Lễ hội Thổ Hà, “đến hẹn lại lên”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là một vùng đất giàu văn hóa của Kinh Bắc xưa (nay là Bắc Giang), Thổ Hà không chỉ thu hút du khách bằng những mảng tường sành, những ngôi đình cổ, những nghề truyền thống mà còn bởi những nét đẹp phi vật thể được gìn giữ lâu đời, trong đó có Lễ hội Thổ Hà mà dân gian vẫn quen gọi là hội “Đến hẹn lại lên” được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm.
Lễ hội Thổ Hà, “đến hẹn lại lên”
Liền chị Thổ Hà chuẩn bị vào hội. Ảnh: BẮC GIANG

Thổ Hà là một trong những làng quê hiếm hoi của Bắc Bộ vẫn còn giữ được nguyên vẹn những công trình văn hóa tâm linh, nơi diễn ra các hoạt động hội hè là đình-chùa-từ chỉ: Đình Thổ Hà đã từng được chính quyền thực dân Pháp xếp hạng trong viện bảo tàng Bác Cổ Đông Dương, sau giải phóng được Nhà nước ta xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa. Chùa Thổ Hà (Đoan Minh Tự) là một công trình văn hóa tiêu biểu - một danh lam cổ tích tuyệt thế qua 5 thế kỷ vẫn sừng sững vẹn nguyên như thách đố thời gian. Còn từ chỉ Thổ Hà được kết cấu theo kiểu con chồng kẻ chàng, không chạm khắc. Từ chỉ làng Thổ Hà được xây dựng với mục đích phát huy truyền thống hiếu học, lưu danh những người đỗ đạt để tôn vinh và cho con cháu đời sau noi gương.

Lễ hội Thổ Hà còn giữ gìn được nhiều trò chơi dân gian và hiện đại như chọi gà, bơi chải, chèo thuyền bắt vịt, đấu cờ tướng… luôn thu hút đông đảo du khách theo dõi. Các hoạt động thể thao mới như cầu lông, bóng bàn cũng được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Năm nay, Thổ Hà không tổ chức hội lớn. Ấy thế mà cũng như tôi, nhiều người từng biết đến hội Thổ Hà vẫn ghé về. Hội Thổ Hà khiến ai đã một lần tham gia không thể quên bởi không khí tế lễ trang nghiêm, những màn đấu trí tại bàn cờ gay cấn, những rộn ràng tưng bừng dọc hai bờ sông cổ vũ bơi chải, chèo thuyền bắt vịt… Nhưng có lẽ, cái vương vấn nhất của Lễ hội Thổ Hà đối với du khách là những làn điệu quan họ thiết tha, tình tứ. Phải chăng vì thế mà ta còn quen gọi Lễ hội Thổ Hà là hội “Đến hẹn lại lên”?

Thổ Hà là một trong các làng quan họ gốc của Kinh Bắc. Mỗi năm, gần đến ngày làng mở hội, các liền anh, liền chị quan họ có cơi trầu sang làng Diềm (Quả Cảm - Yên Phong - Bắc Ninh) để xin phép bà chúa quan họ và có lời mời liền anh, liền chị quan họ làng Diềm (nơi kết nghĩa với Thổ Hà) về dự hội và ca hát. Ngoài làng Diềm, quan họ ở nhiều nơi khác cũng đến Thổ Hà cùng vui chơi, dự hội với dân làng trong những ngày đầu xuân. Trong hội Thổ Hà, các liền chị, liền anh chỉ hát các làn điệu quan họ cổ. Một hội hát quan họ Thổ Hà có thể dài hoặc ngắn, đôi khi kéo dài 2-3 ngày. Một canh hát thường có ba chặng. Chặng một dùng hình thức hát mời, theo kiểu lề lối. Qua những làn điệu, lời ca hát tái hiện cuộc sống đầm ấm, những sinh hoạt đặc sắc của vùng châu thổ Sông Hồng, giàu truyền thống và trữ tình. Chặng thứ hai là chặng vặt, sử dụng các điệu hát thông thường. Chặng thứ ba là chặng giã, giọng hát lưu luyến trữ tình, như níu kéo, hẹn ngày tái ngộ.

Sau những canh hát trên sông, quan họ được chuyển về đình làng, lại tiếp tục các canh hát thâu đêm. Có một điều đáng quý là quan họ Thổ Hà chỉ hát phục vụ du khách, bà con chứ không kinh doanh. Vì vậy, ở đây không hề có chuyện mời chào, chèo kéo du khách, không hề có chuyện ngã giá-trả tiền. Chủ nhà mến người khách yêu quan họ thì mời nhau miếng trầu, tặng nhau câu hát. Khách thì trọng người chủ biết giữ duyên quan họ cổ truyền. Chủ- khách nên duyên nhờ câu dân ca, trân trọng nhau như nghĩa quan họ. Chả thế, nhiều người vẫn bảo nhau: quan họ Thổ Hà thanh khiết và đằm thắm.

Và như thế, hỏi sao sau mỗi mùa hội, trở về, lòng khách lại chẳng lâng lâng nhớ thương, mong chờ đến ngày hội năm sau, để “đến hẹn lại lên”.
QDND
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật