Đất trang trại giá rẻ: Dễ tiền mất tật mang

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các khu đất trang trại rộng mênh mông với giá siêu rẻ, theo các cò đất chủ yếu được thu gom từ các hộ gia đình được giao trồng rừng, vì vậy người mua nên cảnh giác với tính pháp lý của những khu đất này.
Đất trang trại giá rẻ: Dễ tiền mất tật mang
Mua đất trang trại giá siêu rẻ dễ tiền mất tật mang

Theo anh Hà, một cò đất đang rao bán một khu trang trại rộng 30 ha, đất thực chất có giá rẻ như vậy vì đó là đất rừng, chứ đất thổ cư hay đất dự án thì không bao giờ mua được một m2 với giá còn rẻ hơn cả mớ rau.

“Cái gì cũng thế thôi chị, muốn mua được đất rẻ thì mình phải chịu khó mất thêm chi phí và công sức để hợp thức hóa nó. Còn muốn mua đất “xịn”, giá phải gấp nghìn lần như thế”, anh Hà nói.

Cũng theo anh Hà, luật là thế, nhưng hiện nay nhiều hộ gia đình cũng đang xây dựng trên đất rừng nhưng đã có trường hợp nào bị thu hồi hay xử lý đâu.

“Nếu một mình chị xây thì còn lo không xây được, nhưng đã có nhà xây rồi, chị lo gì nữa. Người ta làm được, mình cũng làm được”, anh Hà trấn an khách.

Cũng theo anh Hà, việc xây dựng trang trại, diện tích xây nhà hay các dịch vụ cũng không nhiều, đa số là làm các công trình như vườn cây, ao cá.

Vì vậy, nếu khách hàng lo về tính pháp lý của dự án thì có thể mua đất về để làm nhà vườn, cuối tuần cả gia đình và bạn bè về để nghỉ dưỡng.

“Đất có mấy nghìn đồng/m2, nên mua để đấy chơi cũng thích. Chị không đầu tư hoành tráng thì làm cái nhà sàn, cuối tuần cho trẻ con về nô đùa, chạy nhảy, thậm chí săn bắt cũng thú vị”, anh Hà nói.

Tuy nhiên, mua các loại đất trang trại là đất rừng này, nguy cơ bị mất trắng là rất cao. Anh Tuấn Anh, một khách hàng đã từng mua đất trang trại tại khu vực Sóc Sơn cho biết, hồi năm 2008, gia đình anh có mua một mảnh đất rộng 7ha với giá 4 tỷ đồng.

Khi mua lại từ một gia đình hộ dân, mảnh đất nhà anh có đầy đủ các giấy tờ như trích lục bản đồ của xã, có ký tên đóng dấu, hợp đồng chuyển nhượng. Tất cả diện tích của khu đất đã có trích lục rồi như sổ đỏ vẽ ra từng hướng giáp với gia đình nào, mỗi chiều là bao nhiêu mét, diện tích đất được phép xây dựng là bao nhiêu và thời gian sử dụng là 50 năm.

“Tôi đi tìm hiểu các khu đất xung quanh thì được biết nguồn gốc đất của họ cũng giống như đất của tôi, nhưng họ đều đã xây dựng các khu nghỉ dưỡng, sinh thái và chưa bị xử lý”, anh Tuấn Anh cho biết.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ anh Tuấn Anh mới phát hiện mảnh đất anh mua thực chất là đất rừng, nên có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào.

“Giấy chứng nhận chuyển nhượng có xác nhận của xã cũng chỉ là một phần thôi. Vì thực tế xã chỉ xác nhận giao dịch mua bán giữa người này với người kia, còn đất đó là đất gì không ghi trong hợp đồng mua bán, nên xã không xác nhận việc đó.

Nếu không bị phát hiện thì không sao, nhưng nếu đã bị phát hiện, bị thu hồi thì cũng đành chịu. Vì vậy, mọi người đừng nên ham những mảnh đất giá rẻ mà tiền mất tật mang”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Còn theo luật sư Bùi Quang Hưng, văn phòng Luật sư BQH và cộng sự, việc xây dựng các công trình kiên cố trên đất rừng nếu bị phát hiện sẽ phạm vào 2 hệ thống pháp luật. Thứ nhất là hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, thứ hai là sử dụng đất không đúng mục đích.

“Tùy theo mức độ vi phạm và trường hợp cụ thể sẽ có mức xử phạt khác nhau. Tuy nhiên, trường hợp xấu nhất là mảnh đất sẽ bị phá dỡ hoặc thu hồi. Vì vậy, người mua nên cẩn trọng và cân nhắc kỹ trước khi quyết định”, Luật sư Hưng nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật