy vọng Thế giới đừng xảy ra những chuyện đau lòng như vậy nữa”, anh Tốt nói.  Các anh chia sẻ, giờ đây thấy mình lớn tuổi, con cái cũng đã có công ăn việc làm. Đôi lúc muốn nghỉ bán báo để hưởng nhàn tuổi già, nhưng ở nhà lại “ngứa chân ngứa tay”, mất đi niềm vui lao động.

Sài Gòn vẫn vồn vã. Trên từng góc phố, con đường hàng ngày,  những người như anh Tốt, anh Cường đang góp phần xây nên bức tranh về một thành phố trẻ đầy năng lượng.

 

Dòng người ngược xuôi thường ghé mắt lướt qua "quầy" báo và mua những tờ mình thích

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật