Nga chịu ‘hậu quả thảm khốc’ vì giá dầu giảm

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giá dầu thô lao dốc mạnh khiến đồng Rúp Nga xuống mức thấp chưa từng có so với đồng Euro và gần thấp nhất trong lịch sử so với đồng USD.
Nga chịu ‘hậu quả thảm khốc’ vì giá dầu giảm
Ảnh minh họa

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) trong cuộc họp hôm 27/11 tại Vienna, Áo tuyên bố không cắt giảm sản lượng bất chấp tình trạng dư thừa nguồn cung “vàng đen” toàn cầu.

Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 1/2015 có thời điểm giảm 5,17 USD/thùng, tương đương mức giảm 6,7%, còn 72,58 USD/thùng. Lúc đóng cửa, giá dầu Brent dừng ở 72,82 USD/thùng.

Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1/2015 giao dịch điện tử có lúc sụt 6,9%, còn 68,59 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất của giá dầu kể từ năm 2011, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 4 năm giá dầu tại thị trường New York tụt dưới mốc 70 USD/thùng.

Giới phân tích dự báo, giá dầu còn có thể giảm sâu hơn.

Trước khi cuộc họp của OPEC diễn ra, giới phân tích cho rằng, nhóm này cần cắt giảm 1-1,5 triệu thùng dầu/ngày nếu muốn hỗ trợ giá dầu. Từ đầu mùa hè tới nay, giá dầu thế giới đã giảm hơn 30%.

Giá dầu giảm là một thông tin tốt lành đối với người tiêu dùng ở các quốc gia như Mỹ và châu Âu nhưng lại là tin rất xấu đối với Nga. Tổng thống Vladimir Putin từng nói Nga có thể chịu “hậu quả thảm khốc” vì trừng phạt, giá dầu giảm và đồng Rúp mất giá.

Giá vàng đen lao dốc bị coi là họa vô đơn chí đối với Nga trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine đẩy tới bờ vực suy thoái.

Hiện đồng Rúp của Nga đã xuống mức thấp chưa từng có so với đồng Euro và gần thấp nhất trong lịch sử so với đồng USD. Kể từ tháng 6 đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã sụt giảm 30% xuống mức thấp nhất trong bốn năm qua. Mới đây thôi Nga còn hy vọng cùng OPEC bắt tay hợp tác giảm sản lượng dầu mỏ. Nước này đã tiến hành nhiều cuộc họp cấp cao với các quan chức Saudi Arabia, Iran và Venezuela suốt những tuần qua. Thậm chí, sau cuộc gặp gần đây với người đồng cấp Saudi Arabia, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết cả Mátxcơva và Riyadh phản đối việc tạo áp lực tới thị trường dầu mỏ vì mục đích chính trị.

Tuy nhiên, với quyết định ngày 27/11 của OPEC, rõ ràng ý định kết giao về vấn đề dầu mỏ giữa Nga và tổ chức này chưa thể thành hiện thực. Theo tính toán, Nga sẽ mất 100 tỷ USD/năm khi giá dầu dưới 80 USD/thùng.

Xuất khẩu dầu thô là nguồn thu chính của ngân sách Nga trong bối cảnh phương Tây áp đặt đòn trừng phạt khiến Nga khó lòng tiếp cận được thị trường vốn toàn cầu.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Putin đã không đổ lỗi cho bất kỳ quốc gia cụ thể nào đã gây ra tình trạng rớt giá dầu. Nhưng một số nhà bình luận chính trị của Nga đã miêu tả chuyện này như là một âm mưu của Arập Xêút và Mỹ nhằm chống lại Nga.

Theo một văn bản được Điện Kremlin công bố, ông Putin đã nói: “Tất nhiên, lý do rõ ràng của sự sụt giảm giá dầu thế giới là việc giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (toàn cầu). Điều này có nghĩa tiêu thụ năng lượng đang giảm ở một loạt nước”. Ông Putin cho rằng: “Ngoài ra, yếu tố chính trị luôn xuất hiện trong vấn đề giá dầu. Hơn nữa, trong một số thời điểm của khủng hoảng khi nó nổ ra khiến người ta có cảm giác giống như hoạt động chính trị thường chi phối giá của các nguồn năng lượng”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật