Thân phận đặc biệt của một ‘hổ tướng’ bên cạnh Tập Cận Bình

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lưu Nguyên - con trai cố Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ - là vị tướng “đồng trang lứa“ với Chủ tịch Tập Cận Bình và được truyền thông đánh giá sẽ là nhân vật thân cận của ông Tập.
Thân phận đặc biệt của một ‘hổ tướng’ bên cạnh Tập Cận Bình
Thượng tướng Lưu Nguyên

Lưu Nguyên: Một trong “ngũ hổ đại tướng”

Dù không thuộc nhóm tướng lĩnh lãnh đạo cấp cao nhất của quân đội Trung Quốc, nhưng Thượng tướng Lưu Nguyên – con trai cố Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ – vẫn được truyền thông nước này ưu ái xếp vào nhóm “ngũ hổ tướng” thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình, bên cạnh những cái tên kỳ cựu là các tướng Phòng Phong Huy, Trương Hựu Hiệp, Sái Anh Đĩnh, Trương Hải Dương.

Thực tế, trong thời gian gần đây, Lưu Nguyên là vị tướng lĩnh cao cấp của Trung Quốc nhận được nhiều sự chú ý từ giới truyền thông, chủ yếu do vai trò quan trọng của ông này trong vụ xử lý tướng tham nhũng Cốc Tuấn Sơn, được coi là vụ án tham nhũng lớn nhất trong lịch sử quân đội Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân giới quan sát đánh giá ông Lưu có khả năng sẽ đảm nhận vị trí lãnh đạo Ủy ban kỷ luật Quân đội và được vào Quân ủy trong vòng vài năm tới.

Truyền thông Hồng Kông nhận định, chống tham nhũng là hoạt động cốt lõi trong việc kiểm soát quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó việc đề bạt những viên tướng tài là nhiệm vụ hiển nhiên.

Các nhà phân tích cho rằng tướng Lưu Nguyên được đánh giá cao hơn bởi lòng trung thành. Theo đó, sự trung thành của ông Lưu Nguyên xuất phát từ thân phận con trai của Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ khiến ông có cảm tình đặc biệt đối với chính quyền của đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc và mang trong mình chủ nghĩa lý tưởng kế thừa từ thời Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, những đặc trưng của thân phận “hồng nhị đại” – con cháu của những người đầu tiên làm cách mạng – cũng được thể hiện rõ ở chính bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây cũng được cho là nguyên nhân 2 ông Tập, Lưu cùng mang thái độ quyết liệt đối với vấn đề chống tham nhũng tại Trung Quốc.

Mối liên hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình

2 ông Tập Cận Bình, Lưu Nguyên có xuất thân và những trải nghiệm tương đồng trên con đường phát triển.

Mingpao cũng tiết lộ thông tin thú vị, rằng trong cuốn tự truyện của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng từng nhắc tới việc lớp con cháu lãnh đạo được cử về địa phương chỉ có ông Tập và Lưu Nguyên, hai người có thể được coi là “tri kỷ”.

“Khi đó, từ Bắc Kinh xuống địa phương chỉ có Lưu Nguyên và tôi. Chúng tôi có lý tưởng giống nhau, đều theo đuổi con đường công - nông kết hợp” - Ông Tập Cận Bình viết.

Đặc biệt, giữa 2 ông Tập, Lưu cũng có nhiều điểm tương đồng: đều sinh ra vào thập niên 1950, xuất thân từ gia đình lãnh đạo, theo học trường đảng, cha mẹ bị hại trong cuộc Cách mạng Văn hóa, đến thập niên 1980 cả hai đều xuống địa phương, Lưu Nguyên về Hà Nam, Tập Cận Bình về Hà Bắc.

Sau này, ông Tập Cận Bình và Lưu Nguyên đều trở lại Bắc Kinh thông qua những con đường khác nhau. Ông Tập lọt vào tầng lớp lãnh đạo cấp cao nhất nước, còn Lưu Nguyên cũng trở thành cấp lãnh đạo trong quân đội.

Con đường sự nghiệp đầy thăng trầm

Theo nhà thơ đương đại Trung Quốc Cao Phạt Lâm, con đường thăng tiến của ông Lưu Nguyên có xuất phát điểm thấp hơn những người “đồng trang lứa” như ông Tập Cận Bình và Bạc Hy Lai khá nhiều, bắt đầu từ vị trí Phó chủ nhiệm hợp tác xã.

Tuy nhiên, ông Cao cho hay, Lưu Nguyên đã nhanh chóng vượt lên so với ông Tập và Bạc Hy Lai. Theo đó, ông Lưu lần lượt trở thành Phó chủ tịch huyện, Chủ tịch huyện, Phó thị trưởng thành phố Trịnh Châu.

Tháng 1/1988, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam xuất hiện một tin nóng: ông Lưu Nguyên vốn dĩ  không phải là ứng cử viên, nhưng được cử tri bỏ phiếu bầu cử vào vị trí Phó chủ tịch tỉnh. Sau khi Bắc Kinh biết tin cũng “tôn trọng ý nguyện của đại biểu”, và Lưu Nguyên trở thành lãnh đạo cấp tỉnh khi mới 37 tuổi.

Cùng thời gian đó, ông Tập Cận Bình điều chuyển công tác từ Hà Bắc tới Phúc Kiến, và tới năm 1993 ông Tập mới trúng cử chức Bí thư Thành ủy Phúc  Châu. Quá trình thăng tiến của Bạc Hy Lai cũng chậm hơn Lưu Nguyên tới vài năm.

Tuy nhiên, những “sai lầm chính trị” trong quá trình công tác đã khiến sự nghiệp của ông Lưu chững lại ngay khi ông này đang lên như diều gặp gió. Nhà thơ Cao Phạt Lâm cho biết, năm 1992, Lưu Nguyên bị điều chuyển làm Chính ủy thứ hai Bộ chỉ huy điện nước thuộc Lực lượng cảnh sát vũ trang, mang hàm Thiếu tướng. Mất tới 8 năm ông Lưu mới được thăng hàm Trung tướng và thêm 9 năm nữa để trở thành Thượng tướng.

Năm 2010, Thượng tướng Lưu Nguyên mới được nhận chức Chỉnh ủy Tổng cục hậu cần của Quân đội Trung Quốc.

Tiếp tục "lỡ hẹn" với cơ hội thăng tiến?

Phải đến năm 2010, ông Lưu Nguyên mới trở thành Chính ủy Tổng cục hậu cần, và tới nay thì tương lai của ông này vẫn còn là câu hỏi đối với giới truyền thông.

Tờ Mingpao (Hồng Kông) hôm 20/10 dẫn một nguồn tin giấu tên từ Bắc Kinh cho hay, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục trang bị Trương Hựu Hiệp – viên tướng “hồng nhị đại” được cho là cánh tay đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình – có khả năng sẽ được thăng chức làm Phó chủ tịch thứ 3 của Quân ủy Trung ương tại Đại hội Đảng lần 4 khóa 18 đang được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 20 - 23/10.

Trước đó, tờ Hoa Nam Buổi Sáng của Hồng Kông đã đưa tin, cho rằng ông Tập sẽ đề bạt một trong hai ông Lưu hoặc Trương vào vị trí Phó chủ tịch Quân ủy.  Hôm 22/9, Hoa Nam cũng chỉ ra, trước đây Quân ủy Trung ương từng có thời điểm có 4 vị Phó chủ tịch.

Theo Mingpao, Thượng tướng Lưu Nguyên rất có thể sẽ phải “lỡ hẹn” với cơ hội thăng chức lần này.

Tờ báo Hồng Kông dẫn một nguồn tin trong quân đội cho hay, ông Lưu đã trực tiếp khiến cựu Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần Cốc Tuấn Sơn “ngã ngựa”, lập được công lớn đối với hoạt động chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc.

Theo đó, danh tiếng của ông Lưu trong quân đội cũng trở nên “lẫy lừng hơn”, và vị Thượng tướng này thường được nhắc đến cùng với cha mình - cố Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ - như một gia tộc 2 đời cống hiến cho đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc.

Mặc dù vậy, giới quan sát chính trị phân tích, Thượng tướng Lưu Nguyên hiện không phải là Ủy viên Quân ủy, chưa kể ông Lưu gia nhập quân đội “nửa chừng”, do đó khả năng ông này được phá lệ để thăng chức làm Phó chủ tịch Quân ủy là rất nhỏ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật