Những mệ già nối nhau làm hướng dẫn viên du lịch

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở tuổi ngoài 70, trong lúc nhiều người đã “về với các cụ“ hoặc an hưởng tuổi già, thì ở xã Thuỷ Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn có nhiều mệ già hằng ngày “kiếm sống“ bằng nghề... hướng dẫn viên du lịch.
Những mệ già nối nhau làm hướng dẫn viên du lịch
Mệ Ngảnh đang làm... hướng dẫn viên ở Bảo tàng Nhà nông cụ. Ảnh: Chân Nhân

Dù chỉ là một hướng dẫn viên nghiệp dư và bất đắc dĩ cho nhà trưng bày nông cụ của xã, tuy nhiên mấy năm nay, những mệ Ngảnh, mệ Hấu... là một trong những nhân tố tạo nên "vẻ đẹp tiềm ẩn" cho hình ảnh du lịch của xã Thuỷ Thanh ngoài hình cầu ngói Thanh Toàn và "chợ quê ngày hội" trong các kỳ festival Huế.

Còn nhớ hồi Festival Huế 2006, xã Thuỷ Thanh làm xôn xao du khách bốn phương khi xây dựng và đưa vào hoạt động nhà trưng bày nông cụ. Đó là những câu chuyện kể về sinh hoạt đời thường của người dân quê Thuỷ Thanh nói riêng và Thừa Thiên-Huế nói chung thông qua các hiện vật nông - ngư cụ như: Thuyền, lu, chơm cá, liềm gặt lúa, cối xay lúa... Bảo tàng nông cụ được du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đón chào nồng nhiệt, tò mò, bởi mỗi hiện vật là một câu chuyện, gắn liền với những sinh hoạt dung dị của người dân Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử, là chuyện của một thời chưa xa nhưng đã trở thành xưa cũ.

Nhà trưng bày nông cụ là một sự bổ sung tuyệt vời cho "điểm đến" Thuỷ Thanh lâu nay đã rất nổi tiếng với hình ảnh cầu ngói Thanh Toàn, một công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ thế kỷ 17, theo lối kiến trúc "trên nhà, dưới cầu" (thượng gia, hạ kiều), tương tự như chùa Cầu ở phố cổ Hội An. Và gần đây nhất là những ngày hội chợ quê trong các kỳ festival Huế...

"Mệ thấy tội cho mấy o, mấy chú bên Tây..."

Tuy nhiên, nhà trưng bày nông cụ chỉ "xôn xao" trong những ngày Festival Huế 2006, rồi sau đó đóng cửa im ỉm chẳng khác nào nhà kho chứa nông cụ đơn thuần. "Lúc nớ, mệ thấy mấy chú cán bộ xã sáng mô cũng ra mở cửa nhà nông cụ ni một chặp rồi... đóng cửa đi về. Những lúc nớ mệ thấy tội cho mấy o, mấy chú bên Tây. Họ lặn lội mấy ngàn cây số qua đây để thăm bà con mình, thăm nhà nông cụ, nhưng tới nơi thì nhà nông cụ đóng cửa, nên họ chỉ đi loanh quanh ở cầu ngói rồi về. Mệ thấy rứa là không được. Mệ nói với mấy chú cán bộ xã thôi để hằng ngày mệ ra đây trông coi, quét dọn miễn phí cho, nhân dịp cho mệ đặt ở đó cái quầy để bán hàng lưu niệm cho khách. Họ đồng ý, rứa là mệ làm luôn cho tới chừ" - mệ Ngảnh kể về nguyên nhân mệ trở thành... hướng dẫn viên du lịch.

Lúc đầu, công việc hằng ngày của mệ Ngảnh chỉ là mở cửa nhà nông cụ, quét dọn sạch sẽ để đón khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên ở nhà nông cụ, có những nông cụ như: Nhủi, lừ (để bắt cá)... ngay cả hướng dẫn viên chuyên nghiệp cũng không biết đó là cái gì, và có biết thì không làm cách nào để giải thích cho khách hiểu về công năng của nó trong thực tế. "Rứa là bất đắc dĩ, mệ phải dành việc của mấy o, mấy chú hướng dẫn viên để giải thích cho khách hiểu về xuất xứ và chức năng của từng vật dụng. Có khi nói mãi mà khách họ vẫn không hiểu, rứa là mệ phải nói... bằng tay".

Mệ Ngảnh vừa kể vừa minh họa bằng động tác: "Ví dụ khách hỏi đến cối xay lúa, mệ phải kể và diễn tả bằng hành động xay lúa như ri để cho họ nghe, hiểu các công đoạn từ đi cắt lúa ngoài ruộng, rồi bỏ vào cối xay, sau đó sàng thành gạo, nấu thành cơm và ăn ra răng. Rồi có ai hỏi đến các dụng cụ bắt cá, mệ phải đeo oi, cầm chơm và diễn tả việc lội chân thấp chân cao dưới ruộng để chơm cá và bắt cá bỏ vô oi...". Sau một hồi chạy đi chạy lại để kể chuyện và làm mẫu động tác với tất cả những loại nông cụ, mệ Ngảnh dừng lại thở dốc: "Mà không biết mệ kể và làm ra răng mà ai cũng... vỗ tay rào rào khen hay!".

Chúng tôi thắc mắc không hiểu là khi gặp khách Tây, đặc biệt là tây đi lẻ không có hướng dẫn viên thì làm sao mà họ hiểu được những gì mệ nói? Mệ cười bí hiểm: "Đơn giản lắm. Còn khoẻ hơn cả người Việt bởi mệ không cần nói. Vì tất cả các hiện vật trưng bày ở đây đều có bản ghi chú bằng tiếng Anh. Mệ chỉ cần đứng quan sát, thấy hắn đi đến nhìn cái cối xay, là mệ tới cối xay làm động tác xay lúa; hắn đi đến bên cái cày, rứa là mệ mang áo, cầm roi biểu diễn động tác đang đi cày... Bọn Tây ngó rứa chớ thông minh lắm. Mệ mần chi bọn hắn cũng hiểu hết...".

Mệ cũng là một... "sản phẩm du lịch"

Công việc tốn nhiều thời gian nhất của mệ Ngảnh là quét dọn nhà nông cụ và hướng dẫn cho khách, tuy nhiên, thu nhập chính của mệ lại là từ quầy hàng lưu niệm đặt ở dưới hiên nhà nông cụ gồm những sản phẩm bằng tre thu nhỏ mô phỏng các nông cụ được trưng bày trong nhà, do ông Phạm Văn Út - chồng mệ làm, để bán cho du khách.

"Đây mới là nguồn sống chủ yếu của hai vợ chồng tui. Ngày bán được, ngày không, nhưng trung bình mỗi ngày cũng kiếm được hai, ba chục ngàn" - mệ kể - "Chuyện là hồi Festival Huế 2002, khi lần đầu tiên xã Thuỷ Thanh tổ chức "Chợ quê ngày hội" để phục vụ khách du lịch. Thấy ông Bút chồng tui là người duy nhất của xã còn biết đan các loại nông cụ, mấy chú cán bộ xã vô nhà tui đặt vấn đề hay là ông thử làm một số cái theo dạng đồ chơi để có cái của quê hương đem trình diễn và bán cho du khách. Mấy chú hứa là nếu bán không ai mua thì mấy chú trích ngân sách xã ra để mua. Rứa là chồng tui làm. Ai ngờ ngày đầu tiên mới dọn ra khách đã mua hết sạch".

Đến Festival Huế 2004 và 2006, ông Bút tiếp tục làm nông cụ để đem trình diễn và bán cho du khách được rất nhiều. "Thấy làm cũng có tiền, vợ chồng mệ quyết định làm và bán luôn hàng ngày như bây giờ" - mệ nói.

Hơn một năm nay, nhờ có mệ Ngảnh làm hướng dẫn viên, nhờ mệ "thổi hồn" mà nhà trưng bày nông cụ của xã Thuỷ Thanh tràn đầy sức sống, thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong, ngoài nước đến tham quan. Hiện tại tất cả các hãng lữ hành ở Huế và nước ngoài khi đưa tour đến Huế đều có chương trình tham quan cầu ngói và nhà trưng bày nông cụ. Qua mệ Ngảnh, hình ảnh du lịch Thuỷ Thanh với cầu ngói Thanh Toàn và Bảo tàng nông cụ được cải thiện, hấp dẫn và thú vị hơn rất nhiều trong lòng du khách...

Thậm chí nhiều du khách còn khẳng định mệ Ngảnh không chỉ là hướng dẫn viên mà còn là một... "sản phẩm du lịch" độc đáo và không nơi nào có được. Lâm (27 tuổi) một khách du lịch chúng tôi gặp ở nhà nông cụ cảm động đến mức không thể cảm động hơn, bởi "đây là lần thứ hai tôi trở lại đây, và lần nào cũng được mệ Ngảnh hướng dẫn rất tỉ mỉ từng động tác, từng loại nông cụ, dù là một mình tôi hay có nhiều người. Tôi có tìm hiểu và được biết là mệ Ngảnh chỉ làm cho vui, nhưng tôi chưa thấy ai làm cho vui mà lại... vui và nhiệt tình như mệ. Thú thật, lần này tôi trở lại là vì mệ Ngảnh" - anh nói.

Hết mệ Ngảnh lại đến mệ Hấu

Hôm rồi chúng tôi về lại Bảo tàng Nông cụ xã Thủy Thanh, mới hay mệ Ngảnh đã "nghỉ hưu" từ cách đây 3 năm, và người kế tục sự nghiệp hướng dẫn viên du lịch ở bảo tàng này là mệ Nguyễn Thị Hấu, năm nay 75 tuổi. Cũng như mệ Ngảnh, công việc hằng ngày của mệ Hấu là đến đây thuyết trình, trình diễn cho khách tây. "Khách tới nếu có hướng dẫn viên thì họ nói với khách, còn mình chỉ làm động tác thôi. Còn nếu là khách lẻ thì buộc lòng mình phải kiêm luôn thuyết trình cho khách" - mệ Hấu cho biết. Ban đầu mệ chỉ biết dăm ba từ hel‌lo, im và khi khách cần thuyết trình động tác, mệ chỉ biết cười trừ.

Mệ Hấu, người kế tục sự nghiệp hướng dẫn viên du lịch của mệ Ngảnh.

"Vài tháng đầu khách hỏi tui không biết nói chi trơn. Rứa là phải điều mấy đứa cháu ra cùng, tui làm thì cháu tui thuyết minh cho khách. Riết rứa thì cực quá nên tối tối tui kêu mấy đứa cháu lại bày cho vài đường tiếng Anh, tiếng em để nói lóng với khách. Giọng trọ trẹ ri thôi chơ họ cũng hiểu. Nghe họ bảo "funny", "funny" tui cũng thích lắm" - mệ Hấu kể.

Việc mệ Hấu đang làm chẳng có đồng lương nào cả. Tùy vào lòng hảo tâm của khách, họ đến thấy vui, thấy thích thú cho ít tiền. Người một, hai, ba ngàn. Có người hào phóng cho đến vài chục. Cũng có khi gặp khách "sộp", quá thích mệ thì cho đến vài trăm ngàn. "Không có đòi hỏi chi trơn, khách cho chừng mô cũng vui hết. Quê mình được giới thiệu cho tây, họ về bên nớ họ kể cho tây biết về Thủy Thanh, về mệ Hấu ni đã là sướng nhất" - mệ Hấu chia sẻ.

May vẫn còn mệ Diều xem bói cho tây

Xã Thuỷ Thanh còn có một "sản phẩm du lịch" khác, "quái" và lạ không thua gì mệ Ngảnh, mệ Hấu là mệ Diều, năm nay cũng gần 80 tuổi, người đã hơn 16 năm nay kiếm sống bằng nghề xem bói cho khách du lịch, đặc biệt là khách tây ở trên cầu ngói Thanh Toàn. Nói là xem bói, nhưng kỳ thật bà chỉ xem chỉ tay, đoán một vài khúc đoản khúc vận mệnh vui buồn trong cuộc đời từ quá khứ, tương lai cho du khách. Khách của mệ Diều có cả ta cả tây bởi: "Tây cũng như ta thôi, ai cũng có tâm lý thích biết trước một chút về chuyện vui, chuyện buồn của đời mình. Đa số tây trẻ lại thường thích xem chỉ tay. Họ quan tâm đến chuyện học hành, chuyện làm ăn, chuyện rủi may, hoạ phúc... và đặc biệt rất thích xem chu‌yện tìn‌h duyên" - mệ Diều cho biết.

Mệ Diều - một "sản phẩm du lịch" rất lạ và quái của Thủy Thanh. Ảnh: Đăng Khoa

Điều bất ngờ là mệ Diều trò chuyện với tây bằng thứ tiếng Anh "bồi" khá lưu loát. Hỏi, mệ cười: "Tiếng Anh là do mệ học được hồi trước năm 1975, khi đi làm thuê cho "sở Mỹ" (Sở Chỉ huy các căn cứ quân sự của Mỹ tại Việt Nam) đóng tại Phú Bài". Hỏi nguyên nhân làm sao lại biết xem bói, mệ nói "do hồi trẻ nghèo khổ, làm không đủ nuôi con nên một nhà sư thấy thương rồi giao cho một cuốn sách dạy xem tướng số, tử vi. Mệ học thuộc rồi xem để kiếm sống cho tới chừ".

Chuyện xem bói của bà chẳng hề mang bóng dáng của những điều mê hoặc hay mê tín dị đoan. Có lẽ vì vậy mà bao năm nay, chính quyền địa phương vẫn cho mệ ngồi đó để mỗi ngày đem đến cho du khách một chút niềm vui nho nhỏ qua vạn nẻo lữ hành. Và hình như cầu ngói Thanh Toàn nhờ có mệ Diều mà được ấm cúng hơn....

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật