Về Nhật Tân tìm đào “thất thốn”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhật Tân những ngày cuối năm dường như ấm áp hơn bởi những cánh hoa đào đang đua nhau khoe sắc. Và ở một góc vườn, đào “thất thốn” ẩn mình trên những cành cây sù sì, mốc meo chờ ngày đâm chồi, nảy lộc.
Về Nhật Tân tìm đào “thất thốn”
Nụ đào “thất thốn” đón chào năm mới. Ảnh: Q.T

Vẻ đẹp của loài hoa “trễ hẹn”

Đào “thất thốn” được nhiều người trồng đào Nhật Tân biết đến với dáng cây trầm mặc, cổ kính pha lẫn phong trần, sương gió. Khác với gốc đào truyền thống như đào bích, đào phai hay đào bạch, cây đào “thất thốn” có kích thước nhỏ, cao khoảng “7 tấc”, gốc cây sù sì, mốc meo; thân cây rắn rỏi và có dáng dấp giống với những bonsai của Nhật Bản. Hoa đào “thất thốn” không chỉ nở ở cành mà còn mọc ở những gốc sù sì, dáng cổ thụ, có cây hoa còn mọc ở sát mặt đất. “Đã có những cây đào “thất thốn” có 3 bông mọc ở gốc, được bán với giá hơn 30 triệu đồng vào năm 2010”- chủ vườn đào Mạnh Hùng (Nhật Tân- Hà Nội) chia sẻ.

Cũng do những nét đẹp hiếm có và khác với những giống đào thông thường nên đào “thất thốn” đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của những nghệ nhân chơi cây cảnh lâu năm tại Nhật Tân. Có người đã lặn lội từ Hà Nội đến những tỉnh vùng cao như tại Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu để truy tìm nguồn gốc của giống đào lạ này. Trong đó, nghệ nhân đầu tiên thành công trong việc đưa đào “thất thốn” về với đất Nhật Tân và giúp chúng thích nghi được với môi trường sống tại đây là ông Lê Hàm- người sinh ra trong gia đình có 3 thế hệ trồng đào tại Nhật Tân.

Lê Hàm- người đã thành công trong việc “khai nụ” cho đào “thất thốn” vào dịp Tết. Ảnh: Q.T.

Khu vườn của “gã” thợ trồng đào “thấn thốn” Lê Hàm không nhộn nhịp như khung cảnh vốn có của vườn đào Nhật Tân những ngày cuối năm. Ngồi bên bàn trà, Lê Hàm chia sẻ: “Đào “thất thốn” rất kén người chơi vì đó là loài hoa kiêu kỳ, bất phục và chỉ nở khi xuân đã cạn ngày, vào độ tháng Giêng khi những loại đào bích, đào phai, đào bạch… đã bắt đầu rữa cánh dưới nắng xuân. Cũng vì chỉ nở vào dịp “khóa xuân” nên đào “thất thốn” thường trễ hẹn với người yêu thích chúng, để rồi đến khi “khai nụ” rất ít người biết và được thưởng lãm. Không đem lại thu nhập kinh tế cho người trồng, đào “thất thốn” cũng dần đi vào quên lãng, vắng bóng tại xứ sở hoa đào trên đất Hà Thành”.

Câu chuyện tiếp tục khi anh Lê Hàm đưa tôi ra vườn, chỉ về phía 2 cây đào “thất thốn” mình ưa thích, anh tâm sự: “Người chơi đào “thất thốn” phải là người thực sự gửi gắm linh hồn, tình cảm vào cây. Nếu những giống đào khác chỉ 2-3 năm là có thể bán thì đào “thất thốn” phải mất từ 8 đến 10 năm. Bên cạnh đó, do cây và hoa đều khó chăm sóc nên người trồng đào “thất thốn” phải “canh”, ăn ngủ với cây để quan sát và hiểu được nhưng thay đổi bên trong chúng để kịp “hãm” hoặc “thúc” cho những nụ hoa hiếm hoi bung nở đúng vào dịp Tết. Đồng thời, thợ trồng đào “thất thốn” chăm cây không chỉ để chúng ra nhiều nụ, nhiều lộc mà còn để giúp từng bông hoa có thêm cánh, dày mình, màu đỏ thắm, đúng với bản chất của chúng.

Hành trình khám phá bí ẩn đào “thất thốn”

Sinh ra trong gia đình có truyền thống trồng đào, “gã gàn dở”- Lê Hàm gắn bó nghiệp ông cha từ khi còn là một cậu bé phụ ông và bố đi xách xô tưới nước cho từng gốc cây. Có lẽ do nghề đã ngấm vào máu nên “gã gàn dở” có “sẵn máu điên trong người” (theo cách người dân Nhật Tân gọi anh trước đây và cách anh tự nói về bản thân mình bây giờ) đã tìm ra bí quyết “khai nụ” cho đào “thất thốn” đúng dịp Tết.

“Tôi đã gắn bó với đào “thất thốn” được 25 năm kể từ năm 1989, nhưng phải đến năm 2010 tôi mới thực sự thành công với loài hoa này. Trước đó, vào những năm 1994, 2007, 2009 tôi đã có những lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa kiêu kỳ này tại khu vườn nhà mình, nhưng những lần đó chúng đều “trễ hẹn”.

“Hầm bí mật” của Lê Hàm

Câu chuyện giữa tôi và “gã gàn dở” gián đoạn khi có một vị khách đến hỏi mua đào “thất thốn”. Khác với cách “đon đả” mời hàng như những chủ vườn khác, Lê Hàm rót cho khách chén chè và hỏi một vài câu như: “Anh chơi đào “thất thốn” bao giờ chưa? Có kinh nghiệm về chăm sóc cây cảnh không? Anh mua hoa để bày ở không gian nào?”. Những câu hỏi tưởng chừng như kì quặc này được anh giải thích: “Người mua đào thường chỉ thích cây to, nhiều nụ, nhiều lộc nhưng đào “thất thốn” dáng nhỏ bé, thân sù sì lại ít hoa nên không thể đòi hỏi như những giống đào khác được. Bên cạnh đó, khi chuyển cây cho khách, tôi cũng phải bảo cho họ một số bí quyết về cách chăm sóc cây,  đó cũng là chăm sóc đứa con tinh thần của mình”.

Tiếp tục câu truyện trước đó, Lê Hàm tâm sự: “lặn lội gần 25 năm trồng đào “thất thốn”, mấy mùa xuân trôi qua, cứ vào gần Tết là tôi lại mò mẫm lên những tỉnh vùng cao như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai để tìm nơi đào “thất thốn” sống tự nhiên . Có kẻ gọi tôi là “gã khùng”, “gã gàn dở”, “bị điên” nhưng theo tôi, để giúp hoa nở đúng dịp Tết không còn cách nào khác là phải tìm ra nơi chúng mọc tự nhiên. Từ vách đá cheo leo, hang động ẩm ướt đến nơi đất đai cằn cỗi tôi đều cố tìm đến. Có người dân địa phương đã tưởng tôi là lâm tặc hay người đi khai thác vàng trái phép”.

Dẫn tôi ra “căn hầm bí mật” mà theo Lê Hàm giới thiệu là “hiếm lắm tôi mới mở ra cho người lạ xem”, anh tâm sự: “Tôi phát hiện ra đào “thất thốn” một cách ngẫu nhiên khi đang nghỉ chân trong một hang động tại một tỉnh miền núi phía Bắc. Trên nền đất khô, giữa những khe đá, hoa đào “thất thốn” nổi bật nhờ sắc đỏ thắm, bừng lên sức sống mãnh liệt giữa cái giá lạnh và sự khô cằn của núi đá vùng cao. Sau khi đánh dấu địa điểm hoa “thất thốn” mọc trên bản đồ, tôi đã nhiều lần quay lại để đo nhiệt độ, độ ẩm, lấy mẫu đất để về phân tích; từ đó làm ra “căn hầm bí mật” để trồng loại đào này ”.

Hiện tại khu vườn của gia đình Lê Hàm có hơn 50 gốc đào “thất thốn”, trong đó có 1 cây sẽ được đưa đến Văn Miếu Quốc Tử Giám vào dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Theo anh, “trung bình 1 gốc “thất thốn” có giá từ 8-10 triệu đồng, những gốc cây đẹp có thể lên đến vài chục triệu đồng”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật