Cụ thể ở lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Khải Định có 2 ngựa đá/ lăng nguyên bản bằng đá ở mỗi lăng. Còn lại ở lăng vua Tự Đức, cặp ngựa đá được làm lại bằng vôi vữa ở các đời sau. Một điều đáng quý vì đây cũng là những con ngựa đá hiếm hoi còn lại ở toàn bộ khu di sản Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa vật thể đại diện nhân loại vào năm 1993.
Trung bình ngựa đều có chiều cao trên 2 thước. Được chạm trổ tinh xảo như ngựa thật, bên cạnh đó vật trang trí cho ngựa như yên cương, dây đeo cổ, lục lạc… được đẽo gọt rất khéo. Tùy theo mỗi đời vua, mà ngựa có lúc dáng gầy – mập hay cao – thấp khác nhau.
Ngoài ngựa, ở sân chầu 6 lăng vua trên và sân Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế còn có voi (tổng 10 con), quan võ (tổng 30 vị), quan văn (27) và lính (14). Tất cả đều làm bằng đá với kích cỡ gốc. Tượng được bố trí từng cặp đối xứng nhau. Các lăng từ Gia Long đến Đồng Khánh từ ngoài vào trong là 2 hàng đối xứng nhau gồm: 1 đôi voi, 1 đôi ngựa, 2 hoặc 3 đôi quan võ, 2 đôi quan văn. Riêng lăng Khải Định còn có thêm nhiều tượng lính thị vệ, được bố trí thành 4 hàng đối xứng nhau (mỗi bên 2 hàng, nhiều hơn các lăng khác).
Các tượng đá ở sân lăng vua đều có chất liệu thích hợp với điêu khắc ngoài trời, có thể chịu được sự tác động của nắng mưa mà đường nét và mảng khối ít bị mòn. Một số tài liệu cho hay thợ Quảng Nam tạc tượng voi và ngựa, còn thợ Thanh Hóa tạc tượng người.
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh TT-Huế, phần Mỹ thuật “Những pho tượng ở Huế vẫn là những tác phẩm điêu khắc hoàn mỹ. Nghệ sĩ nghiên cứu đối tượng khá kỹ, nắm vững cách thể hiện từng chi tiết cũng như toàn thể pho tượng. Các bộ phận phối hợp nhau trong một đường viền rõ ràng, lặng lẽ, nghiêm túc, các mảng căng phồng phát triển theo hướng đứng thẳng là chính, điểm xuyết bởi một số đường ngang và ít đường cong uốn lượn làm cho trong sự chắc khỏe của tượng có cả vẻ uyển chuyển, dịu dàng.
Cả một hệ thống được xếp thành hàng ngang hai bên sân bái đình rộng thênh thang và vắng lặng càng tạo nên một sự uy nghi trầm mặc, thu cuộc sống vào nội tâm để rồi cùng với những “cây thiêng” phía sau, hàng đại ở gần, hàng thông ở xa, hòa với tiếng chim hót, gió reo, quyện với núi rừng để nhập vào vũ trụ. Suy cho cùng, sự đăng đối trên tàng cá thể đến sự đối xứng trong cả quần thể tượng, hoàn toàn phù hợp với tính chất lăng mộ của một thời chuyên chế”.
Ngày đầu xuân con ngựa, xin mời độc giã hãy cùng Báo đi ngắm dàn 10 con ngựa đá còn lại ở lăng vua Nguyễn:
Ngựa đá và voi đá trong sân chầu vua Gia Long
Cận cảnh ngựa đá lăng vua Gia Long . Ngựa nhìn rất săn chắc, có hình dáng ngựa chiến vì vừa trải qua nhiều cuộc chiến tranh với binh lính Tây Sơn Nguyễn Huệ
Ngựa thời vua Minh Mạng (ảnh) có phần bệ vệ và mập hơn ngựa thời vua cha Gia Long
Ngựa đá lăng vua Thiệu Trị có vóc dáng nhỏ, khuôn mặt tươi vui
2 chú ngựa và voi đá sân chầu lăng Thiệu Trị đứng ở vị trí ngoài cùng
Ngựa đứng ở sân chầu lăng vua Đồng Khánh
Con ngựa được mang nhiều vật trang trí rất đẹp
Ngựa đá lăng Khải Định có vẻ mặt nghiêm trang