Đã không hỗ trợ cho họ và đe dọa sẽ đứng lên lật đổ chính quyền.Đây là thông tin được tạp chí Chính sách Đối ngoại của Mỹ cho biết trong một bài báo được đăng tải trên website của họ số ra ngày hôm qua (6/9). Phóng viên của tạp chí Chính sách Đối ngoại Mỹ đã trực tiếp gặp gỡ và phỏng vấn một số binh sĩ Ukraine.
“Quân đội đã không đến giúp chúng tôi khi chúng tội bị bao vây, mắc kẹt ở khu vực hành lang trong suốt hai ngày và họ đã không đến giúp chúng tôi, đó là điều tồi tệ nhất”, một binh sĩ đến từ tiểu đoàn tình nguyện Donbass cho hay.
“Tất cả các tiểu đoàn được đưa tới chiến trường Ilovaisk đều nghĩ rằng họ đã bị chính phủ phản bội. Họ muốn phá bỏ các tiểu đoàn tình nguyện. Chính phủ sợ chúng tôi và muốn kiểm soát chúng tôi”, binh sĩ trên giận dữ nói.
Thua trận trên chiến trường Ilovaisk cùng một loạt thất bại tương tự ở khắp miền đông Ukraine trong những tuần gần đây là một phần trong trong những áp lực mà chính quyền Kiev phải hứng chịu và buộc phải đi đến bàn đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn và thực thi kế hoạch hòa bình hôm thứ Sáu (5/9).
Các binh lính tình nguyện từ Donbass cho biết, họ lần đầu tiên tiến vào thành phố Ilovaisk hôm 18/8. Thành phố này nằm bên ngoài Donetsk, trên một con đường sắt nối đến biên giới Nga. Ilovaisk được coi là thành phố có tính quan trọng then chốt trong nỗ lực của quân đội Ukraine nhằm tìm cách chia cắt hai thành trì chính lớn nhất của lực lượng ly khai là Donetsk và Luhansk.
“Chúng tôi đã cầu cứu sự giúp đỡ từ Ilovaisk, kêu gọi quân đội đến và tăng viện cho chúng tôi”, một nữ binh sĩ tình nguyện cho biết. Tuy nhiên, “họ đã không đến và chúng tôi bị bao vây”, nữ binh sĩ trên cho biết thêm.
“Chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới và sau đó sẽ đến Kiev để lật đổ chính quyền”, một binh sĩ của tiểu đoàn tình nguyện Donbass cho hay. “Nhiều người đã chết ở Maidan và không ai phải trả giá cho điều đó. Bây giờ, mọi người lại đang chết dần chết mòn ở Ilovaisk và cũng không ai quan tâm đến điều đó. Đây là lý do chúng tôi muốn thay đổi tình hình”, một binh sĩ tình nguyện của quân đội Ukraine đã tuyên bố như vậy.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine đã giải thích trước Quốc hội sau đó rằng, thảm họa trên là do “sự rò rỉ thông tin” - bộ máy an ninh và quân đội Ukraine được cho là có nhiều gián điệp cung cấp thông tin cho Nga; và “sự độc lập của các tiểu đoàn tình nguyện cũng như việc thiếu sự phối hợp chính xác giữa họ và quân đội chính quy”, tạp chí Chính sách Đối ngoại Mỹ dẫn lời một tờ báo của Ukraine cho biết.
Trước khi xảy ra vụ việc các tiểu đoàn tình nguyện bị bao vây ở Ilovaisk bị chính quyền bỏ rơi, hồi đầu tháng 8 cũng đã từng xảy ra tình trạng 438 binh lính Ukraine, trong đó có nhiều người đến từ sư đoàn cơ giới số 72 cũng như lính biên phòng, đã ồ ạt đào ngũ, chạy đến biên giới và xin Nga cho phép được ẩn náu. Lý do mà những binh sĩ này đưa ra là do họ đã bị chính quyền Kiev phản bội, bỏ rơi.
Thiếu đạn dược, lương thực, nhiêu liệu và những mệnh lệnh "cố gắng cầm cự" là những nguyên nhân chủ yếu khiến hàng trăm sĩ quan của sư đoàn cơ giới số 72 của quân đội Ukraine buộc phải “bỏ của chạy lấy người”.
Thiếu tá Vitaly Dubinyak và tiểu đoàn của ông này đã chạy sang biên giới của Nga ngay trong những giờ đầu của ngày 4/8. “Chúng tôi phải chật vật chiến đấu chống trả trong tình trạng thiếu nhiên liệu và vũ khí trong suốt 2 tuần. Chúng tôi đang cạn kiệt lương thực và thậm chí không còn cả những bữa trưa đóng gói. Binh lính Ukraine kiệt sức và mất sinh khí vì tình trạng tuyệt vọng nhiều hơn là vì đạn lửa”, Thiếu tá Dubinyak cho biết.
Mệnh lệnh duy nhất mà họ liên tục nhận được từ bộ chỉ huy trung ương trong suốt những ngày bị lực lượng ly khai bao vây chỉ là lời yêu cầu “cố gắng cầm cự” mà không có bất kỳ sự tăng viện nào cả về nhu yếu phẩm lẫn binh lính. “Dường như họ đã chôn vùi chúng tôi. Chúng tôi phải từ bỏ vũ khí, thiết bị quân sự và rời đến bên kia biên giới. Điều quan trọng nhất là cứu những người lính của tôi”, ông Dubinyak nhấn mạnh. “Ngoài mệnh lệnh cầm cự, Kiev chẳng cung cấp cho chúng tôi bất kỳ sự hỗ trợ nào. Và trong suốt thời gian kéo dài một tuần, họ thậm chí còn cắt đứt mọi cuộc liên lạc với chúng tôi. Họ đơn giản là đã từ bỏ chúng tôi”, ông Dubinyak nói thêm. Đây chính là sự “phản bội” của bộ chỉ huy quân đội Ukraine khiến hàng trăm binh lính đầu hàng, hạ vũ khí, ồ ạt chạy sang Nga.
Sau khi xảy ra tình trạng hàng trăm binh lính đào ngũ chạy sang Nga vì bị “bỏ rơi, bỏ đói”, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ngay lập tức ra lệnh cách chức hai lãnh đạo quân sự hàng đầu chịu trách nhiệm về việc cung cấp vũ khí và hỗ trợ hậu cần cho binh lính Ukraine.