Người đi tìm những giá trị thực

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cái tên Vũ Văn Tích được nhiều người biết đến thông qua hàng chục bài báo, công trình nghiên cứu khoa học của anh được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.
Người đi tìm những giá trị thực
Tiến sĩ Vũ Văn Tích - gương mặt trẻ tiêu biểu ĐH Quốc gia năm 2008 - Ảnh: Hà Hương

Sinh năm 1975, tiến sĩ Vũ Văn Tích - một trong những phó khoa trẻ nhất - vừa được vinh danh là gương mặt trẻ tiêu biểu ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2008.

Bảo vệ luận án tiến sĩ ở Pháp năm 2003, từ chối những lời mời từ các công ty tư vấn nước ngoài, Vũ Văn Tích về làm giảng viên khoa địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Một sự lựa chọn chỉ có thể được giải thích gói gọn trong hai chữ "đam mê".

Dù vậy, trở về không phải để làm một ông giáo nghèo chỉ biết khép mình trong phòng nghiên cứu. Ngược lại, người thầy giáo trẻ luôn tâm niệm “phải biết gắn cuộc sống thực với giá trị thực”. Anh tâm sự giảng dạy không chỉ để giải thích kiến thức mà phải biết áp dụng kiến thức vào cuộc sống, sử dụng kiến thức đó để kiếm tiền. Với anh, đó cũng là cách để tự khẳng định mình, để “tự cứu lấy mình” khỏi tụt hậu.

Lựa chọn nghề dạy học, một nghề như anh nói là rất chuẩn mực nhưng lại luôn luôn biến động. Vũ Văn Tích bày tỏ, thầy giáo là tấm gương phản chiểu để học sinh noi theo, bởi vậy người thầy không thể nghèo mà ngược lại phải sống tốt bằng chính nghề của mình.

Cũng từ ý nghĩ ấy, ngoài các giờ giảng ở trường, anh tham gia vào các công trình khoa học, các dự án nghiên cứu của các công ty trong và ngoài nước. Những hoạt động đó không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn giúp anh tích lũy được rất nhiều kiến thức thực tiễn.

Điều hạnh phúc đối với một giảng viên trẻ như anh đó là anh đã truyền được niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên của mình. Khá nhiều sinh viên đã tự tìm đề tài bên ngoài và tạo cho mình phong cách làm việc chuyên nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.

Đến với ngành địa chất như một điều tình cờ, nhưng anh nói nếu được lựa chọn lại anh vẫn sẽ đi trên chính con đường này. Bởi vì, nghề địa chất không chỉ có những chuyến đi đến những vùng heo hút xa xôi, mà ngày nay địa chất gắn với hệ thống định vị toàn cầu, với máy tính xách tay. Có ngành sẽ biến mất, có ngành sẽ phát triển, điều đó phụ thuộc nhiều vào vai trò của người thầy.

Bận rộn với nhiều hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhưng người giảng viên trẻ vẫn không ngừng tìm kiếm ý tưởng cho các hoạt động Đoàn. Anh tâm niệm, dù là phong trào Đoàn cũng phải tạo ra những sản phẩm mà xã hội cần. Đó là những sinh viên không chỉ có trình độ chuyên môn tốt mà phải được trang bị đầy đủ kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng sống trước khi ra trường. Anh nói “Đừng tạo ra một sân chơi khác hẳn mà hãy luôn gắn phong trào Đoàn với chính hoạt động chuyên môn của trường mình”.

Dù là một bí thư Đoàn trường giàu kinh nghiệm nhưng điều Vũ Văn Tích luôn trăn trở là làm sao có thể khiến khoảng thời gian rảnh rỗi của sinh viên trở nên hữu ích hơn. Lôi kéo sinh viên vào các hoạt động chuyên môn dường như vẫn chưa đủ. Điều anh mong muốn và đang từng ngày hiện thực hóa là làm thay đổi tư duy của sinh viên mình, mang khát vọng làm việc và cống hiến đến với họ.

TT

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật