Báo Độc lập (Nga) cùng ngày cho biết đúng "dịp sinh nhật" lần thứ 65 (ngày 4/4/1949-2014), NATO như được hồi sinh, "lại một lần nữa tổ chức này trở thành một liên minh phòng thủ chống Nga".
Với sự biến mất của cuộc đối đầu quân sự tại châu Âu sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, NATO đã thực sự suy yếu, dường như không có đất dụng võ. Các thành viên châu Âu của liên minh quân sự này, phần vì chìm trong khủng hoảng nợ công, phần vì không thấy động lực cũng như sự thiết yếu, đều đã nhanh chóng giảm chi tiêu quốc phòng, giảm đầu tư cho các lực lượng vũ trang.
Ngay cả Hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây nhất tại Chicago (Mỹ) vào tháng 5/2012, tổ chức này cũng đã thông qua quyết định thực hiện cái gọi là sự "phòng thủ thông minh" hoặc "phòng thủ kinh tế".
Câu chuyện Crimea (Crưm) dường như "đã thức tỉnh" NATO. Có thể thấy rõ, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, các chính trị gia, các chuyên gia quân sự từ 28 quốc gia - thành viên NATO vẫn còn khá mơ hồ không hình dung nổi NATO sẽ như thế nào sau khi phần lớn quân đội khối này phải rút khỏi Afghanistan trước cuối năm 2014.
Hội nghị Ngoại trưởng các nước NATO ở Brussels diễn ra ngày 1/4 đã ra thông cáo chính thức lên án "Nga can thiệp vào nhà nước có chủ quyền Ukraine", việc tiếp nhận Crimea là bất hợp pháp. Khối này cũng công khai tuyên bố sẽ dành sự hỗ trợ quân sự nhiều hơn nữa cho Ukraine, cho dù Kiev từ trước đến nay chưa bao giờ có ý định phải nhất quyết trở thành thành viên NATO.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất - để đối phó với Nga, NATO sẽ xem xét lại các chiến lược dài hạn của mình. Lúc này, nhiệm vụ chính của NATO sẽ là kiềm chế Nga trên mọi phương diện có thể như ngoại giao, kinh tế và quân sự. Tổng tư lệnh các lực lượng NATO ở châu Âu, tướng Mỹ Philip Bridlavu đã được giao nhiệm vụ đến trước ngày 15/4 phải đệ trình các biện pháp nhằm tăng cường khả năng bảo vệ biên giới phía Đông của NATO, đó là các nước vùng Baltic, Ba Lan và Romania.
Trong khi đó, Mỹ cũng triển khai tới các nước Baltic thêm 6 máy bay chiến đấu F-15, tới Ba Lan 12 máy bay chiến đấu F-16, và cũng sẽ gửi đến Biển Đen tàu chiến. Trong tương lai các thiết bị quân sự hạng nặng của NATO có thể xuất hiện trên lãnh thổ Latvia, Lithuania, Estonia và Ba Lan; NATO dự kiến thành lập các căn cứ quân sự thường trực ở những nước này.
Nói về việc tăng cường khả năng quốc phòng cho các nước đồng minh tại Đông Âu, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cuối tuần qua cho biết việc NATO gia tăng sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia này thực chất là nhằm giảm bớt lo âu của các nước Đông Âu về sự an toàn của họ sau khi Crimea sáp nhập vào Nga.
Các nhà quan sát đã không khó để có thể phán đoán rằng chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO tại xứ Wales (Anh), sẽ là đảm bảo khả năng phòng thủ tập thể, mà trước hết là của các thành viên ở Đông Âu.
Trong khi đó, Moskva đã lên tiếng cáo buộc NATO đang trở lại áp dụng lý thuyết và chiến thuật của thời chiến tranh lạnh. Theo Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko, "trong thế kỷ XXI để bảo đảm an ninh quốc gia bằng cách cho phép quân đội nước ngoài đóng trên lãnh thổ nước mình, cho phép triển khai các cơ sở quân sự của Mỹ và các nước khác tại nước mình, đó hoàn toàn không phải là thượng tầng kiến trúc hiện đại... Còn việc tiến tới kỷ nguyên của những cuộc đối đầu, lấy đó làm vũ khí để bảo vệ an ninh quốc gia, đã trở nên lỗi thời, cần phải vứt bỏ lại cùng với quá khứ".