Ấn Độ đang ôm ấp tham vọng đưa lực lượng hải quân của họ trở thành hải quân nước xanh (lực lượng hải quân có khả năng tác chiến cách cảng nhà hàng nghìn km) hàng đầu châu Á. Và để thực hiện tham vọng đó, quân đội Ấn Độ có rất nhiều dự án đóng tàu khác nhau ở cả trong nước lẫn đặt hàng ở nước ngoài để nhanh chóng tăng cường chất lượng, số lượng hạm đội tàu chiến của mình.
Trong số các tàu khu trục đang được đóng mới cho Hải quân Ấn Độ, tàu khu trục lớp Kolkata được đánh giá là một đỉnh cao cả ở công nghệ chế tạo và sức mạnh tác chiến. Lớp tàu này không chỉ là biểu tượng cho sức mạnh tác chiến mà còn là biểu tượng cho sự lớn mạnh không ngừng của công nghiệp đóng tàu chiến Ấn Độ.
Tàu khu trục lớp Kolkata được phát triển và đóng mới tại nhà máy đóng tàu Mazagon. Đây là một trong những nhà máy đóng tàu lâu đời nhất Ấn Độ. Hiện tại, có 3 chiếc tàu khu trục lớp Kolkata đang được đóng mới tại đây. Chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được biên chế vào lực lượng hải quân Ấn Độ trong năm 2014.
Một tàu chiến “rất đẹp mắt”
Tàu khu trục lớp Kolkata hay còn gọi là Project 15A, thuộc loại tàu khu trục mang tên lửa điều khiển. Nó có thiết kế thủy động lực học tiêu biểu cho xu hướng phát triển các tàu chiến tàng hình đang thịnh hành trên thế giới. Hơn thế, tàu có thân hình mượt mà và rất bắt mắt.
Project-15A được phát triển trên cơ sở của tàu khu trục lớp Delhi, nhưng toàn bộ công nghệ được áp dụng cho tàu khu trục lớp Kolkata đều ở một đẳng cấp cao hơn nhiều so với thế hệ trước đó.
Để tăng cường khả năng tàng hình trước các hệ thống trinh sát điện từ của đối phương, toàn bộ các hệ thống vũ khí chính của tàu lớp Kolkata đều được thiết kế nằm bên trong thân tàu để giảm độ bộc lộ radar. Hai ống xả của động cơ được bố trí cách xa nhau để làm giảm độ bộc lộ hồng ngoại.
Kolkata có cấu trúc thượng tầng dạng tháp ăng ten tương tự như tàu khu trục phòng không Type-45 của Anh, nhưng cột ăng ten thấp hơn. Phần đỉnh của tháp ăng ten trang bị một radar quét mạng pha 3 tọa độ
Tàu được thiết kế để thực hiện một loạt các nhiệm vụ khác nhau như tuần tra, chống tàu chiến mặt nước, tác chiến phòng không và đánh chặn tên lửa tầm xa, chiến tranh chống ngầm và có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Hệ thống điện tử cực đỉnh
Tàu khu trục lớp Kolkata được trang bị các hệ thống điện tử hàng hải đa nhiệm thuộc loại hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Cảm biến chính của tàu là radar quét mạng pha điện tử chủ động, radar AESA EL/M-2248 MF-STAR được đánh giá là một trong những hệ thống radar hàng hải tốt nhất thế giới hiện nay.
Radar cung cấp các hình ảnh chất lượng cao và hỗ trợ giao diện vũ khí theo từng điều kiện thời tiết và môi trường khó khăn nhất trong lĩnh vực hải quân hiện tại và tương lai.
Kết hợp các công nghệ tiên tiến và hệ thống cấu trúc mạnh mẽ, radar EL/M-2248 sử dụng nhiều chùm tia điện tử và xung Doppler kỹ thuật số khác nhau, cũng như các kỹ thuật đối phó điện tử (ECCM) mạnh mẽ.
Radar EL/M-2248 có khả năng hoạt động với nhiều chức năng cùng lúc, cung cấp các hình ảnh giám sát mục tiêu chất lượng cao, hỗ trợ vũ khí tấn công trong khi vẫn duy trì khả năng bảo vệ nhóm chiến đấu trước nhiều mối đe dọa khác nhau.
Radar hoạt động ở băng tần S, tầm phát hiện các mục tiêu máy bay bay cao ở cự ly 250km, các mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm ở cự ly 25km. Đặc biệt radar này được IAI của Israel phát triển riêng cho Ấn Độ và hoàn toàn tương thích với chương trình phát triển tên lửa đánh chặn ADD của nước này.
Ngoài ra, tàu khu trục lớp Kolkata còn được trang bị radar giám sát và kiểm soát mục tiêu và cảnh báo mối đe dọa từ tên lửa EL/M-2238. Radar này hoạt động ở băng tần S và tương thích với nhiệm vụ hỗ trợ phòng thủ tên lửa.
Tàu còn trang bị radar giám sát các mục tiêu phía sau BEL RAWL-02do Thales của Pháp chế tạo, hệ thống sonar kéo theo BEL Nagin, hệ thống chiến tranh điện tử Deseaver MK II do Elbit Systems sản xuất, hệ thống dữ liệu chiến đấu đa mục tiêu EMCCA Mk4.
Sức tấn công cực mạnh
Tàu khu trục lớp Kolkata được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh với khả năng tấn công và phòng thủ toàn diện. Về khả năng chống hạm, tàu được trang bị 4 hệ thống phóng thẳng đứng với 16 tên lửa chống hạm BrahMos. Đây là loại tên lửa chống hạm có tốc độ nhanh nhất thế giới hiện nay với tầm bắn lên đến 300km. BrahMos thực sự là cơn ác mộng cho bất kỳ tàu chiến nào.
Về khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa, tàu khu trục lớp Kolkata sử dụng 3 loại tên lửa siêu âm khác nhau cho nhiệm vụ chống máy bay, đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa chống hạm với đủ tầm cao, tầm trung và tầm thấp.
Về đánh chặn tầm xa, tàu sử dụng 8 hệ thống phóng thắng đứng VLS cho tên lửa đánh chặn tầm xa AAD. Loại tên lửa này có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo với tầm bắn đến 200km.
Về đánh chặn tầm trung, tàu sử dụng 48 tên lửa đánh chặn Barak-8 với tầm bắn 70km, tên lửa có khả năng hoạt động độc lập rất cao và gần như không phải phụ thuộc vào hệ thống nhắm mục tiêu hay dẫn đường của bệ phóng.
Ở tầm ngắn, tàu sở hữu 32 tên lửa đánh chặn Barak-1 với tầm bắn 12 km.
Bất kỳ tên lửa chống hạm, hay máy bay chiến đấu nào trước khi uy hiếp tàu khu trục lớp Kolkata phải vượt qua 3 hệ thống đánh chặn nói trên.
Pháo chính sử dụng trên tàu là loại A-190E 100mm, có tốc độ bắn tối đa 60 viên/phút với tầm bắn hiệu quả 15,2km. Về tác chiến chống ngầm, tàu được trang bị 2 cụm phóng ngư lôi 533mm với 2 ống phóng/cụm, 2 hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000.
Ngoài ra, đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa đủ chổ cho 2 trực thăng, hai trực thăng này cung cấp khả năng chống ngầm mạnh mẽ.
Tàu khu trục lớp Kolkata sử dụng hệ thống đẩy kết hợp tuabin-tuabin khí COGAG, với hai động cơ tuabin khí M36E (công suất mỗi động cơ là 64.000 mã lực), kết hợp với 4 động cơ tuabin khí DT59. Hệ thống truyền động 2 hộp số RG-54, hai máy phát điện diesel công suất 9.900 mã lực.
Hệ thống đẩy này cung cấp tốc độ tối đa trên 30 hải lý/h. Tầm hoạt động của tàu khu trục này vẫn chưa được công bố nhưng theo các chuyên gia quân sự phán đoán ở khoảng 5.000-6.000 dặm.