Lính đặc công tàu ngầm - nỗi kinh hoàng của kẻ địch

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trung đoàn 196 - Quân chủng Hải quân, đóng quân gần 20 năm nay ở căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa) với nhiệm vụ của mình không chỉ được coi là “quả đấm thép” trong tác chiến mà còn là nỗi kinh hoàng của kẻ địch.
Lính đặc công tàu ngầm - nỗi kinh hoàng của kẻ địch
Đặc công tàu ngầm huấn luyện trên biển - Ảnh: Mai Thanh Hải

Con cháu Yết Kiêu

Sử sách đã chứng minh: Bất cứ đội quân nào, dù vũ khí hiện đại đến đâu, con người vẫn là yếu tố quyết định làm nên chiến thắng cuối cùng. Yết Kiêu - người anh hùng lấy dùi sắt đục thủng đáy thuyền giặc, làm nên trận thủy chiến lẫy lừng khiến quân Nguyên Mông phải khiếp sợ là một minh chứng. Ngày nay, những hậu duệ của người anh hùng Yết Kiêu trong lực lượng hải quân sẵn sàng giáng trả đối phương những đòn bất ngờ, nếu chủ quyền của Tổ quốc trên biển bị đe dọa.

Ít người biết rằng, trước khi thành lập Lữ đoàn tàu ngầm hiện đại 189 hiện nay, VN đã và đang tồn tại trung đoàn tàu ngầm đầu tiên. Lớp cán bộ, thủy thủ tàu ngầm thuộc Trung đoàn 196 được huấn luyện bài bản ở nước bạn từ sớm, là nền tảng xây dựng Lữ đoàn 189, nhanh chóng làm chủ con tàu dưới biển sâu hiện đại nhất Hải quân VN hiện nay. Sau khi Lữ đoàn 189 ra đời, Trung đoàn 196 vẫn thực hiện các nhiệm vụ cũ và được phân công thêm nhiều nhiệm vụ mới. 

Đặc thù bí mật như vậy, nên doanh trại của đơn vị nằm sâu tít trong bán đảo Cam Ranh, đường đi xa lắc lơ. Không ít cán bộ chiến sĩ nhiều đơn vị hải quân trong căn cứ khi được hỏi đến phiên hiệu 196, đều lắc đầu: “Chưa nghe đến!”. Trung tá Trịnh Thăng Long, Trung đoàn phó quân sự Trung đoàn 196, nói với tôi: “Lực lượng đặc công tàu ngầm được huấn luyện trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, có sức chịu đựng dẻo dai dưới mặt nước sâu, bơi biển đường dài rất tự tin, các bài võ của quân nhân cũng phải thuần thục!”.

Ở 196 có những con tàu ngầm mi ni thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt. Từ những năm 80, những người đứng đầu quân đội, Quân chủng Hải quân đã tính đến việc trang bị vũ khí, khí tài đặc biệt và xây dựng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ - đặc thù làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Một số tàu ngầm mi ni sản xuất ở nước ngoài được trang bị cho Trung đoàn 196 và ngay lập tức được đưa vào hoạt động.

Đơn cử như tàu ngầm mang số hiệu HQ-41 và HQ-42 chỉ nặng 75 tấn, vừa chở được đặc công tàu ngầm vừa mang vũ khí chống ngầm để tiêu diệt các mục tiêu di động - cố định. Ưu điểm của tàu này là nhỏ gọn, tránh bị đối phương phát hiện, chạy điện không gây ồn và nhất là có thể hành quân dài ngày trên biển. “Ra biển, nhìn qua màn hình 

ra đa trông nó không khác gì con cá heo. Động cơ lại rất êm, chỉ vo ve như chạy quạt điện nên dễ dàng tiếp cận mục tiêu, thả đặc công mang sẵn khí tài lặn di chuyển vũ khí đánh địch hoặc phóng ngư lôi tiêu diệt!”, trung tá Long kể vậy và đúc rút: “Càng nhỏ càng khó phát hiện và kíp tàu ít người, dễ thao tác!”. 

Gác tình riêng, sẵn sàng quyết tử

Sát cánh cùng đặc công ngầm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn có những tàu nổi của hải quân. Đây là những tàu có tính năng đặc biệt, hiếm tàu mặt nước nào có được. Đại úy Phạm Anh Tuấn, thuyền trưởng một trong những con tàu hỗ trợ, cho biết đặc thù làm nhiệm vụ bí mật, tàu và người luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu nên có ở bờ cũng không khác gì đi biển. 

Thượng úy Lê Minh Hùng là nhân viên thông tin trên tàu hỗ trợ, Trung đoàn 196. Năm 1995, chàng trai quê Thanh Hóa nhập ngũ và được huấn luyện tại Đoàn 20 đặc công (Binh chủng Đặc công) đóng ở Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng. Do kết quả huấn luyện tốt, Hùng được cử đi học thông tin báo vụ tại Trường Sĩ quan đặc công. Kết thúc khóa huấn luyện, với tấm bằng sơ cấp báo vụ loại giỏi, tháng 12.1995, anh nhận công tác ở Đại đội thông tin - Đoàn 5 đặc công, đóng quân tại Ninh Thuận. Vượt qua nắng gió khắc nghiệt, luôn chủ động tìm tòi, nắm bắt, khai thác tốt trang bị và tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Chỉ trong thời gian ngắn, Hùng được giao đảm nhiệm ca trực chính. 

Tháng 2.1996, cấp trên nhận thấy những tiềm năng của người chiến sĩ đã qua huấn luyện chuyên ngành cả đặc công và thông tin liên lạc, Hùng được điều vào Hải đội tàu đóng quân ở Cam Ranh. Tháng 8.1996, Hải đội tàu được bàn giao cho Trung đoàn 196 hải quân và Hùng chính thức đứng trong hàng ngũ những người lính tàu ngầm đầu tiên của Quân chủng Hải quân. Hiểu rõ những khó khăn, gian khổ, thậm chí hiểm nguy trong huấn luyện, làm nhiệm vụ của bộ đội đặc công nước, Lê Minh Hùng mạnh dạn đề xuất biện pháp, phương án hay trong thực hiện nhiệm vụ, trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và xây dựng nền nếp chính quy ở đơn vị. 

Gặp thượng úy Lê Minh Hùng và chứng kiến anh làm việc, ít ai có thể ngờ là đằng sau là muôn vàn khó khăn vất vả. Nhà ở xa, con còn nhỏ, mẹ và vợ cùng mắc bệnh hiểm nghèo (mẹ bị ung thư đại tràng, vợ bị ung thư tuyến giáp), có thời điểm Hùng tưởng như không trụ vững nổi. Nói chuyện gia đình, Hùng bảo: “Đặc thù công việc vất vả thế, nhiệm vụ bí mật có thể hy sinh tính mạng bất cứ lúc nào mà còn vượt qua được, nữa là xung quanh mình còn có đồng đội, anh em?”. 

Câu chuyện của thượng úy Lê Minh Hùng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp “xếp tình riêng, lo việc quân chủng” ở Trung đoàn 196. Ngồi nói chuyện với thượng úy Trần Văn Thùy (sinh năm 1985, quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) thuyền trưởng tàu ngầm HQ-42, mãi tôi mới biết cứ mỗi tháng Thùy lại để dành 5 triệu đồng tiền lương, gửi ra Hà Nội nuôi 3 em ăn học. Số tiền còn lại, chỉ đủ để chi trả sinh hoạt cho anh và người vợ trẻ Nguyễn Thùy Trang chưa có công ăn việc làm cùng con gái nhỏ Trần Phương Linh mới chưa đầy tháng. Khi tôi hỏi thật: “Khí tài cũ vậy, anh em có lo lắng gì khi lặn xuống biển không?”, Thùy đã trả lời rất thật: “Con người ai cũng sợ chết. Nhưng chúng tôi được đào tạo để làm nhiệm vụ đặc biệt, quyết tử nên không được phép sợ hy sinh, thoái thác nhiệm vụ, dù biết mỗi chuyến đi đều có thể hy sinh!”. 

Nhìn vào mắt Thùy, trong buổi chiều Cam Ranh ràn rạt gió, ầm ào sóng, bên cạnh những người lính đặc công tàu ngầm cồng kềnh khí tài lặn, đỡ nhau chui xuống con tàu ngầm mi ni thực hiện phương án huấn luyện “tiêu diệt tàu địch”, thấy yên lòng lạ. Biển đảo Tổ quốc có vẹn toàn cũng nhờ những người lính đặc nhiệm lặng thầm và chấp nhận gác tình riêng, sẵn sàng hy sinh tính mạng như ở Trung đoàn 196 - Đơn vị tàu ngầm đầu tiên của Hải quân nhân dân VN...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật