Phụ huynh cũng có chiến lược giáo dục riêng?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
2008 là năm có quá nhiều ý kiến về giáo dục trên các phương tiện truyền thông. Có phải đây là sự dồn nén bức xúc về bất cập trong giáo dục, hay rộng hơn là từ lĩnh vực khác? Được làm quen với nhiều “từ ngữ khó hiểu“, Nhà giáo Nhân dân Vũ Văn Huy nhớ lại những ký ức đẹp được thụ hưởng từ cha mẹ và nhận thấy “đã đến lúc, phụ huynh chúng tôi cũng phải công bố chiến lược giáo dục của riêng mình“.
Phụ huynh cũng có chiến lược giáo dục riêng?
Đưa con tới dự lễ khai giảng năm học 2008 tại Trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội). Ảnh: Lê Anh Dũng

Những hồi ức đẹp

Năm hết, Tết đến, ai cũng muốn ôn lại những gì đã qua, nhất là những người đã có tuổi. Nhân nói về giáo dục, ở đây tôi xin kể lại những điều còn đọng lại được thụ hưởng từ nhà trường và từ chính cha mẹ.

Gia đình có 9 anh chị em, tôi biết cha mình là nhà giáo chỉ vẻn vẹn vài năm khi tham gia dạy “bình dân học vụ”. Sau đó, ông là nông dân thực sự. Nhưng những kinh nghiệm nghề giáo của ông đã theo suốt cuộc đời đi học, và sau này, trong nghề giáo của tôi.

Khi tôi học lớp hai, có lần ông xem vở tập viết, thấy chữ quá xấu và sai nhiều lỗi chính tả, ông không trách phạt. Hôm sau, ông bỏ một buổi làm đồng đến lớp (khi đó lớp đang sơ tán trong thôn) và xin cô giáo cho dự một tiết học.

Tôi được làm quen với nhiều từ ngữ khó hiểu với một phụ huynh bình thường, ví như: đang "khủng hoảng giáo dục”, có “sứ mạng giáo dục”, cần “triết lý giáo dục”, hay “bi kịch giáo dục”,v.v..

Đọc tất cả, chúng tôi biết, có nhiều bài với các ý kiến đóng góp thực sự cho ngành. Nhưng cũng còn đâu đó các bài viết mang tính “bới lông tìm vết”.

Khi chào cô ra về, tôi thấy ông khóc. Có lẽ, ông thương cô bị liệt tay nên khi dạy học trò, phải viết bằng tay trái. Có lẽ, ông thương cô hướng dẫn chúng tôi tập viết khi các mẩu phấn trên tay cô đã thành bụi.

Từ đó, ông có thói quen lấy các tờ giấy đã viết của chúng tôi ngâm nước vôi trong, phơi khô cho chúng tôi tập viết.

Không ít hơn 2 lần, gia đình phải họp để bố tham khảo ý kiến các con và đưa ra quyết định khó khăn: Con nào được tiếp tục học lên cấp ba, con nào ở nhà lao động giúp gia đình? Mặc cho anh em chúng tôi nhường nhau nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là bố mẹ. Lần nào cũng vậy, ông chỉ nói đơn giản: “Sinh ra các con bố hiểu, con nào được tiếp tục đi học là đứa ham đọc và chưa một lần chán học“.

Có lẽ, bước ngoặt với cuộc đời để sau này tôi quyết định theo học ĐH ngành Toán là khi được học thầy giáo dạy cấp 2.

Thầy Mãng lúc đó trên 40 tuổi, thầy gầy lắm. Trong một buổi học, chúng tôi thấy thầy ho, ôm bụng mặt tái đi, mồ hôi vã ra. Thầy nói trước lớp: “Huy! Con lên chữa bài tập giúp thầy. Thầy lên văn phòng nghỉ, tiết sau sẽ dạy”.

Không biết khi đó tôi chữa bài như thế nào, nhưng các bạn trong lớp tha hồ thắc mắc và tranh cãi. Chỉ có điều, sau đó thầy rất hay để tôi chữa bài cho các bạn, còn thầy xuống lớp ngồi vào chỗ tôi. Chỉ khi nào thấy cách giải của trò có phần chưa ổn, thầy mới sửa lại.

Những điều "chắc chắn cần"

Biết rằng, tâm sự ra đây, sẽ có ai đó bảo là chúng tôi đã lạc hậu. Biết rằng, có những ngành đào tạo hôm nay đang thịnh, nhưng 10 năm nữa xã hội có còn cần không? Biết rằng, thế giới đang biến chuyển từng ngày, vậy thì đến năm 2020 sẽ ra sao? Việt Nam đang ở vị thế như thế nào trong cộng đồng quốc tế?

Không phải là nhà tiên tri nên khó đoán định, nhưng có những điều chắc chắn chúng ta cần ở các nhà quản lý giáo dục.

Hãy tạo một môi trường giáo dục mà ở đó, học trò không chán học, thầy cô không cảm thấy mệt mỏi khi phải đến trường, lên lớp. Hãy đào tạo ra đội ngũ lao động kế tiếp, ngoài việc tinh thông nghề nghiệp đã học còn phải có khả năng thu thập và xử lý thông tin, từ đó thích ứng nhanh với môi trường đầy biến động.

Chúng ta đang hoà nhập với thế giới, nhưng tôi tin rằng kiến thức, kỹ năng thế giới không tự mang đến. Thế giới cũng không đến để học tập kinh tế, kỹ thuật ở Việt Nam mà cái họ cần tìm hiểu là nền văn hoá và bản lĩnh con người Việt Nam.

Nhìn lại năm 2008, đâu đó, có người đã đánh mất đi điều quý giá nhất của mình. Giáo dục không phải là nhào nặn theo ý muốn chủ quan. Đã đến lúc, phụ huynh chúng tôi cũng phải công bố chiến lược giáo dục của riêng mình.

  • Nhà giáo nhân dân Vũ Văn Huy  (Hải Phòng)

TỈNH TÁO VỚI "THẾ GIỚI PHẲNG"

(PGS.TSKH Lê Ngọc Trà, viện Nghiên cứu sư phạm, ĐH Sư phạm TP.HCM)

Tìm hiểu thông tin tại một triển lãm giáo dục. Ảnh: LAD

Chưa bao giờ những cuộc thảo luận về giáo dục lại sôi nổi và rộng khắp như hiện nay. Đó không phải là do ý muốn của Bộ GD-ĐT, mà do chính yêu cầu của cuộc sống. Giáo dục trong xã hội chuyển sang kinh tế thị trường, rộng hơn là trong bối cảnh toàn cầu hóa đang đặt ra nhiều vấn đề tranh cãi gay gắt…

Toàn cầu hóa đã mang vào VN bức tranh hấp dẫn của các nền giáo dục tiên tiến. Bức tranh ấy lôi cuốn các nhà quản lý giáo dục, làm cho họ thấy cần phải thay đổi cho thật nhanh, thay đổi cùng một lúc tất cả. Tuy nhiên, nguyện vọng tốt đẹp nhưng duy ý chí ấy đã đẻ ra phương châm “đi tắt đón đầu”.

Văn hóa và giáo dục là những thứ hình thành dần dần, không phải muốn là có ngay một lúc. Toàn cầu hóa mang lại những bức tranh đẹp về nền giáo dục tiên tiến của các nước, như một làn sóng tràn vào làm xáo động giáo dục VN. Tuy nhiên, học tập, bắt chước như thế nào nhất định phải dựa trên những điều kiện thực tế của VN… Thế giới có thể phẳng về kinh tế và công nghệ nhưng không thể phẳng về văn hóa, giáo dục. Bởi vì văn hóa và giáo dục là vấn đề con người, vấn đề đời sống tinh thần và nhân cách của cá nhân, mà mỗi cá nhân là một số phận, một vũ trụ riêng tư không lặp lại, gắn với môi trường, với cộng đồng bằng trăm ngàn sợi dây liên hệ khác nhau.

Chúng ta vẫn hay nói về bản sắc của văn hóa. Nhưng văn hóa không thể hình thành nếu thiếu giáo dục. Bởi vậy, muốn giữ gìn bản sắc của văn hóa nhất định phải gìn giữ bản sắc của giáo dục, gìn giữ cái riêng trong việc đào tạo con người. Cái riêng ấy chủ yếu không nằm trong việc truyền bá tri thức mà nằm trong quá trình bồi dưỡng ý thức về các giá trị, quá trình làm cho cá nhân không chỉ thông minh và mạnh mẽ hơn mà còn nhân hậu hơn, có đời sống tâm hồn phong phú hơn. Để tồn tại trong thời đại toàn cầu hóa, mỗi dân tộc cần phải có cái riêng của mình. Sự đa dạng về văn hóa và giáo dục không chỉ có lợi cho việc bảo vệ bản sắc của mỗi dân tộc mà còn quan trọng với toàn nhân loại. Thế giới sẽ trở nên nhạt nhẽo biết chừng nào nếu tất cả chỉ có một màu, mọi thứ đều giống nhau?

Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu và cũng là cơ hội để VN hội nhập, để giáo dục VN làm bạn với giáo dục các nước trên thế giới. Trên sân chơi quốc tế, chúng ta vừa phải nhập cuộc vừa phải tỉnh táo biết mình là ai để không thu mình lại nhưng cũng không bắt chước, rập khuôn vội vã. Làm thế nào để tiếp nhận và lớn lên qua làn sóng toàn cầu hóa? Đó là thách thức đối với giáo dục VN, trước hết là với những người có trách nhiệm lãnh đạo, với các nhà quản lý giáo dục hiện nay.

(Trích tham luận tại hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần 3, tổ chức tại Hà Nội)

THAY ĐỔI TƯ DUY CỦA ÔNG BỐ, BÀ MẸ

(Bạn đọc Bùi Hùng Mạnh)

 

Đi học với 2 chiếc cặp (1 cho lớp chính khóa ban ngày, 1 cho lớp học thêm ban đêm). Ảnh: Đoan Trúc     

Đọc nhiều bài viết, nhiều quyết tâm, nhưng, thực sự chưa có một bài viết nào, kế hoạch nào, quyết tâm nào thực sự được gọi là thuyết phục, và có tính thực tế cao, chưa có bài viết nào nhổ được tận gốc cây cỏ bệnh giáo dục hiện nay cả.

Cá nhân tôi cho rằng “giáo dục bắt nguồn từ chính mỗi gia đình”.

Các anh, các chị có để ý, và có thấy những HS ngoan, giỏi đều là con cái của những gia đình có truyền thống hiếu học, hoặc kể cả bố mẹ các em không có trình độ học vấn, nhưng hết mực chăm lo cho con cái? Ngược lại, những gia đình mà ông bố, bà mẹ không nghĩ đến chuyện học hành, giáo dục con cái, thì hầu hết những đứa con sẽ như thế nào?

Hãy bắt đầu thay đổi từ “tư duy của ông bố, bà mẹ”. Môi trường “gia đình” nó không phải là môi trường giáo dục chủ yếu tạo nên “tính cách” cho HS hay sao? Gia đình cũng là nhà trường, cha mẹ cũng là thầy cô giáo… Hai người thầy, cô này còn quan trọng biết bao, bởi họ là người dạy dỗ và tạo nên tính cách chính cho con cái, tạo ra ảnh hưởng chính cho con cái?

(Trích ý kiến tham gia diễn đàn"Chấn hưng giáo dục")

VNN


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật