12 năm bắc cầu, thách thức cùng Hà Bá

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xã Minh Đài và xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn - tỉnh Phú Thọ) nằm dọc hai bên bờ sông Bứa, muốn đi sang bờ bên này phải đi bằng bè mảng hiểm nguy luôn rình rập.
12 năm bắc cầu, thách thức cùng Hà Bá
Cầu Minh Thuận đã phục vụ nhân dân được 12 năm ròng.

Không ai nghĩ có một ngày hai xã sẽ được nối liền, bà con xã Mỹ Thuận có thể giao thương với vùng trung tâm nếu ông Lê Hữu Đắc (SN 1953) - người xã Minh Đài, không bỏ tiền túi, xây dựng cầu treo Minh Thuận cho dân đi.

Câu chuyện về người đàn ông có “gan cóc tía”, dám nghĩ dám làm này từ lâu đã làm nức lòng nhiều người dân nơi đây. Họ cảm phục và yêu mến ông Đắc như một người đã nối liền “hai bờ vui” vậy.

Xây cầu cứu dân


Sông Bứa hiền hòa là vậy, thế mà vào mùa lũ, sóng nước gầm gào và hung dữ chẳng kém gì những con sông lớn. Theo người trong vùng, trước khi có cầu treo, năm nào khúc sông này cũng có người t‌ử nạ‌n lúc qua sông. Những cái chết sông nước thê thảm và ám ảnh nhất khi dòng nước xiết cứ liên tục cướp đi một lúc 2 mạng người, có vụ thì 2 cô gái trẻ lội qua sông rồi chết đuối, có vụ khác nạn nhân lại là 2 chàng trai trẻ, rồi 2 đứa bé... Hằng năm, sông Bứa còn dâng lũ về cắt đứt mọi phương tiện giao lưu giữa đôi bờ. Không một ai dám qua sông mùa nước lũ, bởi những diễn biến phức tạp của dòng nước có thể cướp đi mạng người dễ như chở bàn tay. Lũ sông Bứa to khủng khiếp, lên nhanh như muốn nuốt chửng, nhấn chìm tất cả những gì trong lòng nó. 

Sông Bứa chảy mãi từ mạn Đà Bắc - Hòa Bình xuôi về, hợp lưu với sông Dày chảy từ mạn Thu Cúc khiến cho khúc sông này là “ngã ba sông” ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Mùa nước lên khúc sông trở thành nỗi sợ hãi chết chóc của người dân nơi đây. Ở nơi gần ngã ba sông này, thuyền hay bè mảng đi trên sông nước càng dềnh dàng nguy hiểm hơn. Những chiếc cầu phao được ghép nên để vượt sông, nhưng đã nhiều lần xảy ra tai nạn và đều không chịu đựng nổi sức tàn phá của con nước dữ. Từ lâu, nhân dân hai xã Minh Đài và Mỹ Thuận đã mong muốn có một cây cầu bắc qua sông để đi lại an toàn, nhưng giấc mơ vẫn chưa thành hiện thực cho đến khi ông Lê Hữu Đắc cho ra đời ý tưởng về cây cầu treo và biến nó thành hiện thực bằng những đồng tiền tích cóp dành dụm của gia đình mình.

Ông Đắc xây cầu cho dân đi, kết thúc tình trạng mỗi năm đều có người bỏ mạng trên khúc sông này như chuyện thường niên mà dân gian vẫn đồn là Hà Bá sông về bắt người. 12 năm có cầu là 12 năm ông Đắc thách thức với Hà Bá để cứu hàng chục mạng người. Ông vẫn thường bảo: Tôi cứ nghĩ đến việc nhiều người phải bỏ mạng để qua sông thì trong lòng không yên, chỉ cần có một cây cầu khỏe, chắc chắn là mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Nghĩ là làm, năm 2001, ông Đắc lấy hết số tiền dành dụm của hai vợ chồng mấy chục năm lam lũ trồng chè, rồi đi buôn chè mãi tận miền núi Xuân Đài, Xuân Sơn mới có được để bắc cầu qua sông Bứa. Tổng kinh phí để xây dựng cầu hết gần 500 triệu, nó được mang tên “Minh Thuận” là ghép từ tên của hai xã Minh Đài và Mỹ Thuận. Cây cầu treo vững chãi có khả năng chịu lực trên 100 tấn cuối cùng cũng hoàn thành. 

Đầu năm 2002, cầu Minh Thuận thông xe, phá vỡ thế cô lập giữa các thôn của xã Minh Đài, giữa xã Minh Đài với xã Mỹ Thuận cùng các xã bờ bên kia. Không ai tin một người nông dân trồng chè, buôn chè như ông Đắc có thể xây cầu qua sông Bứa. Nhớ lại ngày ấy, ông Đắc tâm sự: “Kể cả người bạn mình là chủ tịch huyện cũng bảo: Nếu tớ mà ký quyết định cho cậu làm thì không biết cậu có làm được không? Ở đây chưa có tư nhân đứng ra làm thế này bao giờ. Làm xong rồi, sau này còn tính mạng của người dân nữa… Rồi mình phải hứa trước ủy ban rằng: Tự tay tôi sẽ làm được chiếc cầu đó. Mình thuê công ty tư vấn thiết kế bên Vĩnh Phúc thiết kế cây cầu theo ý tưởng. Xong rồi mình cầm bản thiết kế về làm”.

Năm 2005 lũ về, nước dâng cao 7- 8 mét, cầu treo Minh Thuận bị lũ cuốn trôi. Ông Đắc và vợ nhìn nhau mà khóc nức nở. Thế là bao nhiêu tâm huyết của vợ chồng ông đã trôi cả theo dòng nước đục ngầu. Nỗi đau mất cầu không chỉ là của riêng gia đình ông Đắc nữa mà nó là nỗi khổ chung của 1 vạn dân hai xã đầu cầu, đặc biệt là 200 cháu học sinh xã Mỹ Thuận ngày ngày không thể đến trường. Những nhà nào có xe máy thì phải chở con đi vòng hơn chục cây số đến trường. Phần lớn còn lại là con nhà nghèo chỉ trông chờ vào cây cầu treo. Đời sống sinh hoạt của người dân Mỹ Thuận cũng bị ngừng trệ. Mấy năm nay bà con quen đi xe đạp, xe máy qua cầu treo sang chợ Minh Đài mua sắm các nhu yếu phẩm từ gạo, muối, thức ăn cho đến các loại vật tư xây dựng. Cây cầu bị lũ cuốn, chỉ còn trơ lại 2 cột trụ khiến bà con lắc đầu buồn bã.

Cái đêm lũ về, mọi người đã tưởng cơn lũ khủng khiếp sẽ cuốn mất ông Đắc. Bà Bùi Thị Tuyền - vợ ông Đắc nhớ lại: “Hôm đấy mình tưởng là ông ấy chết mất thôi. Thấy lũ về, ông ấy cùng mọi người ra cuốn những tấm ván cọ vào hai đầu cầu để cho cầu nhẹ hơn, có thể chịu được lũ. Ông ấy vừa bước chân vào được đến trong bờ thì lũ đánh trôi cầu. Lũ về nhanh quá, chỉ 2 tiếng đồng hồ thôi mà lên đến 7, 8 mét…”. Hôm sau, ông Đắc nhìn cảnh cầu treo tan tác mà thương các cháu học sinh đứng ở bờ bên kia đang sụt sùi nhớ trường lớp. Ông lại bỏ tiền túi ra đóng bè và thuê người đẩy bè miễn phí cho các cháu học sinh. Ông chỉ nghĩ đơn giản: “Các cháu học sinh vì cây cầu mà ngừng trệ việc học thì nó không hay”.

Chuyện buồn lẫn với chuyện vui

Thế mà có ai ngờ được, ông Đắc lại xây cây cầu khác. Dường như xây cầu cho dân đi như là một sứ mệnh của ông Đắc vậy. Quả thật, nếu một người giỏi làm ăn kinh tế như ông Đắc xây cầu để kiếm tiền thì có gì đó vô lý lắm. Bởi người qua cầu toàn là dân quê lam lũ, là các cháu học sinh nghèo ham học, việc thu phí đi lại của họ chỉ gọi là “cho có”, số tiền được tính bằng những trăm đồng con con. Mà số tiền bỏ ra sửa cầu lại tính bằng tiền… trăm triệu. Bao nhiêu năm nữa thì ông Đắc cũng không thu lại được số vốn đã bỏ ra để xây đi xây lại chiếc cầu tới hai lần như thế. Cái tâm của ông sáng lắm. Không vụ lợi, không tính toán thiệt hơn, ông Đắc chỉ nghĩ rằng, mình xây cầu thì trước tiên là mình được đi, sau là bà con làng xóm nhà mình, rồi nhân dân hai xã Minh Đài và Mỹ Thuận được nhờ vả. 

Ông Đắc tâm sự: “Mình mà nghĩ đến lợi thì mình chả bao giờ làm cầu đâu. Mình chỉ nghĩ không có cầu thì bao nhiêu học sinh phải nghỉ học? Dân hồi đấy cũng còn đói chứ không như bây giờ. Nếu không sang bên này đong gạo thì bữa trưa không có gạo mà ăn. Người hai xã đứng ở hai bên bờ muốn sang trao đổi buôn bán mà không sang được”.

Chân dung vợ chồng người bắc cầu qua sông Bứa.

Trước kia, ở nơi đây hình ảnh “ngày ngày một chuyến đò ngang”, “muốn sang sông phải lụy đò” là hết sức quen thuộc. Vào những ngày mưa lũ thì hai xã dường như chia cắt hoàn toàn mọi giao lưu, bởi cái lẽ “gần nhà xa ngõ”, muốn đi từ xã này sang xã kia phải đi vòng mất bốn chục cây số. Từ ngày có cầu ông Đắc, mọi sinh hoạt giao lưu về chính trị, kinh tế, văn hóa của 2 xã Minh Đài và Mỹ Thuận được nối liền và hết sức thuận lợi, bà con vui mừng kết thúc cái cảnh nhà gần mà cứ phải đi đường vòng, các cháu học sinh không còn phải đạp xe hàng chục cây số để đi học nữa. 

Kể về lần xây cây cầu thứ hai này, ông Đắc quả quyết:“Vẫn phải làm cầu cho dân đi chứ. Nếu không làm thì không có con đường nào khác nữa. Rồi họ vượt qua sông lại xảy ra chết chóc. Hàng trăm học sinh không được đi học vì chỉ có mỗi đường sang đây học cấp 2, cấp 3 thôi. Lần sau này, mình được tư vấn thiết kế nâng trụ cầu lên 1,5 mét. Lũ có lên cao nữa cũng không sợ”. 

Đã 12 năm trôi qua kể từ cái ngày ông Đắc đem cả gia sản tích cóp bao nhiêu ngày tháng để làm cầu treo qua sông Bứa. Niềm vui của vợ chồng ông Đắc chính là được phục vụ cho nhân dân. Từ ngày có cầu, nhân dân được đi lại an toàn, không có một vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra, chuyện Hà Bá bắt người cũng chỉ còn là dĩ vãng. Mỗi ngày, ông Đắc đứng nhìn hàng trăm học sinh khúc khích, ríu rít như bầy chim non đi qua cầu Minh Thuận để đến trường. Niềm vui ấy hiếm ai có được. 

Ngậm ngùi kể về những ngày tháng nhọc nhằn vất vả của gia đình mình, ông Đắc bà Tuyền càng thấy tự hào, bởi con cái của mình đều được học hành “đến nơi đến chốn” và phương trưởng. Nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, khi trở về chỉ mang theo mỗi… căn bệnh sốt rét. 

Ông Đắc kể về những ngày tháng khốn khổ: “Lúc tôi đi bộ đội về gần như là đã chết rồi. Về đến nhà, ông cụ nhà tôi chào tôi một câu rồi pha nước, mời uống nước rồi lại vào làm ở nhà trong. Tôi đặt ba lô xuống, nằm ngất xỉu, mãi đến lúc có người nhà đến hỏi ai nằm ngất xỉu đấy thì ông cụ mới ra nhận là con mình. Ông cụ không nhận ra tôi nữa vì lúc ấy đã bị sốt rét hằng năm rồi. Tôi bị mất bằng khen, mất cả bằng dũng sĩ. Cả đi học, đi bộ đội 20 năm là không có một cái gì cả. Đi bộ đội, bị sốt rét nằm ngay ở Tây Nguyên, chiến dịch xong, giải phóng xong mình đi làm công tác dân vận. Mình vào vùng đồng bào dân tộc Ê Đê, nằm đấy một thời gian là bị sốt rét… lên bờ xuống ruộng. Đồng đội bao nhiêu người nằm lại, mình vẫn may mắn sống được, về phục vụ dân làng”. 

Nhiều năm sau ngày trở về, bệnh sốt rét vẫn hành hạ ông Đắc khiến ông gầy mòn, ốm yếu. Dẫu vậy, ông vẫn cùng vợ con ra sức làm ăn rồi làm được cả cầu treo phục vụ dân. Có lẽ, chính sức mạnh và tâm hồn giàu tình cảm của người lính đã giúp ông Đắc vượt qua nhiều khó khăn để trở thành người đem đến nhiều niềm vui cho bà con nhân dân hai bờ sông Bứa.

Cây cầu mới rộng 9 mét được Nhà nước đầu tư xây dựng sắp được hoàn thành và cho thông xe. Cầu mới cách cây cầu treo của ông Đắc khoảng 30 mét. Đến khi cầu mới hoàn thành, cây cầu Minh Thuận mà ông Đắc 2 lần xây dựng sẽ kết thúc “sứ mệnh lịch sử” của nó. Nhắc đến chuyện này, ông Đắc buồn lắm. Ông buồn nỗi buồn của một người sắp chấm dứt 12 năm ròng được phục vụ nhân dân: “Cầu của mình thì… bỏ thôi. Bây giờ nó là quá khứ rồi. Mình chỉ phục vụ đến thế thôi. 12 năm là tròn 1 “giáp” phục vụ đấy. Được phục vụ nhân dân chừng ấy năm đã là một niềm vui rồi”. Tuy buồn thế nhưng ông Đắc cũng không quên niềm vui quê hương mình đang phát triển:“Thời đại công nghiệp hóa, quê mình phải phát triển lên chứ. Mình nghĩ được Nhà nước quan tâm, xây cầu lớn cho dân đi là mừng lắm rồi”.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật