Câu chuyện “Chạy công chức 100 triệu VNĐ” nêu ra trong năm 2012, đến nay dư luận vẫn chưa quên. Dĩ nhiên “chạy” công chức mới chỉ đơn thuần là “chạy” vào biên chế cơ quan nhà nước, hoặc “chạy” để có việc làm. Còn muốn “chạy” để được đề bạt, bổ nhiệm, cất nhắc lên chức vụ lãnh đạo một cơ quan, hay còn gọi là “chạy” chức, thì con số có khi phải cao hơn nhiều. Nói theo các cụ ngày xưa là mua quan, bán chức. Tất nhiên xưa nay đều phải làm “chui”.
Do vậy "chạy” chức thực chất là tham nhũng, đút lót, hối lộ và nhận hối lộ. Những kẻ "chạy” chức xong, nhất định chúng sẽ tìm đủ mọi cách, mọi hình thức tham ô, vơ vét… của nhà nước và nhân dân (để hoàn vốn "chạy” chức, kiếm lãi). Thế mới có chuyện đầu tư "chạy” chức... Chạy chức nguy hại là vậy, nhưng thực tế muốn "khui” ra ánh sáng, cụ thể kẻ nào "chạy” chức, thì chẳng khác gì "đi máy bay bà già đòi lên mặt trăng”. Nếu không cẩn trọng có khi còn bị khép vào tội vu khống. Bởi vì tất cả các kẻ "chạy” chức chỉ bộc lộ với người thân tín, tri kỷ (thế mới thành dư luận). Chẳng có kẻ "chạy” chức nào lại "ngu xuẩn” đến mức tự khép mình vào tội đưa tiền hối lộ, hoặc khai nhận trước cơ quan chức năng. Đồng thời, cũng chẳng có kẻ nào khờ dại khi ký nhận tiền hối lộ "chạy” chức bao giờ...
Để góp phần hạn chế "chạy” chức, tôi kiến nghị cơ quan thẩm quyền mấy cách cấp bách:
Thứ nhất, cấp trên cần có và công khai các tiêu chí cụ thể cho mỗi chức danh lãnh đạo để trong mỗi nhiệm kỳ họ phải "lao tâm khổ tứ”. Đồng thời xoá bỏ cơ chế lãnh đạo "quyền đá, vạ rơm”. Chẳng hạn sẽ cách chức: Bộ trưởng Bộ GTVT nếu để sập cầu (thuộc Bộ quản lý) khi đang thi công; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nếu để tai nạn giao thông địa phương tăng vọt; Giám đốc Sở Công an nếu để "thối án” - không điều tra ra kẻ giết người, trong thời hạn 3 năm (kể từ khi xảy ra vụ trọng án); Giám đốc Sở GD&ĐT nếu để xảy ra tình trạng dạy thêm ở bậc tiểu học…
Thứ hai, trên cơ sở các tiêu chí cụ thể do cấp trên yêu cầu (nhất là những trường hợp sẽ bị cách chức nêu trên), các ứng viên trong diện quy hoạch đề bạt chức vụ lãnh đạo phải viết cam kết chấp hành. Và có thể phát huy sáng tạo, bổ sung thêm các tiêu chí, lập đề án, kế hoạch công vụ, cùng những giải pháp, thời hạn thực hiện…
Thứ ba, cơ quan cấp trên có thẩm quyền quyết định đề bạt chức vụ lãnh đạo phải luôn kiểm tra, theo dõi, giúp đỡ, hướng dẫn "quan chức” cấp dưới thực hiện các tiêu chí, đề án, kế hoạch công vụ đã đề ra, để động viên, khen thưởng kịp thời. Song, cũng phải sẵn sàng ký ngay quyết định cách chức khi họ không thực hiện được tiêu chí, đề án đã cam kết. Và như vậy, văn hóa từ chức mới hình thành phổ biến từ đấy. Chúng ta không sợ hết người "lao tâm khổ tứ” làm lãnh đạo và không sợ thiếu người có đức, có tài để thay thế người bị cách chức.
Thứ tư, về nhiệm kỳ các chức vụ lãnh đạo, cần giới hạn không quá 4 năm/1 nhiệm kỳ và không quá 8 năm đối với mỗi chức danh lãnh đạo. Nếu quá 8 năm mà người giữ chức vụ hiện tại không có điều kiện đề bạt lên chức vụ cao hơn, thì sẽ xuống làm cán bộ, chuyên viên bình thường. Tránh tình trạng có người 20 năm phải giữ chức vụ Trưởng phòng, dễ trở nên "độc tài”. Và như vậy là già hóa lãnh đạo. Trường hợp người lãnh đạo bị cách chức, thì đương nhiên không phụ thuộc thời gian nhiệm kỳ chức vụ còn hay hết.
Ngoài ra, về vấn đề trẻ hoá lãnh đạo, cũng không thể hiểu máy móc là chỉ dành chức vụ cho những người trẻ tuổi. Mà kể cả những người tuổi "U 50” nhưng mới được đề bạt cũng có thể gọi họ là lãnh đạo trẻ.
Tóm lại các tiêu chí cụ thể, công khai đối với từng ứng viên lãnh đạo; cộng với khen thưởng, kỷ luật kịp thời, cùng nhiệm kỳ chức vụ giới hạn thời gian và văn hoá từ chức hình thành, biết nhìn nhận toàn diện về trẻ hoá lãnh đạo… nhất định sẽ góp phần hạn chế tình trạng "chạy” chức hiện nay.