Mỹ tiếp tục gia tăng biện pháp an ninh y tế đối phó dịch Ebola

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama ngày 22-10 thông báo tất cả các du khách từ ba quốc gia phía Tây châu Phi bị tác động mạnh nhất bởi dịch Ebola gồm Liberia, Sierra Leone và Guinea khi nhập cảnh vào Mỹ sẽ phải chịu sự giám sát y tế trong vòng 21 ngày.
Mỹ tiếp tục gia tăng biện pháp an ninh y tế đối phó dịch Ebola
Nhân viên y tế phun thuốc ngăn ngừa lây lan virus Ebola.
Đây là biện pháp an ninh y tế bổ sung được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính quyền Mỹ yêu cầu tất cả du khách từ ba nước trên chỉ được phép nhập cảnh vào Mỹ qua năm sân bay lớn.
Theo thông báo của các Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh liên bang (CDC), chương trình giám sát y tế 21 ngày sẽ được áp dụng không chỉ đối với du khách là công dân Liberia, Sierra Leone và Guinea mà còn bao gồm cả những phóng viên, nhân viên y tế và du khách mang hộ chiếu Mỹ hoặc các nước trở lại Mỹ hoặc từ ba nước trên nhập cảnh vào Mỹ.
Theo chương trình này, tất cả các đối tượng nhập cảnh vào Mỹ từ ba quốc gia trên sẽ phải cung cấp cho giới chức hữu quan một địa chỉ, hai số điện thoại, hai địa chỉ email cùng với địa chỉ và điện thoại của một người ở Mỹ mà họ sẽ tiếp xúc. Tiếp đó, các du khách này được yêu cầu phải kiểm tra thân nhiệt một lần/ngày và phải giữ liên hệ chặt chẽ với giới chức y tế các địa phương của Mỹ.
Các biện pháp an ninh y tế nghiêm ngặt hơn này trước mắt sẽ được áp dụng từ ngày 27-10 tới tại sáu bang của Mỹ gồm New York, Pennsylvania, Maryland, Virginia, New Jersey và Georgia. Sáu bang này của Mỹ hiện chiếm gần 70% tổng số du khách từ các nước "ổ dịch" Tây Phi nhập cảnh hàng ngày.
Thời hạn giám sát y tế 21 ngày là đủ thời gian ủ và phát bệnh nếu du khách đó bị nhiễm virus Ebola trước khi đáp máy bay vào Mỹ. Các du khách này cũng sẽ được yêu cầu thông báo cho giới chức y tế địa phương nếu họ có ý định đi du lịch trong lãnh thổ Mỹ sau khi nhập cảnh. Giới chức địa phương cảnh báo sẽ ngay lập tức tìm kiếm và phát hiện nếu có du khách không thông báo.
Theo Giám đốc CDC, Bác sỹ Thomas Frieden, chương trình giám sát này sẽ được duy trì cho tới khi dập xong dịch Ebola đã và đang hoành hành tại các nước Tây Phi, làm thiệt mạng ít nhất 4.877 người trong tổng số 9.936 người bị nhiễm virus Ebola.
Chương trình giám sát thân nhiệt của tất cả các du khách từ ba nước Tây Phi được công bố giữa lúc chính quyền Tổng thống Obama tiếp tục bị áp lực của giới lập pháp của cả hai đảng yêu cầu áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn, trong đó có việc tạm thời cấm tuyệt đối các du khách từ các nước Tây Phi nhập cảnh vào Mỹ nhằm chặn đứng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch Ebola tại nước này.
Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra tại Nhà Trắng cùng ngày, Tổng thống Obama đã bày tỏ sự "lạc quan thận trọng" trong nỗ lực đẩy lùi virus Ebola trên đất Mỹ. Theo ông chủ Nhà Trắng, chính quyền đã chuẩn bị tốt các hệ thống và cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế cộng đồng trên khắp cả nước để có thể ứng phó hiệu quả trong trường hợp xuất hiện thêm ca nhiễm Ebola mới tại nước này.
Ông Obama cũng đề cập đến một số tín hiệu lạc quan cho thấy những thành công bước đầu của Mỹ trong việc đẩy lùi sự lây lan của virus nguy hiểm này như 6 trong số 8 bệnh nhân Mỹ nhiễm virus Ebola đã được chữa khỏi, trong đó có nữ y tá Amer Vinson bị nhiễm bệnh trong quá trình điều trị bệnh nhân người Liberia Thomas Duncan đã qua đời hôm 8-10, và khoảng 50 người có quan hệ với bệnh nhân này cũng đã chấm dứt thời gian cách ly 21 ngày mà vẫn khỏe mạnh.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các quốc gia Tây Phi dập dịch, đồng thời cho biết Washingtonsẽ cử khoảng 4.000 binh sĩ đến Tây Phi hỗ trợ xây dựng các cơ sở điều trị cũng như đào tạo và nâng cao chất lượng các nhân viên y tế tại đây. Hiện có khoảng 100 nhân viên CDC và 500 quân nhân đang làm nhiệm vụ tại Liberia và Senegal.
Trong khi đó, phát biểu trước báo giới ngày 22-10, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey đánh giá cuộc chiến chống Ebola tại Tây Phi là một trong những ưu tiên an ninh quốc gia, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ sẽ tận dụng mọi khả năng để hỗ trợ các nước "ổ dịch" đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.
Hiện chính quyền các bang của Mỹ cũng đã và đang chủ động áp đặt các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân trong phạm vi bang. Cơ quan lập pháp bang Ohio, nơi nữ y tá thứ hai của bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital dương tính với virus Ebola, hồi đầu tuần đã phê duyệt ngân sách 800.000 USD hỗ trợ Sở Y tế bang tăng cường trang bị cho các bệnh viện đề phòng nguy cơ bùng phát dịch Ebola. Thống đốc bang Texas Rick Perry thông báo vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng hai cơ sở ngăn chặn và chữa trị Ebola với các trang thiết bị hiện đại nhất.
Thống đốc bang Floria Rick Scott cũng đã thành lập hai nhóm phản ứng nhanh thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia để sẵn sàng giúp các bệnh viện của bang chống Ebola. Các bang như New Jersey, Georgia, New York, Massachusetts, Indiana, California, Oregan…cũng đã và đang triển khai các kế hoạch riêng ngăn chặn nguy cơ lây lan và bùng phát dịch Ebola
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật