Người ta cứ đồn con trai miền Bắc độc đoán, ích kỉ, tôi không tin. Hồi yêu nhau anh cưng tôi lắm, đâu có như bây giờ. Tôi ân hận vì đã thương và lấy một người con trai đất Bắc.
Tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn - thành phố nhộn nhịp và tươi trẻ. Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn là một cô bé ham vui, năng động nhưng cũng đầy hoài bão. Tôi rất yêu thành phố nơi mình lớn lên và khó có thể tưởng tượng có ngày phải rời xa nó.
Dũng là người Bắc Ninh nhưng lại vào Sài Gòn học do không đủ điểm đậu cơ sở chính ngoài Bắc. Anh hơn tôi 2 tuổi, là con người điềm đạm, chính trực, cần cù, tiết kiệm. Khi mới quen anh, tôi bị thu hút bởi vẻ đàn ông đích thực chứ không nhí nhố, ham chơi như con trai Nam Bộ.
Ban đầu, tôi nhận lời yêu Dũng vì anh nói sau khi tốt nghiệp sẽ ở lại miền Nam định cư. Nhưng sau 1 thời gian, ba má Dũng và người lớn ở quê kêu anh phải về Hà Nội làm. Mệt mỏi vì công việc, sự vất vả khi sống xa nhà, lại thêm sức ép từ gia đình, anh quyết định trở về Bắc Ninh.
Dũng cho tôi lựa chọn. Ba má tôi khuyên can con gái hết lời, nói tôi nên từ bỏ anh. Ba má lo tôi không chịu nổi sự gia trưởng của gia đình chồng ở miền Bắc. Họ lo tôi không thích nghi được với cuộc sống xa lạ nơi đất khách quê người. Vì quá thương anh, tôi nhắm mắt đưa chân theo anh về làm dâu xứ lạ.
Bắc Ninh là 1 tỉnh nhỏ, khác vô cùng với Sài Gòn phồn hoa của tôi. Nơi này im lìm 1 cách đáng sợ, không có siêu thị, không có trung tâm thương mại. Nhiều nhất ở nơi đây đó là chùa, đền, cứ vài km lại thấy 1 ngôi chùa nhỏ.
Ở đây nhà tầm 4, 5 tầng đã được coi là cao lắm rồi. Tầm tối khoảng 8 giờ là ngoài đường đã vắng ngắt, không khí ảm đạm toàn tiếng dế kêu. Những ngày đầu mới về, tôi cảm thấy vô cùng ngột ngạt vì phải chịu bó gối trong 4 bức tường.
Đám cưới của tôi và Dũng diễn ra cả tuần trời. Má chồng dẫn tôi đi giới thiệu cho từng ông, bà, cô bác, anh, chị thuộc các chi ngành của họ tộc và yêu cầu tôi ghi nhớ. Tôi choáng váng trước sự đông đúc của họ hàng nhà Dũng.
Sau đám cưới, tôi đề nghị chồng giúp tôi kiếm 1 công việc nhẹ nhàng vì tôi biết nhà chồng có mối quan hệ khá rộng. Ba má chồng tỏ vẻ khó chịu. Họ gạt phắt và kêu tôi không được đi làm, phải ở nhà làm hậu phương vững chắc cho chồng.
Gia đình chồng tôi khá giả, có thể nói là giàu có nhưng lại có truyền thống cổ hủ. Phụ nữ trong nhà chỉ ở nhà lo chăm sóc gia đình mà không đi làm. Nhất là đối với tôi, dâu trưởng nên nhà chồng yêu cầu tôi ở nhà để học làm dâu.
Tôi tỉ tê với Dũng mong được anh nói giúp vài lời với ba má nhưng anh không chịu. Anh khuyên tôi nên theo má, gắng học hỏi để làm tốt nhiệm vụ trong gia đình, đừng có gây chuyện. Anh nói tôi nên nhường nhịn, biết điều, đừng để anh phải khó xử vì phải đứng giữa tôi và má.
Một tháng sau đám cưới, nhà chồng có đám giỗ. Má chồng kêu tôi đi đón khách. Tôi không tài nào nhớ nổi ai với ai, đành chào đại theo lứa tuổi. Những người bị tôi chào nhầm, gọi nhầm, ông bà trẻ bị gọi thành anh, chị, thậm chí là em đã phản ứng gay gắt với má chồng tôi.
Hôm đó, tôi bị má chồng la tới bến. Bà tru tréo lên “Tâm trí mày lúc nào cũng nghĩ tới việc ra ngoài để thể hiện thì sao mà chu toàn việc nhà được đây. Có cái việc nhớ tên họ hàng cũng không làm nổi. Mày làm dơ mặt chúng tao!”. Tôi ấm ức nhưng chẳng dám nói gì, chỉ cúi gằm mặt khóc.
Sau hôm đó, khóa huấn luyện làm dâu quê của tôi càng ngày càng kinh khủng. Tôi phải đến nhà thờ tổ, học thuộc gia phả nhà chồng. Chiều nào về đầu gối tôi cũng mỏi nhừ nhưng vẫn phải cùng má nấu nướng. Ăn xong tôi chẳng có thời gian nghỉ, lại lao vào dọn dẹp. Rồi sau đó là giặt giũ, phơi đồ.
Đúng 9 giờ tối, tôi được thả cho về phòng nhưng phải ngay lập tức tắt đèn đi ngủ. Nếu không sẽ bị ba má chồng la vì phá quấy giấc ngủ của gia đình.
Hai tháng lấy chồng là hai tháng tôi bị phong ấn trong guồng xoáy công việc nhà chồng. Tôi chẳng có thời gian để xem ti vi, lên mạng lướt web coi shop quần áo, mĩ phẩm online như trước. Có chăng chỉ tranh thủ chút ít thời gian nghỉ trưa, tôi vào mạng coi chút tin tức rồi lại bị gọi xuống làm việc.
Tôi quanh quẩn ở nhà cả ngày chỉ biết có má chồng. Những gì tôi và bà nói với nhau chỉ xoay quanh chuyện bếp núc, thờ cúng, họ hàng. Tôi ngán muốn chết. Tôi nhớ thời gian được tự do, bay nhảy, nhớ Sài Gòn tráng lệ.
Không thể chịu được nữa, tôi quyết định vùng lên. Ít nhất là phải có được 1 công việc, dù nhỏ, dù tiền kiếm được ít nhưng sẽ giúp tôi thoát khỏi cảm giác chật hẹp, lệ thuộc nhà chồng.
Tôi một lần nữa ngỏ ý với chồng và ba má chồng về chuyện cho tôi đi làm. Lần này, tôi xin ba má chồng cho tôi mở 1 cửa hàng nhỏ tại gia để kinh doanh. Như vậy, tôi vẫn ở nhà chăm lo cho gia đình được mà vẫn giao lưu với mọi người cho khuây khỏa.
Má chồng tôi tức đến nỗi mặt đỏ bừng. Bà kêu tôi là đứa con dâu khốn nạn, dám biến gia đình nho nhã, học thức của bà thành phường con buôn gian xảo.
Bà còn nói Dũng ngu ngốc, ngày xưa bà đã cấm anh mà anh vẫn rước con gái miền Nam vừa lười vừa láo về để phá hoại gia phong, nề nếp gia đình.
Dũng la tôi còn nhiêều hơn cả má của anh. Anh kêu tôi là người vợ hư, đứa con dâu không biết nghe lời. Anh đã nói hết nước hết cái mà sao tôi không chịu hiểu.
Anh nói tôi sướng mà không biết đường, ở nhà chồng nuôi, không phải bon chen với đời, nắng không đến mặt mưa không tới đầu lại còn đòi hỏi. Anh đe nếu tôi còn dám xin đi làm, lá đơn li hôn sẽ ngay lập tức đưa tới trước mặt.
Tôi sốc quá, tôi không ngờ chồng mình lại gia trưởng như vậy. Người ta cứ đồn là con trai miền Bắc độc đoán, ích kỉ, tôi không tin. Hồi yêu nhau anh cưng tôi lắm, đâu có như bây giờ.
Tôi ân hận vì đã thương và lấy một người con trai đất Bắc. Con trai Bắc ích kỉ, gia trưởng vô cùng, lại thêm tư tưởng lạc hậu, cổ hủ. Nếu tôi nghe lời ba má tôi thì đâu có tự đẩy mình tới bước đường này.
Nếu bạn gái nào người Nam có ý định lấy chồng Bắc thì hãy nhìn vào câu chuyện của tôi mà suy nghĩ lại. Con gái Nam mà lấy chồng Bắc sẽ cơ cực và chạnh lòng lắm đấy!