Làm gì khi con trẻ trở nên ngang bướng?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sẽ có nhiều giai đoạn các bậc làm cha làm mẹ cảm thấy rất khó khăn trong việc uốn nắn con cái, đặc biệt là khi con trẻ trở nên ngang bướng và khó bảo hơn.
Làm gì khi con trẻ trở nên ngang bướng?
Ảnh minh họa

Nhà tâm lý giáo dục Andre Fre có nói: “Lịch sử riêng của mỗi đứa trẻ là lịch sử của sự giải thoát dần dần, của sự chinh phục tự do kèm theo sự phát triển tinh thần độc lập”. Trong quá trình đó, sẽ có nhiều giai đoạn các bậc làm cha mẹ cảm thấy rất khó khăn trong việc uốn nắn con cái, đặc biệt là khi con trẻ trở nên ngang bướng và khó bảo hơn.

Chỉ thích làm theo ý mình

Bé Ly tuy chưa đầy bốn tuổi nhưng đã có thái độ bướng bỉnh thấy rõ. Mẹ hỏi gì bé cũng chỉ đáp “Không” và rất thích làm những việc mà người lớn ngăn cấm. Có lần, bé Ly chơi trò xếp hình nhưng mãi vẫn không thể hoàn thành. Chị Tâm thấy vậy bèn xếp mẫu cho con xem và hướng dẫn con cách xếp. Nhưng bé Ly cương quyết không làm theo cách mẹ chỉ. Thậm chí, bé còn vùng vằng phá hỏng những hình mẹ đã xếp được và bắt đầu xếp lại theo cách của mình. Chị Tâm rất tức giận trước sự chống đối của con, nhưng nào biết con gái chị đang muốn chứng tỏ tinh thần độc lập mà rất nhiều đứa trẻ ở lứa tuổi này bắt đầu cảm thấy. Từ trước đến nay, bé Ly luôn phụ thuộc vào những người xung quanh nhưng giờ đây, bé thấy mình có thể tự làm mà không cần dựa vào người lớn nữa. Tuy nhiên, người lớn lại không hiểu được tâm lý này của bé và ra sức hướng dẫn, chỉ bảo thậm chí áp đặt bé theo những gì mình muốn. Điều này càng khiến bé muốn làm những việc “khác thường” để chứng tỏ mình. Khi trẻ càng chống đối cũng có nghĩa là khát khao chứng tỏ mình càng thêm mạnh mẽ. Từ đó, trẻ sẽ cảm nhận niềm vui lớn lao là thấy mình cũng quan trọng và giỏi giang như người lớn. Hơn nữa, khi thấy mẹ xếp hình nhanh hơn, bé Ly không thích vì sự thành công của mẹ chỉ khiến bé thấy mình kém cỏi.

 

Lần khác, nhân dịp sinh nhật con, mẹ bé Ly mua tặng con một bộ đồ chơi

lắp ráp. Nhìn món đồ phức tạp, chị muốn giúp con lắp ráp nhưng bé không đồng ý. Thấy vậy, chị bảo: “Con chưa làm được đâu, khó lắm, con lắp sẽ bị hỏng đấy”. Bé Ly vùng vằng khó chịu và nhất quyết đòi tự mình làm. Kết quả là hai mẹ con giận nhau và bộ đồ chơi bị “xếp xó” mất một ngày. Mẹ bé Ly không biết rằng cách nói của chị chỉ khiến bé càng cương quyết hơn, vì trẻ muốn chứng tỏ nó cũng khéo léo và giỏi như mẹ. Lẽ ra chị nên lựa cách nói như: “Mẹ con mình cùng lắp ráp nhé, con là sếp còn mẹ là nhân viên trợ giúp con nha!” để con cảm thấy thích thú vì mình được đánh giá cao, khi đó bạn có thể vừa chơi cùng vừa khéo léo hướng dẫn con làm đúng mà không khiến con cảm thấy tự ái hay khó chịu.

Cha mẹ nên làm gì

Thực tế, dạy dỗ con cái là điều không bao giờ dễ dàng, bởi tâm hồn con trẻ là một thế giới đầy bí ẩn. Ngay từ khi lên ba tuổi, trẻ đã có khuynh hướng không thích nhất nhất phải làm theo lời cha mẹ, nhưng đó không phải là sự “hư hỏng” hay “ngang ngược” như nhiều phụ huynh vẫn tưởng. Điều đó chỉ chứng tỏ bé đang muốn khám phá xem mình có thể làm được những gì khi không có cha mẹ giúp đỡ. Tuy thái độ bướng bỉnh của trẻ khi ở một độ tuổi nhất định có thể là một khuynh hướng tự nhiên nhưng cách thể hiện ở mỗi trẻ khác nhau, và đôi khi cũng không ngoại trừ nguyên nhân là do một tác động nào đó từ bên ngoài. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ trở nên ngang bướng là do thiếu hụt tình cảm hoặc cha mẹ quá khó tính. Đôi khi, ngang bướng cũng là cách trẻ phản ứng lại cách dạy dỗ của bạn, hoặc cố thu hút sự quan tâm của cha mẹ. Nhìn chung, ở một số độ tuổi nhất định, trẻ thích cố lý làm trái lệnh của ba mẹ và hưởng thụ sự sung sướng khi làm điều đó. Giai đoạn này sẽ qua đi trẻ lớn dần lên. Bởi thế, đừng tỏ ra quá gay gắt hay cương quyết bắt con phải làm theo ý mình, điều đó chỉ đem đến tác dụng ngược mà thôi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật