Lùi thời hạn để đi đến thỏa thuận hạt nhân Iran

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Iran và các cường quốc thế giới đã quyết định dành thêm nhiều tháng nữa để đạt một thỏa thuận hạt nhân. Đây không phải là lần đầu tiên các bên phải kéo dài cuộc đàm phán.
Lùi thời hạn để đi đến thỏa thuận hạt nhân Iran
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, lần gia hạn này, khiến hai bên có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt nhất từ trước đến nay.

Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng tại Vienna, Iran và các cường quốc đã nhất trí lùi hạn chót để đạt một thỏa thuận hạt nhân đến ngày 1-7-2015. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh rằng hai bên đã đạt một số tiến triển. Ông Zarif thậm chí còn cho rằng có khả năng đạt một thỏa thuận trước thời hạn chót vừa được kéo dài. Họ dự định sẽ thống nhất được những nét chính của thỏa thuận hạt nhân vào tháng 3-2015.

Tuy nhiên, rõ ràng khi đề cập tới hai vấn đề lớn là quy mô chương trình hạt nhân của Iran trong tương lai và tiến độ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Iran, quan điểm của hai bên vẫn còn khác xa nhau. Năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cùng với Đức (nhóm P5+1) muốn Iran ngừng phần lớn các hoạt động hạt nhân nhằm đảm bảo Tehran không thể sản xuất vũ khí hạt nhân - tham vọng mà Iran luôn phủ nhận. Tuy nhiên, nước Cộng hòa Hồi giáo này muốn mở rộng các hoạt động hạt nhân, đáng chú ý nhất là khả năng làm giàu urani - một tiến trình sản xuất năng lượng dùng trong các lò phản ứng song cũng có khả năng trở thành nguyên liệu để chế tạo bom hạt nhân.

Nhận định về việc gia hạn nói trên, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Fitzpatrick, hiện đang làm việc tại viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cho rằng: "Kéo dài hạn chót sẽ không làm cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn, vì hai bên tồn tại nhiều khác biệt cơ bản". Tuy nhiên, thực tế là lựa chọn thay thế sẽ còn tồi tệ hơn nhiều: Đàm phán sụp đổ và tình hình trở nên dễ bùng nổ như trước khi có thỏa thuận hạt nhân tạm thời hồi tháng 11-2013.

Trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân tạm thời, Iran đã làm giàu urani tới mức gần chế tạo được vũ khí hạt nhân, còn phương Tây áp đặt ngày càng nhiều biện pháp trừng phạt và nguy cơ Mỹ và Israel thực hiện các hoạt động quân sự ngày càng lớn. Hiện nay, các bộ phận quan trọng trong chương trình hạt nhân của Iran đã đóng băng, đổi lại Tehran nhận được khoảng 700 triệu USD/tháng bởi các tài sản ở nước ngoài không còn bị đóng băng nữa. Việc này sẽ còn tiếp tục cho tới tháng 7 năm sau. Chuyên gia Kelsey Davenport, một nhà phân tích thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, cho biết: “Nếu cả hai bên quyết định bỏ đàm phán, hậu quả sẽ rất thảm khốc. Chừng nào chương trình hạt nhân của Iran còn bị kiềm chế và các lệnh trừng phạt vẫn được nới lỏng một phần như hiện nay thì cả hai bên đều được lợi. Bảy tháng là thời hạn kéo dài nhiều hơn mong đợi song nếu đàm phán càng kéo dài thì càng tốt”.

Tuy nhiên, việc kéo dài đàm phán dẫn tới nguy cơ những người chỉ trích ở cả Iran và Mỹ có thể mất kiên nhẫn. Những người theo đường lối cứng rắn tại Iran đang đợi cơ hội để làm suy yếu Tổng thống Rouhani, người chưa làm được gì nhiều để thúc đẩy nền kinh tế Iran nhờ vào chiến lược hàn gắn quan hệ với phương Tây của ông. Người đồng cấp Mỹ Barack Obama còn phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn khi Đảng Cộng hòa đối lập kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện kể từ tháng 1-2015. Ngay sau khi tuyên bố lùi hạn chót vào ngày 24-11, nhiều người của đảng Cộng hòa đã kêu gọi áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Hơn nữa, bầu không khí khá tốt của đàm phán hiện nay đến từ ý nguyện chính trị của Chính quyền Obama và Chính quyền Rowhani, nếu tiếp tục kéo dài cho đến khi thay đổi nhân sự của chính phủ hai nước thì sự tin cậy được thiết lập một cách khó khăn trước đây lại phải xây dựng từ đầu.

Chuyên gia Ali Vaez, thuộc Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, khẳng định nên trao cho các nhà đàm phán thời gian mà họ cần để hoàn thành công việc. Ông nhận định: "Hai bên đã đạt được những tiến triển to lớn. Cơ hội hiện quá lớn và chúng ta không thể thất bại”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật