Làng văn 2008 - 9 chuyện “ngộ“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những câu chuyện này không nằm trong bất cứ cuộc bình chọn nào nhưng đó là một góc nhìn về giới văn chương Việt Nam, đó cũng là những “dấu ấn“ đã để lại khi năm Chuột đi qua.
Làng văn 2008 - 9 chuyện “ngộ“
Nhà văn Lê Minh Khuê

1. Về hưu... lĩnh giải thưởng lớn

Năm 2008, lần đầu tiên giải thưởng Văn học Quốc tế mang tên Byeong Ju Lee - một văn hào Hàn Quốc - được tổ chức, và "rơi" ngay vào một nhà văn Việt Nam - đó là nhà văn vừa nhận "sổ hưu" Lê Minh Khuê, tuổi Kỷ Sửu (1949)! Hội đồng Giải thưởng xét giải căn cứ trên tác phẩm được đề cử bằng tiếng Anh và nhà văn Lê Minh Khuê được trao giải với tập truyện "The stars, the earth, the river" (Những ngôi sao, trái đất, dòng sông"), do NXB Curbstone Press ấn hành ở Mỹ.

Hôm nghe gọi điện thông báo về giải thưởng, nhà văn Lê Minh Khuê đang ngồi trên chuyến tàu từ Huế ra Hà Nội. Chị về thăm quê và những người thân của gia đình. Lê Minh Khuê đã kết thúc đời công chức của mình để trở về với cuộc sống làm mẹ, làm vợ. Không ồn ào, không hụt hẫng. Bởi từ lâu chị đã sống như thế.

Ngay sau khi biết Lê Minh Khuê đoạt giải thưởng trị giá 10.000 USD tập truyện "Những ngôi sao, trái đất, dòng sông", nhiều độc giả trong nước đã đi "lùng sục" cuốn sách này nhưng không tài nào tìm được. Đơn giản bởi cuốn sách khoảng 300 trang này với những truyện ngắn tái hiện hình ảnh các cô gái thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn, cuộc sống thời hậu chiến, chỉ có bản… tiếng Anh!

Biết "nhu cầu độc giả", giới xuất bản trong nước đã nhanh nhạy ấn hành bản… tiếng Việt "Những ngôi sao, trái đất, dòng sông". Cuốn sách dày 304 trang, giới thiệu 14 truyện ngắn của Lê Minh Khuê như: Một buổi chiều thật muộn, Những ngôi sao xa xôi, Mong manh như tia nắng, Thân phận cu ly, bi kịch nhỏ, Dòng sông… Đây là một hiện tượng "xuất bản ngược" đầy thú vị. Và nhờ giải thưởng Byeong-ju Lee, nhà văn Lê Minh Khuê có thêm một "đứa con"  mới.

Nhà văn Nguyên Ngọc.

2. Nhà văn lão thành 76 tuổi Xin vào Hội "Hà Nội"

Đó là "trường hợp" của nhà văn Nguyên Ngọc. Ông vốn là một trong mấy hội viên sáng lập của Hội Nhà văn VN, từng trải qua chức vụ lãnh đạo Hội này, tuy vậy, chính Nguyên Ngọc cũng là người từ chối nhận tiền tài trợ sáng tác của Hội Nhà văn VN.
 
Đầu năm 2008, Nguyên Ngọc đã viết đơn xin vào Hội Nhà văn Hà Nội và ngay sau đó, cùng với 26 người khác, Nguyên Ngọc đã chính thức được kết nạp làm hội viên.

Năm 2008, ở tuổi 76, nhà văn Nguyên Ngọc còn đón nhận 3 tập "Nguyên Ngọc - Tác phẩm" và tập bút ký "Bằng đôi chân trần".

3. Mạc Can có… con gái Nhật!

Tin tức có vẻ "giật gân" này đã được nhà văn Mạc Can tiết lộ tháng 5/2008. Suốt thời gian qua, Mạc Can thường… đánh lạc hướng các nhà báo với cách nói chuyện "hư hư thực thực", nhất là chuyện liên quan đến gia đình.

Đã nhiều lần tôi vào Sài Gòn và ngỏ ý muốn đến thăm chỗ ông ăn, ngủ và viết, nhưng Mạc Can đều khéo từ chối. Lần gặp gỡ này, chợt thấy ông trầm ngâm với khuôn mặt gầy sọp. Gặng hỏi, hóa ra ông đang "giằng xé" về một chuyện thật mà bấy lâu đã cất giữ như là bí mật. Ấy là chuyện ông đã có một cô con gái với một người phụ nữ Nhật.

Nhà văn Mạc Can.

Khoảng đầu năm 1980, có một đoàn làm phim của Nhật đến Sài Gòn ghi hình. Mạc Can được mời vào vai người đi chợ để giới thiệu các sản vật Việt Nam. Trong đoàn phim có bà Yoko, khoảng 35 tuổi, chuyên lo hậu cần, phát "thù lao" cho các nhân vật. Như duyên trời sắp đặt, Mạc Can và bà Yoko đã có một tình yêu… sét đánh. Quay xong, đoàn làm phim đóng máy về nước. Mạc Can tiếp tục với những tiết mục tấu hài.

Chừng 2 năm sau, ông nhận được thư của bà Yoko. Bức thư bà viết để báo cho Mạc Can biết, ông đã có một cô con gái. Yoko không đòi hỏi gì ở người cha của đứa bé, cũng không có ý ràng buộc gì. Người phụ nữ Nhật muốn giữ đứa con đó là của riêng mình. Từ đó, Mạc Can luôn chất chứa một day dứt khó tỏ thành lời.

Mạc Can kể chuyện vừa bùi ngùi vừa vui vui, vì mấy năm nay "con tạo xoay vần", ông đã được gặp lại con gái mình ngay giữa đất Sài Gòn. Những chuyến làm ăn buôn bán đã giúp Mạc Can gặp lại bà Yoko và con gái. Ông vẫn lưu những tấm ảnh con trong laptop. Ông vẫn nhớ con gái ông không biết đến trái măng cụt và rất thích những trái chuối vàng ươm màu nắng.

Năm 2008, "ông hề" Mạc Can hân hoan cầm trên tay cuốn tiểu thuyết thứ ba: “Những bầy mèo vô sinh” dày 254 trang, được ông thầm lặng viết trong suốt mấy năm vừa qua, xóa đi sửa lại nhiều lần và gửi gắm khá nhiều trải nghiệm. Ban đầu Mạc Can đã đặt tên cho cuốn sách này là Mèo "Chíp".

4. Nhà văn đua nhau… vẽ

Năm Mậu Tý vừa rồi đã ghi nhận có nhiều cuộc triển lãm của các văn nhân thi sĩ. Đầu tiên là nhà văn Nguyễn Khắc Phục khi đang viết tiểu thuyết "Hỗn độn" thì một người bạn thân - nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời, nên cảm thấy vô cùng trống trải.
 

Ảnh minh họa.

Trong một lần ngồi với "thi sĩ vẽ" Trần Nhương ở quán bia hơi gần Hội Nhà văn VN, Nguyễn Khắc Phục đã được "thi sĩ vẽ" Trần Nhương... động viên mua toan, mua màu về "bôi bôi trát trát". Từ bé, ông Phục chưa bao giờ dám tơ vương trong đầu rằng sẽ có một ngày cầm cọ. Vậy mà điều ấy lại thành hiện thực. Đó là một ngày của tháng 3/2008. Căn phòng trọ ở ngõ Dã Tượng - HN bỗng trở thành "xưởng vẽ" của... nhà văn già.

Rồi bất ngờ hơn, Trần Nhương và Nguyễn Khắc Phục tuyên bố tổ chức triển lãm vào ngày 1/7 tại viện Bảo tàng Mỹ thuật VN. Và tên triển lãm cũng được quyết: Thi hứng và Hú họa. "Thi hứng" là "những bức tranh thơ" của Trần Nhương, còn với hơn 30 bức tranh của mình, Nguyễn Khắc Phục chỉ coi đó là "Hú họa". Và triển lãm "Hai nhà văn vẽ" cũng thu hút được sự quan tâm của báo giới và nhiều bức tranh trong triển lãm đã được bán.

Như vậy, các "nhà văn vẽ" đã có một danh sách khá dài: Nguyễn Quang Thiều, Đoàn Lê, Hữu Ước, Lê Minh Quốc, Hoàng Minh Tường, Đỗ Minh Tuấn, Trần Nhương, Nguyễn Khắc Phục…

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

5. Nhà văn... "nhảy việc"

Tiếp sau chuyện nhà văn-nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia tay mảnh đất Văn nghệ anh gắn bó mấy chục năm về "đầu quân" cho báo điện tử VietnamNet, là chuyện nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nói lời tạm biệt với vị trí Trưởng phòng nội dung của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) để "nhảy" sang một "vai" mới ở Lasta Film.

Và những khán giả đang xem kênh VTC9 Let's Viet thì có thể "tìm thấy" cái tên Nguyễn Thị Thu Huệ xuất hiện với cả hai vai trò Giám đốc sản xuất và Biên tập. Dù cho VTC9 không thông dụng như VTV1 hay VTV3 nên không phải khán giả nào cũng có thể "gặp" được cái tên Nguyễn Thị Thu Huệ. Nhưng dù có "nhảy việc" đi đâu thì nhiều người vẫn mong, sắp tới cái "thương hiệu" Nguyễn Thị Thu Huệ sẽ trở lại với văn chương, để khi nhắc tới chị, người ta không chỉ nhớ tới "Hậu thiên đường".

6. Nhà thơ tặng thơ nhân dịp Hà Nội mở rộng

Ngày 1/8/2008 đi vào lịch sử với việc Hà Tây chính thức sáp nhập về Hà Nội. Cũng đúng là lúc nhà thơ Vương Tâm được cầm trên tay tập thơ mới mang tựa đề "Xúc xắc mặt người" do NXB Thanh Niên ấn hành.
 

Nhà thơ Vương Tâm.

Người đàn ông quê ở làng Hương Ngải (Thạch Thất) nổi tiếng là địa danh từng được nhiều nhà văn, nhà thơ về sống tản cư hồi trước, muốn bày tỏ tình yêu với xứ Đoài của mình nên đã đưa ra quyết định có một không hai: gửi tặng tập thơ này tới các bạn đang yêu, và những đồng hương xứ Đoài.
 
Bạn đọc chỉ cần gửi email về cho tác giả là sẽ nhận được tập thơ miễn phí với lời đề tặng. “Xúc xắc mặt người” là tập thơ thứ 11 của nhà thơ Vương Tâm, với những câu thơ tình rất trẻ: "Thời gian trong anh vô thương/ Tình yêu như vòng nguyệt quế/ Vây quanh mùa nào cũng trẻ/ Vì em - vì em - vì em…".

Năm 2008 đối với Vương Tâm còn là một năm đặc biệt: Ông cho xuất bản tiểu thuyết đầu tay với tựa đề "Máu đất" tiết lộ nhiều bí mật gia đình. Ngay sau khi phát hành, "Máu đất" đã được nhà biên kịch Đoàn Trúc Quỳnh ở Xưởng phim truyện 1 đề nghị dựng thành phim. Nếu không có gì thay đổi, 2009 là năm "những câu chuyện gia đình của nhà thơ" sẽ được lên phim!

Thi sĩ Trần Nhương.

7. Nhà thơ tổ chức... thi thơ!

Đầu tháng 12/2008, thi sĩ Trần Nhương đột ngột  "phát động" trên website cá nhân (www.trannhuong.com) cuộc thi Thơ vui với chủ đề "Mười câu khúc khích" (nhận bài đến 31/1/2009). Ông đã nghỉ hưu, muốn tự tổ chức cuộc thi này để đón mùa xuân Kỷ Sửu đang về, đồng thời "mua vui cũng được một vài trống canh". Bởi thế, ông đưa ra thể lệ cuộc thi khá "dễ": Yêu cầu đầu tiên là… thơ vui, sau đó là mỗi bài không quá 10 câu, còn thì thể loại thơ nào cũng chấp nhận, đề tài nào cũng nhất trí - tuy nhiên không đề cập vấn đề chính trị nhạ‌y cả‌m và không được… tục.

Các nhà thơ chuyên hay không chuyên đều có thể tham gia với số lượng bài không hạn chế và bắt buộc phải gửi bài qua địa chỉ e-mail, bất kể tác giả thuộc lứa tuổi teen hay đã… sang tuổi cổ lai hy. Thi sĩ Trần Nhương hi vọng qua cuộc thi thơ này, ông sẽ được đưa vào sách… kỉ lục VN với danh nghĩa: nhà thơ đầu tiên tổ chức cuộc thi thơ!

8. Tiểu thuyết...  không xuống dòng

Không phải sản phẩm "nhập khẩu" từ phương Tây, cuốn tiểu thuyết đặc biệt này là của nữ nhà văn Y Ban. Cuốn sách mang một cái tên rất lạ: "Xuân Từ Chiều" (NXB Phụ nữ). Hơn 250 trang sách là câu chuyện của ba người đàn bà mang 3 cái tên: Xuân, Từ, Chiều.
 
Vẫn một lối viết tưng tửng, nhưng với tiểu thuyết mới này, Y Ban còn trở nên khác biệt hơn bằng cách kết cấu tiểu thuyết không xuống dòng. Chính xác hơn, cả cuốn sách chỉ một lần xuống dòng vào đoạn cuối, khi câu chuyện đã gần kết thúc. Cách viết này khiến cho người đọc cuốn hút theo từng sự kiện, từng câu chuyện, từng phận người bằng nhịp đọc nhanh.
 
Cùng với sự sắc sảo trong dẫn dắt để lồng chuyện nhân sinh lớn lao vào những câu chuyện vụn vặt kiểu "ngồi lê đôi mách" của đàn bà, sự cách tân trong lối viết của Y Ban ở "Xuân Từ Chiều" đã khiến tác giả nhiều lúc tưởng chừng tác phẩm của mình chưa thể xuất bản được trong năm 2008.
 
Để bản thảo được in ra, nhà xuất bản đã "dành sự quan tâm đặc biệt" và đề nghị tác giả cắt sửa lại nhiều câu chữ. Dù "tiếc đứt ruột" vì cứ phải cắt tỉa "đứa con mình đẻ ra" nhưng Y Ban - cây bút từng có thời gian làm nghề y - coi đó như cuộc "phẫu thuật"  nhỏ. Và nhờ cuộc "tiểu phẫu" ấy mà bạn đọc có thể cầm trên tay tiểu thuyết "Xuân Từ Chiều". 

9. 75 tuổi viết 540 trang tiểu thuyết

Đó là nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ông sinh năm 1934, hiện sống ở Hải Phòng. Mấy năm nay nay, không thấy ông ra cuốn sách mới nào, cứ ngỡ tuổi già đã khiến ông "chùn chân mỏi gối", nhưng đầu tháng 12/2008 Bùi Ngọc Tấn chính thức có cuốn tiểu thuyết mới với tựa đề: "Biển và chim bói cá" (NXB Hội Nhà văn). Cầm cuốn sách trên tay, cảm giác đầu tiên là… rất nặng. 540 trang sách dày đặc chữ và chữ, được ông viết tại Hải Phòng từ năm 2005 đến 2007. Dòng cuối cùng của tiểu thuyết, nhà văn đề: "Viết trong những ngày xót thương con gái Giáng Hương".

Cuốn sách tập trung vào Liên hiệp đánh cá Biển Đông với khoảng hơn 20 nhân vật, với vài chục ngàn chi tiết lớn nhỏ, chi tiết nào cũng hóm hỉnh khiến người đọc hoặc bật cười tức khắc hoặc lay động những cảm giác sâu kín của lương tri và lòng trắc ẩn. Bìa 4 cuốn sách, những người làm sách đã viết: "Có thể xem Bùi Ngọc Tấn là người kể chuyện thuần theo lối truyền thống, kể bằng sự kiện, nhưng lại không thể nói rằng ông là nhà văn lệ thuộc vào hiện thực ở cái vỏ diễn tiến bề ngoài…

Bùi Ngọc Tấn thuộc số người viết văn nhắc ta một cái quyền, quyền được sâu sắc". Còn trong phần gấp mép ở bìa, nhà văn Bùi Ngọc Tấn tâm sự: "Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến biết bao biến động của Lịch sử. Một thế hệ nhiều năm rồi nằm trong tầm bắn tỉa của Thần Chết, đang biến mất khỏi hành tinh này không để lại một vết xước. Tôi chỉ muốn thật trung thực trong khi viết để góp phần vào việc lưu giữ lại ký ức Dân tộc".

Hi vọng đây chưa phải là tiểu thuyết cuối cùng của lão nhà văn Bùi Ngọc Tấn!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật