Nghề thêu những khúc nhạc thơ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi tình cờ gặp lại XQ trong một lần vào thăm Hội An. Hơi ngạc nhiên nhưng thật đúng khi XQ có mặt tại nơi yên bình và rêu phong xưa cũ như thế. Những cô thợ mặc áo dài ngồi miệt mài nghiêng nghiên bên khung cửi trong một ngày cuối thu nơi phố cổ: đẹp và hư ảo như những bức tranh thêu mang thương hiệu XQ.
Nghề thêu những khúc nhạc thơ
Những người thợ thêu XQ đang từng ngày làm sống dậy một nghề truyền thống từng bị mai một

Trăn trở một nghề thêu

Nghề thêu ở Việt Nam đã có từ lâu. Nó gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, khéo léo, đảm đang, chịu thương chịu khó. Những thế hệ phụ nữ Việt xưa không chỉ thêu thùa để làm đẹp cho mình, cho đời mà còn gửi gắm biết bao tâm tư vào đó. Những chiếc khăn tay hay đôi gối thêu từng là kỷ vật thiêng liêng, là chứng nhân một thời cho tình yêu bất diệt đi qua cả mưa bom bão đạn, qua cả không gian và thời gian.

Vài thập niên gần đây, nghề thêu dần một mai một và rơi vào quên lãng. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa và lối sống bên ngoài ùa vào, những cô gái Việt Nam thời hiện đại chỉ còn biết đến thêu trên máy. Chỉ một chốc, một lát là có ngay sản phẩm không thua gì thêu tay. Điều khác biệt duy nhất, chúng không có hồn. Đó đơn thuần chỉ là sản phẩm chứ không phải là tác phẩm. Vẫn yêu lắm, những ngón tay thon thoăn thoắt bên khung cửi. Chỉ có tình yêu, niềm say mê, sự bền bỉ và khéo léo mới tạo nên những tác phẩm thêu tay làm rung động lòng người.

 

Những ai không yêu nghề thì sẽ không thể tâm huyết với từng đường kim mũi chỉ

Đôi vợ chồng nghệ sĩ tài hoa Hoàng Lệ Xuân và Võ Văn Quân (phố cổ Hội An), bằng tình yêu và khát khao làm sống dậy nghề thêu cổ truyền, đã xây dựng và tạo nên thương hiệu XQ nổi tiếng. Chị, một nghệ nhân thêu gốc Huế và anh, một tâm hồn nghệ sĩ luôn cuộn chảy dòng nhiệt huyết sáng tạo vô biên, đã tìm được hướng đi đúng đắn cho nghề thêu: kết hợp giữa nghề thêu cổ truyền với tính nghệ thuật của hội họa. XQ nơi mà nghề thêu đã đạt đến độ tinh xảo và hoàn hảo vào bậc nhất. Nhắc đến tranh thêu XQ không thể không nhắc đến kỹ thuật thêu tranh hai mặt. Sử dụng chất liệu voan và chỉ tơ tằm, người thợ thêu đã khéo léo, tỉ mỉ dấu từng chân chỉ ở giữa hai mặt của bức tranh thêu để tạo nên những tác phẩm vô cùng công phu, tinh tế với mặt trước và sau giống hệt nhau.

Nơi gặp gỡ những giấc mộng mơ

“Sáng tạo là khổ hạnh
Trong đêm tối miên trường
Có đốm lửa vô biên
Cháy trên đầu ngọn bút”

Tranh thêu XQ là sự kết hợp hài hòa giữa người thợ thêu tài hoa và kẻ sĩ lãng tử. Người họa sĩ vẽ tác phẩm bằng chì đen lên giấy can. Sau đó dùng bút nhọn tỷ mỷ thể hiện lại bức tranh từ giấy can lên trên vải. Một lớp bột màu sẽ được đổ lên sao cho màu thấm xuống theo các đường nét đã xăm. Từ đó người thợ thêu mới bắt tay thêu mũi chỉ đầu tiên. Trong quá trình hoàn thiện, người thợ thêu và họa sĩ phải trao đổi với nhau rất nhiều từ khâu chọn lựa chất liệu vải, chỉ thêu, màu sắc, độ sáng tối đến việc thể hiện thần thái trong tác phẩm.

Tranh thêu XQ luôn gắng gỏi tìm lại quốc hồn quốc túy. Bỏ qua các chủ đề bị ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa trong quá khứ, nội dung chủ yếu trong các bức tranh thêu XQ mang đậm nét truyền thống và văn hóa Việt. Chủ đề trong tranh thêu XQ gắn liền với hình ảnh làng quê Việt có cây đa, bến nước, sân đình…, gắn với thế giới của các loài hoa sen, cúc, mai, đào…dịu dàng, mộc mạc, gắn với cuộc sống và tâm linh người Việt. Bước vào thế giới của tranh thêu XQ, bạn sẽ thấy nao nao nhớ về miển quê xưa từ cái thủa còn chăn trâu thả diều, trầm trồ trước vẻ đẹp trong ngần của hoa cỏ trời Nam, của những cô thiếu nữ hây hây má đào, giật mình bắt gặp ánh mắt đăm chiêu của một lão nông hay gương mặt khắc khổ hằn lên dấu vết thời gian của người phụ nữ tảo tần sớm hôm trong những bức tranh thêu chân dung. Mỗi bức tranh thêu đều chứa đựng một câu chuyện mang nhiều ý nghĩa nhân sinh và triết lý sống sâu sắc. Ở nơi này, người ta mới có khoảng lặng để cảm nhận cái đẹp, để thấu hiểu, để chiêm nghiệm cuộc sống và chính bản thân mình.

Chân dung người thợ thêu

Lâu lắm mới thấy lại những cô gái Việt Nam dịu dàng, e ấp trong tà áo dài ngồi thêu bên khung cửi. Người thợ thêu XQ được tạo điều kiện làm việc giữa chốn như thơ như họa. Tà áo dài tha thướt, tách trà thơm pha kiểu cách, không gian tuyệt đối yên tĩnh và lãng mạn. Bao xô bồ, ồn ào của đời thường như lùi xa, nhường chỗ cho những tâm hồn đang thăng hoa để thêu lên những bức tranh đẹp đến nao lòng người. Nhưng đừng tưởng nghề thêu chỉ lắm mơ nhiều mộng. Đó mới thực sự là một nghề gian nan, nhiều khổ luyện và rất kén người. Đây mới đúng là nghề chọn người. Ngoài niềm đam mê, sự cần cù, nhẫn nại cần phải có khiếu thẩm mỹ trời phú, thêm nếm những trải nghiệm gạn lọc từ cuộc sống. Những ai không yêu nghề, không sống chết với nghề thì không thể tách mình ra khỏi thế giới hiện thực mà tâm huyết với từng đường kim mũi chỉ. Nhiều bức tranh phải hàng tháng, hàng năm trời mới nên hình nên khối. Ví như bức “Mãnh hổ”, hai nghệ nhân thêu đã phải làm việc ròng rã suốt 5 tháng trời mới hoàn thành xong tác phẩm.

Công lao là thế, gian truân là thế và hạnh phúc cũng là thế. Hẳn người thợ thêu XQ nào cũng không khỏi tự hào khi tranh thêu XQ đã trở thành nét văn hóa, là món quà cao quý mang hồn sắc của quê hương. Dẫu biết đất nước vẫn còn nghèo lắm, đời sống người thợ thêu vẫn còn bao lo toan, bao gánh nặng đời thường, nhưng họ đang từng ngày vẽ lên những khúc nhạc thơ tuyệt mỹ, làm sống dậy một nghề truyền thống lâu đời: nghề thêu tay.

DN

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật