Đếm ngược đại lễ Thăng Long, càng gần càng lo

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lo lắng, sốt ruột và không ít hoài nghi… là tâm trạng của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu trước sự gần như “án binh bất động” của Hà Nội khi đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cận kề.
Đếm ngược đại lễ Thăng Long, càng gần càng lo
Chú thích ảnh: Tượng đài Lý Thái Tổ, một công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Ảnh: Đức Long

“Tiến độ quá chậm” là nhận xét chung về tiến trình chuẩn bị cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đạo diễn Lê Quý Dương, người từng thành công với việc phục dựng nhiều lễ hội không giấu nổi sự lo lắng: “Đến giờ, tôi vẫn chưa biết họ sẽ làm những gì”.

500 ngày chạy đua với nghìn năm

Chung nỗi lo với đạo diễn Lê Quý Dương, nghệ sĩ Đào Anh Khánh nói: “Chỉ còn hơn 500 ngày nữa, nhưng tôi vẫn thấy một sự yên ắng, không chút gì gọi là không khí chuẩn bị cho đại lễ. Tôi cũng chưa thấy gương mặt, dự án nghệ thuật nào lộ diện, tất cả mới dừng ở những lời nói”.

Theo Đào Anh Khánh, đại lễ 1.000 năm Thăng Long là một sự kiện có quy mô lớn, đòi hỏi nhiều công sức và tâm huyết may ra mới làm nổi điều gì đó tương xứng với tầm vóc của nó. “Mỗi lần đi qua hồ Hoàn Kiếm, nhìn bảng đồng hồ hiển thị số ngày đếm ngược, tôi sốt ruột và lo lắng vô cùng. Tôi nghĩ, để những con số đó có ý nghĩa với người dân Hà Nội, thành phố Hà Nội cần bắt tay vào ngay”, nghệ sĩ này bức xúc.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, viện Văn hóa nghệ thuật cho rằng, đại lễ này cũng là của người dân, thế nhưng từ trước đến nay, những sự kiện tương t‌ּự vẫ‌ּn làm theo một mô-típ rất cũ, đó là dựng sân khấu với những tiết mục ca múa nhạc. “Tôi cũng hình dung ra cả màn đánh trống hội nữa. Thực chất trống hội Thăng Long mà chúng ta vẫn nghe trong một số năm gần đây là một sự bắt chước theo phong cách đánh trống của Hàn Quốc và Nhật Bản với dàn nhiều trống và lối đánh đơn giản. Trong khi đó, kỹ thuật đánh trống của Việt Nam rất hay và đa dạng thì chúng ta lại không phục hồi”, ông nói.

Nghệ sĩ nổi tiếng của nghệ thuật đương đại Đào Anh Khánh trăn trở khi nhận ra, rất có thể, đại lễ với dòng chảy lịch sử nghìn năm Thăng Long sẽ buồn tẻ, cũ kỹ vì thiếu hơi thở của thời đại và hình ảnh của đất nước trong tương lai, khi những nghệ sĩ như anh vẫn có cảm giác mình nằm ngoài cuộc chơi. Anh chua xót: “Nếu không nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, đại lễ cũng sẽ không khác gì nhiều sự kiện mà Nhà nước làm trước đây”.

Lê Việt Long, một người Hà Nội trẻ cũng tỏ ra băn khoăn, khi Hà Nội đã tổ chức một vài chương trình tiền trạm nhưng theo anh, theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, kịch bản một đằng, thực hiện một nẻo, chẳng hạn chương trình Đếm ngược 1000 ngày đến đại lễ. Liệu đại lễ có diễn ra như mong đợi?.

Sẽ náo nhiệt, muôn màu, nếu…

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, viện Văn hóa nghệ thuật cho biết: “Tôi nghe nói có thể chi phí cho đại lễ phải cắt giảm. Tôi ủng hộ điều này bởi kinh tế đang khủng hoảng, có quá nhiều thứ khó khăn trong cuộc sống. Hơn nữa, nếu ta không hô hào tiết kiệm thì sẽ rơi vào sự lãng phí như những lễ hội khác”.

Nhưng nhà nghiên cứu họ Bùi khẳng định, có một cách khác hay hơn nhiều mà dù tiết kiệm, đại lễ vẫn náo nhiệt, muôn sắc muôn màu. “Bí kíp” mà ông Hiền đưa ra, đó là huy động những lễ hội do người dân tự làm, chẳng hạn các lễ hội làng nghề, trình diễn nghệ thuật trên đường phố hoặc tại các địa điểm đáng nhớ của chốn kinh kỳ Thăng Long xưa. “Làm được như thế sẽ rất hay. Đây là cách mà các nước phát triển trên thế giới vẫn thực hiện khi tổ chức những lễ hội lớn”, nhà nghiên cứu khẳng định.

Ông Hiền đã đi tìm hiểu và hỏi ý kiến nhiều đình, chùa ở các làng, thôn, xóm… và nhận được sự hưởng ứng. Ông đưa ra ví dụ, đình làng Cống Vị hiện rất muốn liên kết với những nơi khác để làm những lễ hội, hưởng ứng với 1.000 năm Thăng Long, chỉ chờ thành phố “có lời”, họ sẽ đóng góp hết sức.

Ông Hiền cũng cho rằng, Liên hoan múa cổ Thăng Long vừa qua là một thành công lớn bởi người dân tự nguyện tham gia, rất hay và độc đáo. “Cũng vì biết cách thu hút sự tham gia của người dân, nên mới làm được điều rất quý, đó là nhà sư cũng sẵn sang bước lên sân khấu thể hiện các múa cổ”, ông Bùi Trọng Hiền nhấn mạnh.

Theo ông Hiền, tưởng tượng ở mỗi phường nghề, đình làng của 36 phố phường đều có những lễ hội, khắp nơi trên đường phố có những màn biểu diễn, khoe tài của các cá nhân hoặc nhóm trình diễn mà ở đó có cả vẽ, nhảy múa, từ cổ truyền cho đến hiện đại…; rồi ở các địa bàn rộng hơn như Hà Tây cũ chẳng hạn, các làng cũng đưa rước biểu tượng hoặc Thành hoàng làng của mình… thì khung cảnh sẽ cực kỳ sinh động và muôn màu muôn sắc, phố phường, làng xóm đều có ngày hội thực sự của mình..

Nghệ sĩ Đào Anh Khánh đề xuất, muốn thực hiện có hiệu quả, cần có sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống, không chỉ riêng Hà Nội, mà có sự chung tay của cả nước.

Họa sĩ nổi tiếng là “chịu chơi” này ấp ủ: “Tôi sẽ đóng góp ba buổi trình diễn với quy mô lớn nhất từ trước tới nay trong sự nghiệp của mình, bởi vậy tôi rất cần sự ủng hộ của nhà nước”. Họa sĩ này tiết lộ, những nghệ sĩ khác như anh đều mong muốn được đóng góp vào ngày hội lớn.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: “Chúng ta luôn đặt mình và mọi người vào thế phải chạy đua với thời gian”.

Tôi nghĩ, đại lễ là ngày thiêng liêng nên dù bất cứ ai với tư cách gì cũng sẽ quên đi mọi thành kiến cá nhân để cống hiến tốt nhất cho Tổ quốc. Mọi người sẽ chung cảm hứng đặc biệt để hướng tới sự đồng thuận xã hội, dù còn những điều này điều khác không hay. Dù bây giờ chưa có tổng đạo diễn, song đất nước chúng ta không thiếu người tài có thể đảm đương tốt công việc này. Họ đang ở đâu đó quanh đây thôi và có thể vào cuộc bất cứ lúc nào, miễn là được tạo điều kiện tốt nhất để thể hiện tài năng và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Theo tôi, dù chưa quá muộn để tìm một tổng đạo diễn nhưng đến thời điểm này là gấp gáp lắm rồi. Cách tổ chức của chúng ta luôn đặt mình và mọi người vào thế phải chạy đua với thời gian.

Hà Anh (ghi)

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: “Khâu kịch bản cho đại lễ còn chưa xong”.

Trong năm vừa qua tôi đã làm việc nhiều lần với Ban 1.000 năm Thăng Long, tôi thấy mọi công việc chuẩn bị cho đại lễ đều không đến nơi. Có rất nhiều dự án muốn duyệt được phải qua nhiều công đoạn, ví như đợi công văn mất gần 1 tháng và phải qua nhiều cuộc họp bàn. Nhiều khi bàn đi bàn lại không xong. Cho nên, đến nay, ngoài những dự án vật thể như xây cổng chào… có thể dễ hơn, còn những công trình phi vật thể thì rất lúng túng.

Một ví dụ thực tế, là để chuẩn bị cho lễ khai mạc Olimpic Bắc Kinh, đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng phải mất 8 năm. Vậy, nếu bây giờ mới làm, khâu tập dượt cũng mất một thời gian dài và như thế bản thân tôi cũng cảm thấy bất lực. Tôi được biết, hiện nay, khâu kịch bản cho đại lễ còn chưa xong.

ĐV
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật