Qua Tết, trò đi học có đủ đầy không?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tết đến, cô Phượng, cô Sửu được về đoàn tụ cùng với gia đình ăn tết nhưng vẫn canh cánh trong lòng liệu qua tết các học trò nhỏ của mình có đi học đầy đủ nữa hay không…
Qua Tết, trò đi học có đủ đầy không?
Lớp học của cô giáo vùng cao
Chấp nhận khó khăn 

 

Cô giáo Nguyễn Thị Phượng, quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương đã có 12 năm gắn bó với nghề. Trước khi đến Mèo Vạc, Hà Giang lập nghiệp, có nằm mơ Phượng cũng không thể tưởng tượng được sẽ phải đối mặt với cuộc sống khó khăn như thế. Phượng vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên đến nhận việc ở một điểm trường giáp biên (Thượng Phùng, một xã biên giới ở Mèo Vạc).

 

Điểm trường cách trung tâm huyện khoảng 40km, nhưng vì toàn leo dốc thẳng đứng nên thường mất cả ngày trời. Ngày mới lên nhận công tác, do chưa hiểu được tiếng dân tộc nên cô Phương cảm thấy xa lạ với những học trò của mình. Để hiểu và gần gũi học sinh, cô Phượng đã ngày đêm học ngôn ngữ của các em, chỉ sau một năm, cô đã có thể sử dụng ngôn ngữ dân tộc để trò chuyện với các em. Không những thế, sau buổi sáng lên lớp, chiều đến cô giáo còn làm nương cùng dân, ăn uống cùng họ như người một nhà.

 

Còn cô Hoàng Thị Sửu cũng có trên 10 năm ở Đồng Văn. Trước khi về điểm trường chính ở tả Phìn, cô đã qua ba điểm lẻ Phó Già, Sình Lùng, Nà Lủng. Các điểm trường hầu như đều có chung một điểm, phòng học thường xiêu vẹo, nước không có, đường xá đi lại khó khăn, nhìn đâu cũng chỉ thấy đá.

 

Để có nước dùng, cô đã phải địu nước từ hang về, hay hứng từ các khe đá mà có những buổi nửa ngày chưa được đầy can 20 lít. Có những thời điểm, vài tuần không được tắm gội. Học sinh nội trú, sau giờ học cũng phụ giúp nhà trường hứng nước. Nhìn cảnh các em phải chờ đợi những giọt nước hiếm hoi chầm chậm nhỏ từ khe đá xuống cho đến khi đầy can, nhiều cô đã không ngăn được nước mắt...
 
Cô Hoàng Thị Sửu - giáo viên trường PTCS tả Phìn - Đồng Văn - Hà Giang

 

Hy sinh thầm lặng

 

Ở xã biên giới, chợ chỉ bán vài mớ rau, miếng thịt, muốn đong gạo phải lặn lội cả ngày về tận huyện mua để tích trữ ăn dần. 

 

Con gái miền xuôi chỉ quen ăn gạo, thế mà để dân hiểu, những bữa mèn mén (ngô) khô khốc, khó nuốt ban đầu rồi cũng trở thành món ăn mà cô cảm thấy rất ngon. Nhiều gia đình coi cô giáo như người trong nhà, đồng ý cho con đi học, nhưng cũng không ít lần cô thất bại, khi nhà học trò neo người, không thể thuyết phục nổi.

 

Ở Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang), nơi thường xuyên phải chịu cảnh thiếu nước, tới vài tháng trong năm. Thiếu nước ăn, nước sinh hoạt khiến cho đời sống của cả cô và trò cùng khổ. Ngay ở điểm trường chính tả Phìn (Đồng Văn), giáo viên cũng phải chở nước từ thị trấn Đồng Văn về dùng, quần áo thay ra dồn lại, cuối tuần đưa về thị trấn giặt... 

 

Ngoài những khó khăn có thể nhìn thấy được, còn những hy sinh về mặt tinh thần mà các cô phải âm thầm chịu đựng. Xa gia đình là chuyện hầu hết giáo viên nữ ở đây đều phải trải qua. Cô Hoàng Thị Sửu, nhà ở huyện Đồng Văn nhưng cũng chỉ tranh thủ về thăm nhà vào cuối tuần, rồi lại vội vã trở về với lớp học. 

 

Cô Nguyễn Thị Phượng thì phải gửi con trai đầu về Phú Thọ nhờ ông bà nội trông giúp. Một năm cố gắng lắm cũng chỉ thu xếp về thăm con một hai lần vào dịp hè và tết. Tâm sự về chuyện này, cô Phượng ngậm ngùi dù rất nhớ con nhưng vì điều kiện không cho phép nên đành phải chấp nhận. Tình cảm dành cho con nhỏ ở xa nay cô dành cho những học sinh bé nhỏ. Nhìn các em nói cười, cũng xua đi phần nào nỗi nhớ con...

 

Mong học sinh đi học đầy đủ

 

Cõng chữ ở vùng cao là câu chuyện với bao khó khăn và nhọc nhằn, thiếu thốn đủ đường cả về vật chất lẫn tinh thần. Học sinh không học được, chán chữ, chán trường, bỏ học về làm ruộng, kiếm củi... là các cô lại phải trèo đèo, lội suối đến tận nhà vận động các em trở lại lớp. Không chỉ là người dạy chữ, mỗi giáo viên nơi đây còn giống như người mẹ hiền thứ hai của trò.

 

Cô Sửu giờ đã về dạy ở trường PTCS Khâu Vai, nhưng cô vẫn nhớ những mùa đông lạnh giá, cái rét chỉ có ở vùng cao, nơi nào cũng thấy gió hun hút thổi, phải bặm chặt môi cho quên cái rét để đến từng nhà vận động những học sinh bỏ học, chán học ra lớp.

 

Hình ảnh những phòng học tạm bợ, xiêu vẹo, tường đất, mái rạ hay những phòng học gắn hai bảng ở hai đầu, để hai lớp học khác nhau có thể cùng ngồi học vẫn rất phổ biến với các tỉnh vùng cao. Nhưng điều khiến giáo viên ở đây ấm lòng, muốn cố gắng nhiều hơn nữa mỗi khi nhìn thấy đôi mắt lấp lánh những niềm vui được tới trường của trẻ nhỏ.
DT
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật