Internet châu Á dễ tổn thương vì phát triển vội vàng

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cơn địa chấn ngày 17/1 dứt thêm 1 tuyến cáp đồng thời cũng làm lung lay luôn nhận định của các chuyên gia rằng những cơn địa chấn như vậy là thảm họa hàng chục năm mới xảy ra một lần.
Internet châu Á dễ tổn thương vì phát triển vội vàng
Ảnh minh họa

Theo tờ Wall Street Journal, châu Á có hệ thống viễn thông nằm trên khu vực Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây là nơi có nền kinh tế phát triển năng động nhất châu lục, thu hút hàng trăm tỷ USD đầu tư trực tiếp trong vài năm qua, nhưng tính chất địa lý gần như bất ổn nhất thế giới. Hầu hết các tuyến cáp quang được thiết lập trong thời kỳ viễn thông bùng nổ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng nhu cầu sử dụng khi đó không tiến nhanh như các bản dự toán nên nhiều công ty gặp vấn đề về tài chính, thậm chí phá sản. Việc nâng cấp, bảo trì và lắp đặt mới các tuyến cáp được thực hiện chậm chạp trong điều kiện bị cắt giảm ngân sách. Mặt khác, mạng lưới của từng hãng viễn thông được xây dựng gần như song song với nhau, các tuyến cáp từ châu Á tới châu Âu và Mỹ thậm chí còn nhiều hơn kết nối giữa các quốc gia hoặc nhà cung cấp ngay trong khu vực.

Những nguyên nhân đó khiến hệ thống viễn thông châu Á trở nên dễ tổn thương, phản ứng chậm khi có sự cố. Theo lịch trình, những tuyến cáp đứt từ trận động đất ngày 26/12 sẽ lần lượt được sửa chữa xong từ 11/1 đến 8/2. Nhưng thực tế đến tận ngày 17/1 vẫn chưa có tuyến nào được nối hoàn chỉnh mà chỉ được “sửa chữa cơ bản”. Báo chí chỉ trích tình trạng đội tàu chuyên dụng sửa cáp được trang bị công nghệ lạc hậu. Tàu Retreiver của hãng Global Marine được đánh giá hiện đại nhất phải lo đến 2 tuyến ở 2 khu vực khác nhau trong điều kiện tàu lặn điều khiển từ xa (remotely operated vehicle - ROV) không sử dụng được. Mới đây đã có thêm 3 tàu sửa cáp được cử đến vùng biển Đài Loan để dò tìm và sửa chữa, nâng tổng số tàu đang tham gia hoạt động lên 8 chiếc.

Tàu Retreiver phải lo sửa 2 tuyến cáp tại Đài Loan. Ảnh: Gidb ITU.

Hiện tại, chỉ có hãng điện thoại lớn nhất Đài Loan Chungwa Telecom công bố ngân sách 1,5 triệu USD chi cho việc nối cáp và hơn 100 triệu USD thiệt hại do kinh doanh bị đình trệ. Các công ty viễn thông khác vẫn đang tập trung vào việc sửa cáp nên chưa có được con số thống kê cụ thể nhưng con số ước tính ban đầu cho thiệt hại cũng lên tới nhiều tỷ USD trên toàn châu Á.

Tại Việt Nam, mặc dù hệ thống cáp trong nước không bị hủy hoại nhưng các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và doanh nghiệp trong nước cũng gánh chịu những chi phí phát sinh đặc biệt do đường truyền quốc tế bị tắc nghẽn. Ông Lê Hữu Hiền, Phó Tổng giám đốc công ty điện thoại đường dài Viettel, cho biết việc đưa khẩn cấp đường truyền vệ tinh vào hoạt động như một giải pháp dự phòng khi đứt cáp quang đã tiêu tốn chi phí tới 218.000 USD mỗi tháng. Mặc dù kết nối Viettel đến nhà cung cấp đường cáp qua Đài Loan không bị đứt, nhưng đường truyền của công ty này vẫn bị suy giảm còn 30% vì phải “chịu tải” cho những luồng dữ liệu khác được lái sang. dịch vụ thanh toán qua Master Card của các ngân hàng trong nước như Vietcombank, Sacombank, ACB… đều “bị ảnh hưởng đôi chút” trước khi hoạt động trở lại nhờ hệ thống dự phòng.

“Sau sự cố này, chắc chắn các nhà cung cấp tại châu Á sẽ có những điều chỉnh về biện pháp đối phó với những thảm họa có thể xảy ra”, ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc công ty VDC, một ISP khác tại Việt Nam, nói. “Việc phối hợp ứng cứu giữa các nhà cung cấp và công tác dự báo phải được gắn kết hơn nữa”. Chia sẻ quan điểm này, đại diện Viettel cho rằng kiến trúc mạng khu vực sẽ thay đổi trong thời gian tới. “Sẽ có thêm nhiều điểm nút mới được tạo ra chứ không tập trung tại Đài Loan như hiện nay nữa”, ông Hiền nhận định. Những hợp đồng trong tương lai của ISP này sẽ có những điều khoản ràng buộc yêu cầu đối tác sẽ có thêm nhiều hướng kết nối khác nhau so với hiện nay.

Hưng Hải

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật