Mùa hương trầm xứ Phủ Qùy

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp trở lại Quỳ Châu - vùng đất miền Tây xứ Nghệ từ lâu vốn đã nổi tiếng với nghề làm hương trầm.
Mùa hương trầm xứ Phủ Qùy
Xếp hương vào kho

Cứ vào dịp xuân sang, Tết đến lên xứ Phủ Qùy này mùi hương trầm ngan ngát lan tỏa cả một vùng rộng lớn, hương trầm Qùy Châu đã trở thành một "đặc sản” mà ai đi qua cũng muốn dừng chân mua một ít làm quà. Hương trầm ở Quỳ Châu vốn đã có từ lâu, với nghề độc đáo này đã làm nên sự nổi tiếng của một vùng đất xa xôi hẻo lánh trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Công phu nghề hương
Để có những búp hương trầm thơm ngát, những người làm hương phải cầu kỳ chọn lựa nguyên liệu rất kỹ. Ngay từ mùa hè, họ đã đi khắp vùng để đặt mua rễ cây hương bài (một loại cây thuộc loài thảo mộc, lá dài xanh ngắt thường mọc thành từng bụi, từng đám lớn ven khe suối hay trên sườn đồi dưới những tán lá rậm ẩm mát để làm nguyên liệu chính). Với bộ rễ chùm dày, đưa về phơi khô nghiền nát thành bột và có mùi thơm dịu.
Để tìm hiểu thêm về nguồn gốc của nghề hương trầm, chúng tôi tìm về làng nghề hương trầm thuộc khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến được một cơ sở sản xuất có tiếng trong nghề hương trầm. Vào cơ sở sản xuất Thân Hương, hình ảnh đầu tiên là không khí làm việc hối hả của các "thợ hương”, phía sân vườn là hàng ngàn sản phẩm vừa làm ra đã được hoàn thiện qua công đoạn đóng thành từng thùng chờ ngày xuất đi. Cạnh đó là vài ba cây hương đang cháy ngu‌n ngút tỏa ra mùi thơm êm dịu lan tỏa khắp nơi. Bà Lê Thị Hương, chủ cơ sở sản xuất Thân Hương cho biết: "Làm cái nghề này không phải nhọc nhằn chi cho lắm, không giống như đào đất, cắt gỗ … nhưng đòi hỏi phải kiên trì, cầu kỳ; đặc biệt là phải nắm và làm đúng kỹ thuật; thời gian chuẩn bị nguyên vật liệu cũng đòi hỏi rất lâu dài, đến cả năm trời. Thời gian đóng từ nguyên vật liệu thành sản phẩm hoàn chỉnh cũng rất quan trọng và tốn nhiều thời gian vì phải làm từ từ, từng que hương một, và làm theo thứ tự từng bước một chứ không thể bỏ qua bước nào, cũng không thể làm vội vàng vì như thế sản phẩm sẽ không đẹp, không thơm, không đạt tiêu chuẩn…”.
Theo những người dân của làng nghề thì nguyên liệu quan trọng nhất làm nên cái chất của mùi hương trầm chính là cây rễ hương có nhiều trên địa bàn, được chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc phơi khô, bảo quản ngay từ giữa mùa hè. Ngoài ra, trong nguyên liệu làm hương trầm còn có thảo quả, hoa hồi, quế chi, trầm xơ, bã mía và một vài thứ phụ gia đặc biệt được giữ kín khác. Phần lớn những thứ nguyên liệu trên đều có sẵn trong vùng. Duy chỉ có thảo quả là phải nhập từ Lạng Sơn, Cao Bằng. Tất cả mọi thứ phải đều phơi khô, xay nghiền thành bột mịn, trộn đều với nhau theo tỷ lệ nhất định thì mới cho ra bột hương đúng liều lượng. Sau đó, người ra dùng cây nứa rừng (cũng là đặc sản của vùng), tùy theo kích thước từng loại hương, chủ cơ sở sẽ cưa cây nứa với kích thước phù hợp rồi đem ngâm nước từ 3-4 tháng, phơi khô, sau đó chẻ nhỏ làm chu (que hương). Chu được phơi nắng thật khô, theo một kỹ thuật nhất định. Đây là bí quyết cực kỳ quan trọng để cây hương cháy đều, tàn hương sau khi cháy còn nguyên, với dáng uốn cong như lò xo tạo thành hình con số 6 tượng trưng cho cái lộc mùa xuân tràn về với mọi nhà. Việc chuẩn bị "chu” làm hương được hoàn tất từ nhiều tháng trước, phơi khô nhuộm phẩm đỏ ở phần gốc. Người dân ở đây thường chuẩn bị hàng trăm ngàn đến hàng chục triệu thanh Chu cho cả một mùa làm hương trầm.
Mùa xuân… mùa hương trầm
Hàng năm cứ đến mấy tháng giáp Tết từ đầu tháng 10 đến chừng 24, 25 tháng 12 âm lịch là mùa quấn hương tấp nập nhất, nhà nhà quấn hương, người người làm hương. Nhà nào không có cơ sở sản xuất thì đi quấn thuê cho các cơ sở khác. Lao động ở đây chủ yếu là phụ nữ, và phần nhiều là những phụ nữ dân tộc Thái, vào mùa này cũng nhàn rỗi nên các chị, các bà trong các bản làng như Minh Tiến, Hủa Na… kéo nhau ra làng nghề tìm chỗ làm thuê kiếm tiền sắm đồ trong dịp Tết. Chị Đoàn Thị Ngọc Diệp - nghệ nhân quấn hương thâm niên tại cơ sở sản xuất Thân Hương cho biết: "Mỗi ngày tôi có thể quấn được trên dưới 3.000 cây hương, tương đương 180.000 đồng/ngày công. Vì những "nghệ nhân” đi quấn thuê như mình là người làm công ăn lương theo sản phẩm nên thời gian làm công do cá nhân tự sắp xếp, khi nào rảnh thì tranh thủ đi quấn, có thể làm thêm buổi đêm”.

Chiều cuối đông. Con đường nhỏ quanh co qua các ngõ hẻm của làng nghề hương trầm nghi ngút khói hương tỏa mùi thơm ngào ngạt bao trùm khắp ngôi làng; ở đó các "nghệ nhân” vẫn đang miệt mài với công việc quấn hương của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật