Truyền thông có làm hỏng Công Phượng?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhận xét về sự không tập trung của Công Phượng trong trận đấu với U21 Sydney, HLV Guillaume Graechen cho rằng lỗi một phần từ dư luận và truyền thông khi đẩy cầu thủ này lên tầm ngôi sao.
Truyền thông có làm hỏng Công Phượng?
Công Phượng

Chỉ sau một trận bóng nên anh đã mất thăng bằng. Song nói vậy chưa hẳn chính xác khi anh cũng đã sắp hết tuổi làm "cầu thủ trẻ".

Nhận xét về màn trình diễn của Công Phương ở trận đấu Học viện HA GL ars‌enal JMG và U21 Sydney ở giải đấu U21 Quốc tế, HLV Guillaume Graechen đã nói rằng: “Công Phượng đã thi đấu không tốt, đã quá cá nhân và để mất bóng nhiều, làm lỡ nhịp độ thi đấu của cả đội”.

Ông thầy chỉ ra nguyên nhân: “Sai sót của Công Phượng có một phần có lỗi từ dư luận và truyền thông. Các bạn đã nâng cậu ấy lên tầm ngôi sao chỉ sau một pha làm bàn vào lưới U19 Australia ở giải vô địch U19 Đông Nam Á. Ra đường cậu ấy không có nổi hai mét để tự do, luôn bị săm soi, bị chụp ảnh quá nhiều. Dẫu sao Công Phượng cũng chỉ là một cầu thủ trẻ. Cậu ấy cần được điều chỉnh để cân bằng mọi thứ".

Là một HLV gắn bó với các cầu thủ U19 – trong đó có Công Phượng cả chục năm nay, từ khi các cầu thủ còn là những cậu nhóc chân trần đá bóng, dễ hiểu và rất nên chia sẻ cho những “tâm sự” của HLV Graechen. Thầy “Giôm” lo lắng cho học trò và muốn bảo vệ cậu học trò của mình,  để Công Phượng không “mắc bệnh sao” và đánh mất mình.

Tuy nhiên, vị HLV người Pháp lại “đổ lỗi” sang cho truyền thông và cả do lỗi của người hâm mộ.

Nói như vậy liệu có công bằng?

Hữu xạ tự nhiên hương, nếu Công Phượng chơi không tốt thì đã chả ai để ý đến cầu thủ này. Công Phượng chơi tốt hơn các cầu thủ khác và được hâm mộ hơn các cầu thủ khác, thì đó là điều đương nhiên. Với năng lực của Công Phượng thì ngôi sao của U19 Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để trở thành một ngôi sao bóng đá thực sự trong tương lai và nếu điều này xảy ra thì chỉ có thể là tốt cho chính Công Phượng và cho bóng đá Việt Nam.

Không lẽ bây giờ yêu cầu người hâm mộ rằng thôi, hãy đừng hâm mộ Công Phượng nữa, tất cả hãy đừng cổ vũ cậu ấy nữa, đừng dành tình cảm cho cậu ấy nữa, đừng thèm xin chữ kí xin chụp ảnh với cậu ấy nữa, hãy để im cho cậu ấy đá bóng thì cậu ấy mới có thể chơi tốt được.

Không lẽ bây giờ yêu cầu các phóng viên thể thao của các Đài truyền hình, các báo đừng viết bài về cậu này nữa, dù quyền lợi của độc giả, của người hâm mộ là được cung cấp thông tin, hình ảnh về cầu thủ mà tất cả quan tâm. Thôi đừng tường thuật các trận đấu của Công Phượng nữa, kẻo lỡ cậu ấy đá hay quá, bình luận viên lại nhỡ mồm khen thì cậu ấy hư mất, cậu ấy lên mây xanh mất. Nếu thế, thì quá bằng nói chuyện bóng đá kiểu…trẻ con.

Trên cao bao giờ cũng lạnh giá, con đại bàng muốn bay cao thì nó phải sẵn sàng, dám đương đầu và đủ năng lực về mọi mặt để chịu đựng được gió lạnh ở nơi cao đó. Nói như Lê Công Vinh, áp lực là một phần của cuộc chơi và khi bạn muốn vươn đến trở thành cầu thủ hàng đầu thì bạn phải học cách đương đầu với những áp lực ấy. Những lĩnh vực thuộc về công chúng như bóng đá, âm nhạc, bạn càng vươn lên giỏi hơn thì bạn càng được biết đến nhiều hơn, nếu không ai thèm biết đến bạn thì đó mới là điều tệ hại.

Vấn đề là chẳng ai dạy cho một cậu bé sinh ra ở một huyện nghèo ở Nghệ An rồi có cả chục năm lên núi luyện công đá bóng cách để làm một người nổi tiếng như thế nào cả, ngoài chính HLV Graechen.

Thay vì nói rằng“Cậu ấy cần được điều chỉnh để cân bằng mọi thứ” thì ông nên nói thêm rằng “và tôi chính là người sẽ nói cho cậu ấy biết và thực hiện điều đó”.

Ngoài người thầy, người dẫn đường của mình là thầy Giôm, thì chính Công Phượng của tự phải học cách ứng xử, nếu như đã xác định cho mình nghiệp bóng đá và quyết vươn lên, bởi đi kèm thành công luôn là sự nổi tiếng. Làm sao để vượt qua áp lực, làm sao để trở thành một ngôi sao đích thực mà không trở thành một “ông sao”, không mắc bệnh sao, thì Công Phượng buộc phải tự tìm ra cách, giống như cách khéo léo để vượt qua các đối thủ trên sân bóng mà Công Phượng đã làm được. Khi mình đã nổi tiếng, thì càng phải khéo léo hơn, trách nhiệm và bản lĩnh hơn.

Công Phượng có thể học chính người đàn anh, người đồng hương Công Vinh. Trước đây, Công Vinh cũng đã từng lúng túng khi mình quá nổi tiếng, có một vài vụ “xì-căng-đan” nho nhỏ do chưa biết cách làm hình ảnh và giữ hình ảnh đúng. Hiện tại, Công Vinh được tiếng là cầu thủ chuyên nghiệp nhất Việt Nam, và cũng luôn biết sống với áp lực, ứng xử với người hâm mộ và giới truyền thông rất khôn khéo, và đó là cách để Công Vinh giữ được hình ảnh cầu thủ bóng đá nổi tiếng hàng đầu Việt Nam.

Công Phượng đã sắp không còn là cầu thủ trẻ nữa, và phải tự học cách trở thành người lớn. Thay vì “xin” người hâm mộ đừng chụp ảnh cùng, đừng săm soi, thay vì xin giới truyền thông mặc kệ cậu ta, những cái “xin” có lẽ sẽ không ai “cho”, thì hãy dạy cho Công Phượng cách để trở thành một người lớn, một ngôi sao đích thực.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật